Đắk Nông tập trung thu nợ đến hạn
Nhiều địa phương giảm nợ quá hạn
Krông Nô là một trong những địa phương có sự nỗ lực lớn trong công tác thu nợ đến hạn, giảm nợ quá hạn. Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2018, NHCSXH huyện đã thu được hơn 4 tỷ đồng nợ đến hạn và nợ quá hạn.
Ông Phạm Hòa - Giám đốc NHCSXH huyện Krông Nô chia sẻ: Thu đủ các khoản nợ đến hạn, giảm nợ quá hạn phát sinh là một trong những mục tiêu quan trọng trong năm 2018 mà đơn vị đã xác định. Vì thế, ngay từ những tháng đầu năm, Phòng giao dịch đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, hệ thống Tổ tiết kiệm và vay vốn tổ chức phân tích, đánh giá từng khoản nợ để có biện pháp xử lý phù hợp. Việc chấn chỉnh, củng cố nền nếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn yếu kém cũng được đơn vị xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện cụ thể. NHCSXH huyện thường xuyên duy trì sinh hoạt cùng với Tổ tiết kiệm và vay vốn theo định kỳ hằng tháng để trao đổi kinh nghiệm sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, từ đó hạn chế phát sinh nợ quá hạn. Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ, không chỉ số nợ quá hạn giảm xuống, mà ý thức của các hộ vay từng bước được nâng lên.
Ông Nguyễn Văn Nam ở bon K62, xã Đắk D’rô cho biết: Sau khi được NHCSXH huyện giải ngân vốn, gia đình tôi đã đầu tư vào chăm sóc cà phê và nuôi bò. Hằng tháng, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn của bon thường xuyên đến nhà hướng dẫn gia đình tôi áp dụng đúng các biện pháp KHKT để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Quá trình đầu tư vào cây trồng, vật nuôi có hiệu quả nên gia đình thực hiện gom góp tiền để trả lãi theo đúng quy định.
Tương tự, tại huyện Đắk R’lấp, công tác thu nợ đến hạn luôn được NHCSXH huyện chú trọng triển khai thực hiện. Một trong những giải pháp mà đơn vị đang triển khai đó là giám sát chặt chẽ từ khâu cho vay.
Ông K’Ngai, Giám đốc NHCSXH huyện Đắk R’lấp cho biết, trong quá trình cho vay, công tác bình xét cho vay luôn được đơn vị phối hợp với các Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện dân chủ, công khai. Tùy vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng hộ gia đình, đơn vị sẽ thực hiện giải ngân mức tối đa theo quy định. Cũng theo ông K’Ngai, cùng với công tác bình xét cho vay, việc phối hợp với các xã, thị trấn, Tổ tiết kiệm và vay vốn tổ chức tư vấn mô hình, phương án đầu tư phù hợp, nhằm nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay cho các hộ gia đình cũng được đơn vị chú trọng. Nhờ đó, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2018, đơn vị đã giảm nợ quá hạn, đến hạn được hơn 8 tỷ đồng. Từ đây, đưa số nợ quá hạn tại đơn vị xuống còn hơn 600 triệu đồng, chiếm dưới 0,23% tổng dư nợ.
Quyết tâm không để nợ mới phát sinh
Ông Đào Thái Hòa - Giám đốc NHCSXH tỉnh Đắk Nông cho biết, ngay từ đầu năm, chi nhánh đã phát động thi đua giảm nợ quá hạn xuống dưới 0,3%. Thông qua đợt phát động này, đối với những địa phương có tỷ lệ nợ quá hạn thấp, đơn vị sẽ kịp thời khen thưởng. Riêng những địa phương có nợ quá hạn tăng, chi nhánh tập trung phân tích, tìm hiểu nguyên nhân, từ đó chỉ đạo giải pháp khắc phục kịp thời. Ngoài ra, NHCSXH các cấp phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, phường, thị trấn, hội, đoàn thể trong việc triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Hiệu quả rõ rệt nhất là sau khi thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, công tác tín dụng chính sách nói chung, việc giảm nợ quá hạn nói riêng tại các đơn vị trực thuộc đã đạt nhiều kết quả tích cực. Với chỉ thị này, Chủ tịch xã được bổ sung vào thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, qua đó góp phần không nhỏ trong công tác nâng cao chất lượng tín dụng chính sách cấp cơ sở. Nhờ đó, từ các khâu chỉ đạo thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn, xác nhận danh sách hộ vay đến khâu thu hồi nợ, xử lý các khoản nợ tồn đọng đều được các bên tham gia chú trọng.
Cũng theo ông Hòa thì để giảm nợ quá hạn hiệu quả, trong thời gian tới, đơn vị rất mong chính quyền địa phương các cấp, hội, đoàn thể cấp xã tiếp tục phối hợp NHCSXH thường xuyên phân tích, phân loại nợ quá hạn để có giải pháp xử lý phù hợp với từng khoản vay thực tế. Về phía NHCSXH tỉnh sẽ dựa vào từng trường hợp cụ thể để có giải pháp thu nợ, xử lý nợ hiệu quả hơn.
Cụ thể như đối với hộ vay gặp khó khăn trong đời sống, chưa có khả năng trả nợ ngay thì đơn vị sẽ vận động hộ vay trả dần. Đối với hộ có khả năng trả nợ nhưng chây ì, NHCSXH tiếp tục vận động, thuyết phục hoặc áp dụng biện pháp xử lý kiên quyết hơn. Đối với hộ bỏ đi khỏi địa phương, trong trường hợp xác định được địa chỉ cụ thể, các địa phương có văn bản hoặc trực tiếp tìm kiếm, NHCSXH tích cực vận động hộ vay trả nợ. Đối với những trường hợp hộ vay bị rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, chi nhánh phối hợp với địa phương lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét khoanh nợ, xóa nợ. Đặc biệt, ngân hàng sẽ đẩy mạnh hoạt động của tổ thu hồi nợ cấp xã, cũng như tiếp tục rà soát, củng cố, kiện toàn hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của tổ.
Tính đến hết tháng 2/2018, nợ quá hạn và nợ khoanh tại NHCSXH tỉnh Đắk Nông chiếm tỷ lệ 0,46% trên tổng dư nợ. Trong đó, nợ quá hạn hơn 6,8 tỷ đồng, nợ khoanh chiếm gần 3,2 tỷ đồng. Mục tiêu trong năm 2018, chi nhánh sẽ phấn đấu đưa nợ quá hạn xuống dưới 0,3% trên tổng dư nợ. |
Bài và ảnh Lương Nguyễn
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Phú Yên giải ngân vốn ưu đãi cho người nghèo
- » Đồng bào Mông ở Thanh Hóa thoát nghèo từ nguồn vốn nhỏ
- » “Cánh tay nối dài” của NHCSXH
- » Hiệu quả từ nguồn vốn ưu đãi ở Đồng Tháp
- » Tin vui đầu xuân mới về tín dụng chính sách ở Lâm Đồng
- » Phát huy hiệu quả từ vốn vay ưu đãi
- » Hiệu quả vốn vay ưu đãi
- » Những bước ngoặt cuộc đời nhờ nguồn vốn chính sách
- » Đồng bào Chăm sử dụng vốn vay hiệu quả
- » Cầu nối giúp người nghèo vươn lên