Sinh kế bền vững từ khoản vay nhỏ
Khởi nghiệp thành công từ 20 triệu đồng
Nhìn căn biệt thự khang trang nằm đối diện là khu nhà xưởng đúc gang bề thế với hàng chục chiếc máy đang ầm ầm hoạt động, ít ai biết rằng chủ nhân của nó - bà Lê Thị Ngọc Mỹ từng một thời “nghèo rớt mồng tơi”; đến nỗi, vào ngày mưa, quần áo không kịp khô, hai vợ chồng đành dùng chung một bộ…
Đó là chuyện của những năm đầu thập niên 80. Khi ấy, dù có nghề đúc gang trong tay nhưng ngặt nỗi không có vốn xoay xở nên cuộc sống của cả gia đình cứ túng thiếu triền miên. Bà Mỹ cũng không nhớ nổi đã bao lần khốn đốn khi phải vay ngoài với lãi suất cắt cổ. Cho đến một ngày, qua giới thiệu của Hội PN xã Trường Hòa, huyện Hòa Thành, bà Mỹ được vay 20 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH tỉnh Tây Ninh. “Đó thực sự là bước ngoặt lớn của cả gia đình!”, bà Mỹ nhớ lại.
Có vốn, có nghề, có quyết tâm, có sự ủng hộ từ chính quyền và NHCSXH, gia đình bà Mỹ không chỉ vượt qua khó khăn một cách ngoạn mục mà còn tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục công nhân là những người nghèo trong ấp với mức lương 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Quý hơn, trong phần lợi nhuận thu được từ xưởng gang, bà luôn dành từ 7 - 8 trăm triệu đồng mỗi năm ủng hộ cho người nghèo khắp nơi. “Việc làm ấy không chỉ nhắc tôi luôn nhớ đến những ngày khốn khó mà còn như một lời tri ân tới những người đã giúp tôi có ngày hôm nay”, bà Mỹ chia sẻ.
Rời Hòa Thành, chúng tôi đến Suối Ngô, một xã vùng biên của huyện Tân Châu để gặp ông Nguyễn Văn Tiết - một điển hình khác trong sử dụng vốn vay ưu đãi. Nhìn quyển Số vay vốn với chi chít dấu vân tay điểm chỉ thay chữ ký, chúng tôi hiểu, để có một gia tài nhà xưởng hiện tại, cả gia đình 5 người đã phải nỗ lực cỡ nào.
Ông Tiết cho hay, từ 30 triệu đồng vay ban đầu năm 2010, rồi tăng lên 50 triệu đồng vào năm 2016 của chương trình cho vay thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn, ông Tiết đã đầu tư thiết bị cơ bản để sửa chữa máy cày, máy kéo. Vừa làm, vừa truyền nghề cho 2 con trai, đến nay, trừ chi phí, mỗi năm gia đình để dành được khoảng 100 triệu đồng.
“Có vốn, chúng tôi lại đầu tư trồng 10ha điều. Cuộc sống khác xưa một trời một vực…”, vợ ông Tiếp phấn khởi khoe.
Chia tay những “phù thủy” của vốn vay ưu đãi, chúng tôi thêm thấm thía những đồng vốn nhỏ có ý nghĩa thế nào đối với người nghèo. Nhất là khi khoản vay ấy đến tay người nghèo kịp thời, thuận lợi và nhanh chóng, giúp họ thêm sức mạnh bước qua khó khăn, tạo cho mình và cho người nghèo hơn mình có công ăn việc làm ổn định, bền vững.
Tiếp sức cho người làm chính sách
Đó là nhận xét chung của những người trực tiếp tham gia chuyển tải dòng vốn ưu đãi tới hộ nghèo và các đối tượng chính sách; từ các cán bộ tín dụng của NHCSXH tỉnh Tây Ninh, các hội, đoàn thể - những người đang làm cầu nối đưa vốn đến gần hơn với người nghèo đến lãnh đạo chủ chốt tại địa phương.
Minh chứng cho khẳng định trên, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp 4, xã Suối Ngô, huyện Tân Châu, Nguyễn Văn Dần cho biết, 6 năm làm Tổ trưởng, anh Dần nhiều lần định từ bỏ vị trí nhưng khi thấy trong tổ có thêm một hộ thoát nghèo; một hộ khác làm ăn phát đạt… anh lại chùn bước. Anh Dần kể, có hội viên của anh từng lâm vào cảnh màn trời chiếu đất do vỡ hụi, nhưng ngặt nỗi vào thời điểm ấy, hộ này chưa phải là đối tượng của NHCSXH nên không thể tiếp cận khoản vay. Lúc ấy, “chứng kiến cảnh khốn cùng và cả những khát vọng đổi đời của họ, tôi đã mạnh dạn thuyết phục cán bộ tín dụng và bảo lãnh để họ được vay vốn nuôi bò, làm lại từ đầu. Đến nay, hộ vay đó đã trở thành một hộ khá giả và sinh sống tại Bình Dương nhưng hằng năm vẫn trở về Suối Ngô thăm tôi và hỗ trợ cho những hộ nghèo tại địa phương. Anh chị thấy đấy, như thế làm sao tôi bỏ nghề được”, anh Dần nói.
Đối với Bí thư huyện ủy Hòa Thành, Nguyễn Đài Thy cũng vậy. Trên cương vị người đầu, bà Thy luôn canh cánh làm sao để dân giàu, huyện mạnh. Tư tưởng ấy cũng là nhiệm vụ sống còn của các cán bộ tín dụng NHCSXH tỉnh Tây Ninh - nhiệm vụ giảm nghèo. Vì thế, ngay khi nhận nhiệm vụ, bà Thy đã xác định nguồn vốn ưu đãi này là một chương trình lớn trong giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và đây là việc của cả hệ thống chính trị. Quan điểm này đã được Bí thư huyện ủy Hòa Thành thể hiện trong việc chỉ đạo chuyển 2,3 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách huyện năm 2018, ủy thác sang NHCSXH tỉnh Tây Ninh.
“Chỉ nhìn vào con số hơn 8.300 người có vốn SXKD; hơn 6 nghìn HSSV được vay vốn học tập; hơn 23 nghìn lao động có việc làm… trong 15 năm qua, để thấy hiệu quả của khoản vay nhỏ cũng như tính đúng đắn của chính sách tín dụng ưu đãi mang lại cho người nghèo địa phương. Đồng thời, kết quả này là động lực giúp chúng tôi vững bước trên công cuộc xây dựng, phát triển bền vững Hòa Thành”, Bí thư Nguyễn Đài Thy quả quyết.
Vũ Thái Bình thực hiện
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Bà Cước vượt khó làm kinh tế giỏi
- » CCB huyện Phong Điền trên mặt trận mới
- » Đắk Nông tập trung thu nợ đến hạn
- » Phú Yên giải ngân vốn ưu đãi cho người nghèo
- » Đồng bào Mông ở Thanh Hóa thoát nghèo từ nguồn vốn nhỏ
- » “Cánh tay nối dài” của NHCSXH
- » Hiệu quả từ nguồn vốn ưu đãi ở Đồng Tháp
- » Tin vui đầu xuân mới về tín dụng chính sách ở Lâm Đồng
- » Phát huy hiệu quả từ vốn vay ưu đãi
- » Hiệu quả vốn vay ưu đãi