Nhìn lại 12 năm NHCSXH thực hiện mục tiêu giảm nghèo

06/10/2014
(VBSP News) Những thành công nổi bật trong hoạt động của NHCSXH sau gần 12 năm hoạt động có thể khái quát lại qua 3 nội dung sau: Huy động được các nguồn lực tài chính để đáp ứng cơ bản nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác; Triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ đạt hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội; Xây dựng và tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng phù hợp với thực tiễn.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã tác động rất lớn đến đời sống người nghèo cả nước

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã tác động rất lớn đến đời sống người nghèo cả nước

Huy động tốt nguồn lực tài chính

Từ hơn 9 nghìn tỷ đồng nguồn vốn vào thời điểm cuối năm 2002, nguồn vốn của NHCSXH đã tăng trưởng vượt bậc, đến nay đạt 136.163 tỷ đồng. Không chỉ có mức tăng trưởng mạnh mẽ, cơ cấu nguồn vốn cũng có những chuyển biến tích cực theo hướng đa dạng các nguồn vốn. Khẳng định sự quan tâm của Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, Nhà nước đã cấp 10 nghìn tỷ đồng vốn điều lệ và 14.865 tỷ đồng vốn bổ sung các chương trình mục tiêu cho NHCSXH. Vốn ủy thác đầu tư từ ngân sách các địa phương và các nhà đầu tư nước ngoài đạt 4.569 tỷ đồng.

Triển khai Nghị định 78 của Chính phủ, NHNN đã ban hành Thông tư số 23/2013/TT-NHNN thay thế Thông tư số 04 trước đó quy định các Ngân hàng thương mại Nhà nước và Ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ có trách nhiệm duy trì số dư tiền gửi tại NHCSXH bằng 2% số dư nguồn vốn huy động bằng VNĐ. Bên cạnh đó, NHCSXH cũng đã chủ động huy động nguồn tiền gửi của khách hàng là tổ chức, cá nhân, đạt 5.234 tỷ đồng.

Triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi

Khởi điểm với 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cho vay hộ nghèo), Ngân hàng Công thương Việt Nam (cho vay học sinh) và Kho bạc Nhà nước (cho vay giải quyết việc làm), sau 12 năm hoạt động, số chương trình tín dụng của NHCSXH đã tăng lên tới gần 20 chương trình cho vay, đối tượng được ưu đãi ngày càng đa dạng hơn.

Gần 12 năm hoạt động, NHCSXH đã cấp tín dụng cho trên 24,5 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác với tổng doanh số cho vay đạt trên 266 nghìn tỷ đồng. Tính đến nay, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã giúp gần 3,3 triệu hộ nghèo thoát nghèo, 10,8 triệu lao động được tạo việc làm, trong đó có 102,7 nghìn lao động đi lao động ở nước ngoài, 3,3 triệu HSSV được vay vốn đi học; 5,8 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng; 483,6 nghìn ngôi nhà được xây dựng cho các hộ nghèo… Đây là những con số nói lên thành quả của chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ cũng như sự nỗ lực hết sức của cả tập thể NHCSXH trong suốt thời gian thành lập cho tới nay.

Trong số các chương trình tín dụng ưu đãi, chương trình tín dụng hộ nghèo đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Là một cấu phần của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, tín dụng ưu đãi từ NHCSXH đã hỗ trợ người nghèo có vốn sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống và tiến đến thoát nghèo bền vững. Ngay từ khi mới thành lập, nhận thức được vấn đề ngoài việc cấp tín dụng ưu đãi còn cần phải đơn giản hóa quy trình, thủ tục làm sao cho phù hợp với khả năng của người nghèo. Cụ thể, hộ nghèo được vay vốn không phải thế chấp tài sản, được miễn lệ phí làm thủ tục vay vốn và được vay vốn tối đa là 50 triệu đồng (kể từ 01/5/2014) với lãi suất ưu đãi là 0,6%/tháng.

Qúa trình triển khai, đây là chương trình có quy mô dư nợ lớn nhất với hơn 40 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 32% tổng dư nợ của NHCSXH. Tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân đạt gần 18%/năm, phục vụ 2,6 triệu khách hàng, góp phần hiệu quả trong công tác giảm nghèo. Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tỷ lệ hộ nghèo cả nước thời kỳ 2001 - 2005 giảm từ 17% xuống 7%; thời kỳ 2005 - 2010 giảm từ 22% xuống 9,45% năm 2010 (theo chuẩn nghèo cũ) và thời kỳ 2011 - 2013 giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 11,8% năm 2011, 9,6% năm 2012 và 7,8% năm 2013 (theo chuẩn nghèo mới).

Được Chính phủ ban hành cơ chế cho phép xử lý nợ tồn đọng, NHCSXH đã tích cực xử lý nợ quá hạn, bảo đảm tính hiệu quả, ổn định, và bền vững của nguồn tín dụng ưu đãi cho người nghèo. Kết quả tích cực của công tác nâng cao chất lượng tín dụng được thể hiện ở tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh đã giảm từ 3,7% và 1,9% cuối năm 2003 xuống còn 0,57% và 0,42% vào thời điểm giữa năm 2014.

Kế tiếp thành công của chương trình cho hộ nghèo vay vốn và nhận thức được những khó khăn mà người nghèo cần được trợ giúp sau khi thoát nghèo, ngày 23/2/2013, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ cận nghèo. Theo đó, NHCSXH thực hiện cho vay hộ cận nghèo đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhằm góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Tính đến nay dư nợ của chương trình đạt hơn 13 nghìn tỷ đồng. Tuy mới triển khai nhưng chương trình đã nhận được sự ủng hộ cao từ cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân.

Chương trình tín dụng có quy mô lớn thứ hai là cho vay HSSV theo Quyết định  157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với HSSV thay thế Quyết định số 107/2006/QĐ-TTg. Mục đích của chương trình là để HSSV các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề vay vốn để trang trải chi phí cho việc học tập, sinh hoạt trong thời gian theo học thông qua hộ gia đình của học sinh, sinh viên hoặc vay trực tiếp nếu là sinh viên mồ côi. NHCSXH đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành; đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai hiệu quả chương trình này.

Hoàn thiện mô hình tổ chức và phương thức quản lý

Thực hiện Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập NHCSXH, đơn vị được phân thành 3 cấp quản lý: Hội sở chính đặt tại Thủ đô Hà Nội; các chi nhánh đặt tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng giao dịch đặt tại các huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh. Để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong các giao dịch tín dụng như nhận và trả vốn vay, NHCSXH đã quyết định cho đặt các Điểm giao dịch ở các xã, phường, thị trấn.

Về phía bộ máy quản trị, NHCSXH được tổ chức gồm HĐQT ở Trung ương và Ban đại diện HĐQT cấp tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã. Tại các chi nhánh, Ban đại diện HĐQT có chức năng giám sát việc thực thi các Nghị quyết, Văn bản chỉ đạo của HĐQT tại các địa phương. Hiện có gần 8 nghìn cán bộ lãnh đạo của các cơ quan quản lý Nhà nước và tổ chức hội, đoàn thể tham gia kiêm nhiệm công tác quản trị NHCSXH. Đây là một mô hình tổ chức mang tính đặc thù, phù hợp với đặc điểm địa lý, kinh tế, văn hóa của Việt Nam.

Việc cho vay của NHCSXH được thực hiện theo phương thức ủy thác cho các tổ chức tín dụng, tổ chức chính trị - xã hội theo hợp đồng ủy thác hoặc trực tiếp cho vay đến người vay.

NHCSXH đã xây dựng và hoàn thiện được bộ máy điều hành tác nghiệp làm nhiệm vụ thường trực, tổ chức điều hành quản lý vốn thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, với mạng lưới hoạt động phủ khắp toàn quốc, tới tận cấp huyện. Hiện có gần 9 nghìn cán bộ ngân hàng làm việc tại Hội sở chính, 63 chi nhánh cấp tỉnh và 624 Phòng giao dịch quận, huyện, thị xã với đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị tin học đảm bảo phục vụ giao dịch tại Điểm giao dịch xã. NHCSXH đã xây dựng và thực hiện thành công phương thức tác nghiệp đặc thù là tổ chức giao dịch tại hơn 10 nghìn Điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND cấp xã. Với gần 200 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn được xây dựng, đây vừa là nơi giúp hộ vay thực hiện các thủ tục vay vốn, tổ chức sinh hoạt tương trợ giúp đỡ nhau, đảm bảo thực hiện cơ chế dân chủ, vừa là nơi để NHCSXH đưa các nghiệp vụ tín dụng về cơ sở phục vụ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác hiệu quả hơn.

Triển khai các quyết sách trên, tại Quyết định số 852 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020, mục tiêu tổng quát của Chiến lược là phát triển NHCSXH theo hướng ổn định, bền vững, đủ năng lực để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước, gắn liền với việc phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ có hiệu quả hơn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trên cơ sở đó, các mục tiêu cụ thể bao gồm:

Mặc dù đã đạt nhiều thành tựu trong suốt 12 năm triển khai thực hiện các chính sách tín dụng của Nhà nước đến người nghèo và các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương khác trong xã hội, quá trình triển khai tín dụng chính sách vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. NHCSXH chưa chủ động được nguồn vốn ổn định để đáp ứng nhu cầu của người vay khi chưa tiếp cận được các nguồn vốn nhân đạo, nguồn vốn vay các tổ chức nước ngoài với thời hạn dài, lãi suất thấp đi kèm với các hợp phần hỗ trợ kỹ thuật. Quá trình triển khai tín dụng tới khách hàng mới chỉ dừng lại chủ yếu ở công tác phát tiền vay và thu tiền, các biện pháp hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, kết nối doanh nghiệp, tìm kiếm khách hàng, thị trường cho khách hàng vay vốn còn hạn chế. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa NHCSXH, Ban đại diện HĐQT, với các cơ quan quản lý, các tổ chức hội, đoàn thể tại một số địa phương chưa tốt, khiến cho nguồn tín dụng chính sách chưa được phân bổ đều giữa các địa phương, làm giảm đi hiệu quả tổng thể của tín dụng chính sách trên phạm vi cả nước.

Về huy động nguồn vốn cho các chương trình tín dụng, tiếp tục khẳng định nguồn vốn hoạt động của NHCSXH chủ yếu do Nhà nước cung cấp và do NHCSXH huy động của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Ngoài vốn điều lệ cấp bổ sung, các nguồn vốn cho vay trong các chương trình mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm và thực hiện các chính sách xã hội khác, các nguồn vốn nhàn rỗi, lãi suất thấp trên cơ sở các nguồn vốn từ ngân sách. Không chỉ tuyên truyền, quảng bá để thu hút khách hàng gửi tiền, NHCSXH cần thiết kế các sản phẩm huy động tiết kiệm đa dạng, hấp dấn về kỳ hạn, lãi suất đồng thời phải có tính linh hoạt cho người gửi tiền.

Về công tác tín dụng, NHCSXH cần tiếp tục thực hiện cơ chế ưu đãi về lãi suất phù hợp với khả năng tài chính của ngân hàng và của các đối tượng vay vốn. Hơn nữa, việc giảm ưu đãi về mặt lãi suất sẽ tạo điều kiện để NHCSXH hướng nguồn vốn ưu đãi tới nhiều đối tượng chính sách khác, mở rộng phạm vi hoạt động, đặc biệt là tới các hộ đồng bào dân tộc nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, việc giảm dần ưu đãi về lãi suất sẽ giảm thiểu những ảnh hưởng không tốt của cơ chế hai lãi suất tồn tại trong thị trường tín dụng khi giảm sự so bì của dân chúng về cơ hội tiếp cận tín dụng giá rẻ.

Đối với các hộ nghèo và đối tượng chính sách, sự phân tách giữa hoạt động kinh doanh và tiêu dùng của hộ gia đình thường không rõ ràng. Do đó, tín dụng ưu đãi của NHCSXH cần gắn kết giữa hai mục đích kinh doanh lẫn tiêu dùng. Khi tiến hành thẩm định tín dụng, mô hình phân tích bao trùm cả hoạt động kinh doanh, thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình nên được áp dụng để đánh giá năng lực trả nợ của khách hàng. Tương tự, việc quy định điều khoản về mục đích sử dụng vốn cụ thể khó đem lại tính khả thi và đạt được tính hiệu lực trong thực tế.

Để bảo đảm chất lượng tín dụng, NHCSXH cần thường xuyên tổ chức đào tạo cho các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn nhằm nâng cao kỹ năng thực hiện các nội dung nghiệp vụ ủy thác.

Về hoàn thiện mô hình tổ chức và quản trị điều hành, NHCSXH cần tiếp tục triển khai công tác củng cố cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực hoạt động của HĐQT và Ban đại diện HĐQT các cấp trong việc nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách và giám sát hoạt động; đồng thời, bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất trong hoạt động từ HĐQT đến Ban đại diện HĐQT cấp tỉnh, cấp huyện. NHCSXH cần gắn hoạt động của Ban đại diện HĐQT với hoạt động của Ban giảm nghèo cấp xã, trong đó có việc bổ sung thành phần Chủ tịch UBND xã vào Ban đại diện HĐQT cấp huyện.

NHCSXH cần phối chợp chặt chẽ và tăng cường vai trò của UBND cấp xã trong việc xác nhận đối tượng được đưa vào diện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi, lồng ghép các chương trình dự án, tuyên truyền và quản lý vốn vay. NHCSXH cần tăng cường phối hợp giữa các ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô, doanh nghiệp, đoàn thể, các tổ chức hội và chính quyền địa phương… nhằm hướng dẫn cho người nghèo, đối tượng chính sách và các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn xây dựng phương án, dự án vay vốn hợp lý, phù hợp với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phương thức cho vay thông qua ủy thác cho tổ, hội sẽ phát huy hiệu quả khi gắn chặt quá trình khép kín đầu vào - sản xuất - đầu ra trong sản xuất và tiêu thụ nông sản với quá trình giải ngân, giám sát và thu nợ của ngân hàng.

NHCSXH và các tổ chức tài chính vi mô có mục tiêu hoạt động tương đối giống nhau mặc dù có cách nhìn nhận, tiếp cận khá khác nhau trong việc thực hiện các chương trình tín dụng. Kết hợp giữa hai nhóm, Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Chính sách có thể khai thác sự hiểu biết về cộng đồng và kiến thức tài chính vi mô, tiếp cận với các nhóm đối tượng kể trên mà không phải tốn kém quá nhiều chi phí hoạt động.

NGND. PGS; TS. Tô Ngọc Hưng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác