“Cánh tay nối dài” của NHCSXH

16/03/2018
(VBSP News) Thời gian qua, bằng nhiều biện pháp, cách làm hiệu quả, các hội, đoàn thể nhận uỷ thác đã trở thành đơn vị trung gian, là cầu nối quan trọng, góp phần đưa nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến với hộ nghèo và các gia đình thuộc diện chính sách. Từ đó, nhiều gia đình đã có vốn để đầu tư vào phát triển trồng trọt, chăn nuôi, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Các tổ chức nhận uỷ thác phối hợp với cán bộ NHCSXH tỉnh Cà Mau xử lý nợ đến hạn, nợ bị rủi ro

Các tổ chức nhận uỷ thác phối hợp với cán bộ NHCSXH tỉnh Cà Mau xử lý nợ đến hạn, nợ bị rủi ro

Theo sát đôn đốc, nhắc nhở

Đến thăm mô hình chăn nuôi của gia đình chị Ngô Kim Tư, thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Cái Đôi Nhỏ, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân (Cà Mau) mới thấy được nỗ lực của người dân trong việc phát huy hiệu quả đồng vốn vay ưu đãi.

Theo lời chị Tư, sau khi chị lập gia đình rồi ra ở riêng, cha mẹ hai bên đều khó khăn nên hai vợ chồng chị chỉ kế thừa được ngôi nhà tạm dột nát. Với quyết tâm thoát nghèo, vợ chồng chị đi làm thuê, dành dụm tiền để nuôi con đi học và trang trải chi phí cuộc sống. Cuối năm 2016, xã tạo điều kiện cho chị vay vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện. Với số tiền 25 triệu đồng, chị đầu tư vào việc nuôi lợn. Nhờ chăm sóc tốt nên chỉ 1 năm lợn nái đã sinh sản. Hằng năm, số tiền thu được từ bán lợn con chị tiếp tục mua thêm giống gà, vịt về nuôi và đầu tư vào 2 công vuông mướn, mỗi năm mang về thu nhập hơn 50 triệu đồng.

“Nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đến tay kịp thời là động lực giúp gia đình tôi có thêm ý chí, điều kiện để thoát nghèo. Gia đình tôi sẽ cố gắng làm ăn, dành dụm để khi đến hạn, có tiền trả ngân hàng đúng quy định”, chị Tư chia sẻ.

Nguồn vốn sau khi giải ngân được các thành viên sử dụng hiệu quả nên nhiều năm liền trong tổ không có nợ quá hạn. Chia sẻ về kinh nghiệm quản lý, ông Trần Văn Đáng - Tổ trưởng cho biết, trong các buổi sinh hoạt định kỳ, Ban quản lý tổ thông báo đến hội viên số tiền có thể cho vay theo từng đợt.

Theo ông Đáng, nguồn vốn thoát nghèo giải ngân đúng lúc như “chiếc cần câu” giúp những gia đình khó khăn có thêm động lực để xây dựng cuộc sống. Để nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi, đơn vị sẽ đặt yếu tố bám sát cơ sở, gần gũi nhân dân lên hàng đầu. Từ đó, thường xuyên quan tâm đến công tác của Tổ tiết kiệm và vay vốn, đưa hoạt động của tổ đi vào nền nếp để tập trung rà soát cho vay đúng đối tượng.

Tranh thủ mọi nguồn vốn

Đánh giá về hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn huyện Phú Tân, ông Lê Minh Đẳng - Giám đốc NHCSXH huyện cho biết: “Thời gian qua, Tổ tiết kiệm và vay vốn thực sự là cánh tay nối dài trong hoạt động tín dụng chính sách của địa phương. Các tổ đã quản lý tốt nguồn vốn vay ưu đãi, giúp bà con tại huyện nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, từ đó, góp phần không nhỏ vào công tác giảm nghèo tại địa phương. Để quản lý tốt nguồn vốn vay, đơn vị uỷ thác, Ban quản lý tổ luôn gương mẫu, đi đầu trong việc sử dụng vốn, trả nợ cũng như trả lãi, gửi tiền tiết kiệm”.

Ngay từ đầu năm, dựa vào nguồn vốn bổ sung từ cấp trên, NHCSXH tỉnh Cà Mau đã phối hợp với các xã tiến hành rà soát các hộ gia đình có nhu cầu vay vốn để làm thủ tục. Hệ thống Tổ tiết kiệm và vay vốn, các tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác đã tổ chức họp đối chiếu tên người đề nghị vay vốn với danh sách hộ dân được UBND cấp huyện phê duyệt, bảo đảm theo thứ tự ưu tiên. Công tác xem xét, kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ để tạo điều kiện giải ngân trong thời gian sớm nhất cũng được đơn vị đẩy mạnh.

Trường hợp thủ tục, hồ sơ chưa đầy đủ các yếu tố theo quy định, cán bộ NHCSXH kịp thời hướng dẫn Tổ tiết kiệm và vay vốn làm lại hồ sơ và thủ tục theo quy định. Việc nhắc nhở, đôn đốc hộ vay trả nợ, lãi đúng hạn, đồng thời, phổ biến chính sách mới của NHCSXH cũng được Ban quản lý tổ chú trọng. Tham gia vào sinh hoạt trong Tổ tiết kiệm và vay vốn, các thành viên không những được phổ biến kiến thức xã hội, mà còn học hỏi kinh nghiệm để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Trước mỗi đợt giải ngân, tổ luôn tổ chức họp bình xét dân chủ, công khai, đúng đối tượng, cũng như hướng dẫn các hộ vay làm thủ tục đúng quy định. Tổ còn thực hiện nghiêm túc, có chất lượng từng nội dung trong hợp đồng uỷ nhiệm đã ký với NHCSXH huyện.

Ông Trần Ngọc Tâm - Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ NHCSXH tỉnh, cho biết: “Thời gian qua, các tổ chức hội, đoàn thể là “cầu nối” giữa NHCSXH với người dân. Thực tế, thông qua công tác nhận uỷ thác, hệ thống Tổ tiết kiệm và vay vốn tại cơ sở do các hội, đoàn thể quản lý đã phát huy hiệu quả. Nhiều thành viên của các Tổ tiết kiệm và vay vốn đủ điều kiện đã có cơ hội tiếp cận với dịch vụ tín dụng ưu đãi một cách dễ dàng. Cùng với việc mong nguồn vốn đến với người dân, thông qua phương thức uỷ thác cho vay, các cấp hội cũng thường xuyên tiếp xúc với hội viên để tư vấn, hướng dẫn các gia đình phát triển kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Từ đây, các cấp hội đã giúp hội viên của mình phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, tránh tư tưởng trông chờ, ỉ lại”, ông Tâm nhận định.

Dự kiến đến hết năm 2018, tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Cà Mau sẽ đạt khoảng 2.460 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2017. Tỷ lệ nợ quá hạn xuống dưới mức 0,15% tổng dư nợ. Hiện tại, đã có trên 2.726 Tổ tiết kiệm và vay vốn được thành lập tại các khóm, ấp trên địa bàn tỉnh.

Trương Việt Mỹ thực hiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác