NHCSXH Quảng Ninh đa dạng hóa dịch vụ tài chính
Từ năm 2009, NHCSXH tỉnh Quảng Ninh đã triển khai mô hình tiết kiệm bằng hình thức huy động từ cộng đồng người nghèo thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn. Hằng tháng, căn cứ quy ước gửi tiền tiết kiệm của các thành viên, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện nhận tiền gửi tiết kiệm của các tổ viên. Tổ trưởng là người đại diện cho Tổ tiết kiệm và vay vốn đứng tên trên Sổ tiết kiệm của Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tổ viên được quyền rút tiền gửi tiết kiệm của mình tại Điểm giao dịch cố định của NHCSXH hoặc tại trụ sở NHCSXH.
Hình thức gửi tiết kiệm áp dụng gửi tiền không kỳ hạn bao gồm: Tiết kiệm ban đầu (là số tiền tiết kiệm mà mỗi tổ viên gửi lần đầu khi gia nhập tổ) hoặc tiết kiệm định kỳ (là số tiền mà mỗi tổ viên gửi vào tổ định kỳ hằng tháng). Lãi suất tiền gửi tiết kiệm áp dụng một loại lãi suất tiền gửi duy nhất là tiết kiệm không kỳ hạn. NHCSXH là ngân hàng duy nhất trong cả nước nhận các khoản tiền gửi từ mệnh giá nhỏ nhất, chỉ từ 1.000 đồng.
Việc huy động hiệu quả các Tổ tiết kiệm và vay vốn giúp cho người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo có ý thức tiết kiệm, có tư duy tích lũy, tạo vốn tự có cho bản thân họ, hỗ trợ việc trả nợ các món vay với NHCSXH. Đồng thời, góp phần tạo nguồn vốn cho vay phục vụ các đối tượng chính sách. Với mô hình này, đến nay, mọi người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đều tích cực tham gia gửi tiền tiết kiệm tại NHCSXH. Theo thống kê của NHCSXH tỉnh Quảng Ninh, tính đến hết năm 2017, nguồn vốn huy động từ thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt 175 tỷ đồng.
Cùng với đó, từ năm 2016, NHCSXH tỉnh Quảng Ninh đã triển khai hình thức huy động tiền gửi tiết kiệm tại 186 Điểm giao dịch xã, phường. Trong đó, mức tiền gửi tối thiểu cho mỗi lần gửi vào một Sổ tiết kiệm là 500 nghìn đồng. Khách hàng gửi tiền có thể gửi tại Điểm giao dịch xã vào các ngày giao dịch và rút tại Điểm giao dịch xã vào các ngày có giao dịch tại xã hoặc trụ sở NHCSXH vào các ngày làm việc không có giao dịch xã. Trường hợp rút trước hạn không đúng ngày giao dịch xã thì thực hiện tại trụ sở NHCSXH nơi mở Sổ tiết kiệm. Quy trình, thủ tục, hình thức gửi tiền của khách hàng tại Điểm giao dịch xã đơn giản, dễ thực hiện, nhanh chóng. Khách hàng xuất trình các giấy tờ, kê khai các thông tin, đăng ký mẫu chữ ký hoặc điểm chỉ. Trên cơ sở đó, giao dịch viên của ngân hàng sẽ thực hiện thu tiền, lập giao dịch trên hệ thống, lập sổ tiết kiệm và phiếu lưu, kiểm soát hồ sơ, ký chứng từ thông qua Tổ trưởng Tổ giao dịch, trao sổ cho khách hàng, nguồn vốn huy động dân cư tại Điểm giao dịch xã đạt 60 tỷ đồng. Con số trên cho thấy hình thức huy động tiền gửi tiết kiệm này đã phát huy hiệu quả khi có thể tận dụng được mạng lưới rộng khắp tại các Điểm giao dịch xã của NHCSXH. Đồng thời, dịch vụ này có ý nghĩa phổ cập dịch vụ tài chính đến những vùng nông thôn, khu vực xa trung tâm tỉnh, thị trấn, thị xã, thành phố.
Tiếp tục đa dạng các dịch vụ tài chính, hiện NHCSXH tỉnh Quảng Ninh đang triển khai dịch vụ tin nhắn thông qua điện thoại di động tới người dân có hoạt động giao dịch tại NHCSXH. Dịch vụ tin nhắn cung cấp các thông tin: Dư nợ tiền vay, số dư tiền gửi, thông báo nợ đến hạn, thông báo chuyển nợ quá hạn. Qua đó, người dân thuận tiện trong việc nắm bắt thông tin, chủ động trong việc sử dụng nguồn vốn, có kế hoạch trả nợ đúng hạn. Hoạt động này góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, minh bạch thông tin, tăng cường giám sát tài chính.
Được biết, để triển khai hiệu quả dịch vụ tin nhắn, NHCSXH tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện công khai thông tin tại các Điểm giao dịch xã, tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể rà soát lại số điện thoại khách hàng đã thu thập nhằm kịp thời cập nhật thông tin chính xác. Cùng với đó, ngân hàng đã phân công cán bộ tiếp nhận, mở sổ theo dõi phản hồi của người dân, đồng thời giải đáp đầy đủ vướng mắc. Đến nay, dịch vụ này đã được triển khai tới phần lớn khách hàng của ngân hàng, góp phần nâng cao hiệu quả nguồn vốn cũng như giúp người dân, nhất là tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, hải đảo tiếp cận với các hoạt động tài chính, ngân hàng.
Bài và ảnh Cao Quỳnh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Tín dụng chính sách đẩy lùi “tín dụng đen”
- » NHCSXH tỉnh Nam Định chủ động huy động nguồn vốn tại chỗ để cho vay
- » Hữu Lũng - điểm sáng tín dụng chính sách ở Lạng Sơn
- » Sinh kế bền vững từ khoản vay nhỏ
- » Bà Cước vượt khó làm kinh tế giỏi
- » CCB huyện Phong Điền trên mặt trận mới
- » Đắk Nông tập trung thu nợ đến hạn
- » Phú Yên giải ngân vốn ưu đãi cho người nghèo
- » Đồng bào Mông ở Thanh Hóa thoát nghèo từ nguồn vốn nhỏ
- » “Cánh tay nối dài” của NHCSXH