Bà Cước vượt khó làm kinh tế giỏi
“Bà Nguyễn Thị Cước năm nay đã gần 60 tuổi. Gia đình bà là một điển hình trong sử dụng đồng vốn vay NHCSXH đạt hiệu quả cao”, ông Hồ Văn Thuân - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Tân An, xã Ea Bar, huyện Sông Hinh cho biết.
Hơn 10 năm trước, từ huyện Yên Dũng (Bắc Giang), bà Cước cùng chồng là một CCB và các con dắt díu nhau vào lập nghiệp ở vùng đất mới Tân An, xã Ea Bar. Gần nửa đời người vất vả, dành dụm được ít vốn, vợ chồng bà dồn hết vào mua 3ha đất để trồng lúa, trồng cây ngắn ngày và dài ngày theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài” và “ăn tại rẫy, ngủ tại rẫy”.
“Ban đầu tôi vay 30 triệu đồng từ NHCSXH đầu tư trồng cao su, tiêu và cây ăn trái như sầu riêng, bơ… Thấy hiệu quả, vừa trả nợ gốc và lãi, tôi tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng để nhân rộng diện tích cao su từ 2ha lên 6ha và từ 1.000 lên 2.000 gốc tiêu và 100 cây ăn trái”, bà Cước cho hay.
Sau 6 năm chăm sóc, 2ha cao su của gia đình bà Cước bắt đầu cho mủ, thu hoạch 100 triệu đồng mỗi năm; số cao su trồng sau cũng đã cho thu hoạch 200 triệu đồng/năm. Trừ các khoản chi phí, bình quân mỗi năm gia đình bà có thu nhập trên dưới 200 triệu đồng. “Nhờ làm ăn hiệu quả, năm 2014 gia đình tôi xây được ngôi nhà trị giá 800 triệu đồng”, bà Cước khoe.
Cũng theo ông Hồ Văn Thuân, bà Cước là một phụ nữ giỏi giang, chịu khó, làm không biết mỏi. Vài năm trước, chồng bị bạo bệnh qua đời, nhưng bà vẫn tiếp tục chèo lái cơ nghiệp của gia đình, tiếp tục vươn lên. Thấy bà Cước vay vốn ngân hàng và làm ăn hiệu quả, nhiều người đã học tập làm theo mô hình này. Đến nay thôn Tân Lập có gần 50 hộ vay vốn từ NHCSXH để phát triển kinh tế gia đình. Hầu hết các hộ vay đều đầu tư đúng mục đích, làm ăn hiệu quả và trả nợ đúng hạn.
Theo bà Cước, ở vùng đất Tân Lập nói riêng, xã Ea Bar và huyện Sông Hinh nói chung, đầu tư để trồng cây cao su, cây ăn quả và chăn nuôi bò đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, mức cho vay của ngân hàng còn thấp. “Nếu vay để thoát nghèo thì có thể nhưng vay SXKD mà ngân hàng chỉ cho mỗi hộ vay 50 triệu đồng là thấp”, bà Cước nói.
Ông Trần Văn Thanh Minh - Phó Giám đốc NHCSXH huyện Sông Hinh, cho biết đối tượng mà ngân hàng hướng đến trong thời gian qua ở địa bàn huyện Sông Hinh là hộ nghèo và đồng bào DTTS. Nhìn chung các hộ vay sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, phát huy được hiệu quả; khả năng thu hồi vốn chiếm 80 - 85% trên số vốn vay vòng. Trong đó, hộ bà Nguyễn Thị Cước là một trong 20% khách hàng phát huy tốt hiệu quả nguồn vốn, vươn lên khá và giàu.
Xuân Hiếu thực hiện
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » CCB huyện Phong Điền trên mặt trận mới
- » Đắk Nông tập trung thu nợ đến hạn
- » Phú Yên giải ngân vốn ưu đãi cho người nghèo
- » Đồng bào Mông ở Thanh Hóa thoát nghèo từ nguồn vốn nhỏ
- » “Cánh tay nối dài” của NHCSXH
- » Hiệu quả từ nguồn vốn ưu đãi ở Đồng Tháp
- » Tin vui đầu xuân mới về tín dụng chính sách ở Lâm Đồng
- » Phát huy hiệu quả từ vốn vay ưu đãi
- » Hiệu quả vốn vay ưu đãi
- » Những bước ngoặt cuộc đời nhờ nguồn vốn chính sách