Đồng bào Mông ở Thanh Hóa thoát nghèo từ nguồn vốn nhỏ
Bản Pù Đứa của đồng bào dân tộc Mông ở xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát có 75 hộ thì đã có trên 200 con trâu, bò và 600 con lợn. Nhiều hộ đã có ti vi, xe máy. Trò chuyện với chúng tôi, anh Thao Văn Tông - Trưởng Bản Pù Đứa phấn khởi cho biết: “Tết vừa qua dân bản ăn tết to, bởi mấy năm gần đây bà con đều được mùa, SXKD đều có lãi, nên các gia đình có điều kiện sắm sửa cái tết được tươm tất hơn”.
Trước đây đa số các hộ ở bản Pù Đứa đều đói, nghèo, phải trông chờ vào trợ cấp gạo của Chính phủ, nhưng đến nay nhiều hộ đã thoát nghèo xóa bỏ được tư tưởng lạc hậu và đã biết làm ăn kinh tế. Từ năm 2008 đến nay, người dân bản Pù Đứa đã vay từ NHCSXH tỉnh Thanh Hóa 1,3 tỷ đồng.
Gia đình anh Tông cũng là một điển hình trong việc vươn lên thoát nghèo nhờ sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay và là tấm gương cho đồng bào nơi đây học tập, noi theo. Trước đó, gia đình anh đã vay vốn từ NHCSXH để mua máy xay xát. Công việc xay xát lương thực cho bà con dân bản mang lại thu nhập khá nên anh đã trả hết nợ vay ngân hàng. Đến năm 2016 gia đình anh tiếp tục vay ngân hàng 30 triệu đồng để khai hoang đất trồng lúa nước. Dự kiến trong năm 2018 gia đình anh Tông sẽ trả hết nợ ngân hàng và anh cũng có kế hoạch tiếp tục vay vốn để nuôi thêm trâu, bò cho gia đình.
Còn gia đình ông Thao Văn Nhia, trước đây là hộ nghèo khó trong bản, nhưng đến nay gia đình ông đã có cơ ngơi cả bản phải nể phục. Không giấu được niềm tự hào, ông Nhia cho biết, từ năm 2008 gia đình ông đã vay vốn ưu đãi 10 triệu đồng để nuôi trâu, bò. Năm 2014 gia đình ông vay tiếp ngân hàng thêm 50 triệu nữa để mua thêm 4 con bê. Hiện gia đình ông Nhia đã có 20 con trâu, bò và một máy cày để cày. Còn trong nhà ông Nhia các trang thiết bị sinh hoạt cũng có khá đầy đủ, từ ti vi, 3 chiếc xe máy đến đài catset đã được ông Nhia mua để phục vụ sinh hoạt gia đình.
Thực tế để đồng bào dân tộc Mông sử dụng nguồn vốn hiệu quả, NHCSXH tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể khảo sát và lập danh sách số hộ đủ điều kiện được vay (có tư liệu sản xuất, có chuồng trại chăn nuôi, có nhà ở…) nhằm tránh tình trạng đồng bào di cư tự do; khi cho vay vốn, ngân hàng đã kết hợp tư vấn, hướng dẫn đồng bào Mông sử dụng nguồn vốn để sản xuất.
Đơn cử như người dân bản Na Tao ở xã Pù Nhi, huyện Mường Lát mở rộng chăn nuôi con đặc sản là gà đen, bản Cơm nuôi dê… Với địa bàn có nhiều diện tích lúa nước, tổ tư vấn hướng dẫn, tư vấn đồng bào vay vốn để đầu tư máy cày, máy tuốt lúa, nơi nhiều đồi núi thì chăn nuôi trâu bò…
Từ những hộ đã thành công nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, đã khích lệ đồng bào nơi đây học tập, thi đua nhau phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo. Điều đáng mừng là đồng bào Mông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tỷ lệ hộ nghèo từ trên 85% trong giai đoạn 2011 - 2015 đến năm 2017 giảm còn khoảng 60%.
Bài và ảnh Trịnh Hưng
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » “Cánh tay nối dài” của NHCSXH
- » Hiệu quả từ nguồn vốn ưu đãi ở Đồng Tháp
- » Tin vui đầu xuân mới về tín dụng chính sách ở Lâm Đồng
- » Phát huy hiệu quả từ vốn vay ưu đãi
- » Hiệu quả vốn vay ưu đãi
- » Những bước ngoặt cuộc đời nhờ nguồn vốn chính sách
- » Đồng bào Chăm sử dụng vốn vay hiệu quả
- » Cầu nối giúp người nghèo vươn lên
- » Vun góp những giấc mơ thoát nghèo
- » Phụ nữ Nghĩa Hưng sử dụng vốn vay hiệu quả