Ngân hàng của người nghèo
Cậu con trai đầu Nguyễn Văn Lập và em gái Nguyễn Thị Thu thi đỗ Học viện Tài chính, hai năm sau con gái thứ 3 đã đỗ Đại học Điện lực Hà Nội và tiếp đó là hai em Nguyễn Thị Thắm, Nguyễn Văn Thiết đều thi đỗ vào trường đại học, cao đẳng. Bà Tám phấn khởi nói, may mà 3 cháu lớn đã tốt nghiệp đại học, 2 cháu đang công tác tại một doanh nghiệp Nhà nước, cháu thứ 3 công tác tại một trường đại học ở Hưng Yên, còn 2 cháu đang hoàn thành nốt chương trình đại học ở Hà Nội. Tôi được tiếp cận chương trình tín dụng HSSV từ năm 2008 đến nay và đang còn dư nợ trên 50 triệu đồng. Nhờ có chương trình tín dụng HSSV của NHCSXH mà các con tôi không bỏ lỡ việc học hành.
Nhìn khuôn mặt rạng rỡ khi nói về các con của bà, tôi chợt nhớ tới khuôn mặt rạng rỡ của người bạn phổ thông khi cầm giấy báo trúng tuyển đại học và một khuôn mặt buồn rười rượi khi chính cậu quyết định thông báo với bố mẹ là đã… thi trượt. Nhà nghèo, còn mấy em phải học lấy đâu ra tiền để học tiếp? Khi biết cậu đã nói dối, bố mẹ cậu bật khóc! Cũng may, đó cũng là lúc Chính phủ có chủ trương cho HSSV vay vốn đi học. Giờ đây, với thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng, không những cậu đã trả hết nợ cho ngân hàng mà còn có thể thay mẹ lo cho các em và tích góp tiền để xây dựng nhà cửa. Mỗi lần gặp nhau, cậu bạn đều cười và không quên câu nói: “Tất cả là nhờ ngân hàng đấy!”.
Thế nhưng để đưa được đồng vốn xuống với bản làng là điều không đơn giản. Chuyện cán bộ ngân hàng phải lội bộ hàng chục ki lô mét qua đèo, vượt suối, hay băng rừng để xuống bản là chuyện thường ngày của cán bộ ngân hàng vùng cao. Chuyện phải ngủ rừng khi lũ về, chuyện “vồ ếch” khi đi làm tín dụng cũng đã là những chuyện “quá nhỏ” đối với mỗi cán bộ NHCSXH. Chị Lan, cán bộ NHCSXH tỉnh Lạng Sơn vẫn không khỏi rùng mình khi nhớ lại lần xuống bản thu tiền. Lần ấy, chỉ có mình chị, sau khi đã cuốc bộ gần chục ki lô mét đường đèo với đôi chân mỏi nhừ, thì chị nhìn thấy trên đường có một thanh niên đi xe máy. Đánh liều xin đi nhờ cho đỡ mỏi chân, anh thanh niên vui vẻ đồng ý ngay. Thế nhưng, khi đi đến đỉnh một con dốc vắng vẻ, anh thanh niên này liền dừng xe và bẻ cành cây to bên đường. Chị hoảng quá vội hô lên: Cậu làm gì thế? Anh thanh niên vội vàng thanh minh, chị yên tâm, xe em không có phanh, em chặt cành cây làm phanh thôi! Về đến nhà mà tim chị còn đập thình thịch.
“Nơi lưng chừng núi, lưng chừng đèo”
Không chỉ cho HSSV vay vốn, hiện nay NHCSXH còn được Chính phủ giao 18 chương trình tín dụng trong nước và một số chương trình nhận ủy thác của nước ngoài, mà chương trình nào cũng thiết thực, ý nghĩa như: chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn; chương trình cho vay xây dựng nhà cửa; cho vay hộ cận nghèo… Đây thật sự là niềm vui đối với các đối tượng chính sách, vì họ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi chính thức của Nhà nước. Tính đến hết năm nay, đã có trên 21,4 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng ưu đãi, góp phần giúp trên 2,9 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút tạo việc làm cho hơn 2,6 triệu lao động; hơn 3 triệu lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng được hơn 4 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hơn 95 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ ĐBSCL; gần 500 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ chính sách chưa có nhà ở; gần 100 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động…
Trở lại huyện Chi Lăng (Lạng Sơn), nơi ghi dấu trận chiến huyền thoại của Trần Hưng Đạo sau hơn 11 năm, tôi chứng kiến khá nhiều sự đổi thay trên mảnh đất này. Đã bớt đi những mái tranh nghèo, cuộc sống người dân nơi đây cũng đã vơi đi nhiều khó khăn. Ông Lý Văn Dền - Giám đốc NHCSXH huyện Chi Lăng không giấu nổi nét mừng vui khi đồng vốn của ngân hàng đã mang lại no ấm cho nhiều hộ nghèo, nhờ nơi đây đầu tư đúng hướng. Không những thế, với sự hỗ trợ của NHCSXH, tết này nhiều người còn được đón Xuân trong những căn nhà mang tên 167 (Chương trình cho vay hỗ trợ hộ nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), khang trang, sạch đẹp.
Tôi chợt nhớ đến người Giám đốc trẻ Phạm Mạnh Hà của NHCSXH huyện Lộc Bình, người con của đất Lạng Sơn đã không ngần ngại trả lời câu hỏi, nếu có ngân hàng khác trả lương cho anh cao gấp 3 lần, với công việc ở thành phố anh có chuyển không? “Công việc ở NHCSXH có thể vất vả hơn, phải đi xã, vào bản, các món vay thì lắt nhắt nhưng mình có thể giúp được người dân trong huyện nhà; đưa được đồng vốn của Chính phủ xuống bản làng, cùng dân bản chứng kiến sự đổi thay của xóm làng, được dân bản quý mến đó là niềm vui mà khó có ngân hàng nào có được…” - anh Hà chia sẻ. Vâng có lẽ không có hạnh phúc nào hơn khi được tận mắt chứng kiến sự đổi thay của quê hương bằng chính đồng vốn ngân hàng và tôi chợt hiểu quyết định của anh là hoàn toàn hợp lý.
Có thể nói, NHCSXH là ngân hàng rất “lạ” trong hệ thống tài chính quốc gia, cho vay không vì mục đích lợi nhuận, nhưng nó đã trở nên thân quen với hàng nghìn hộ gia đình, là chỗ dựa cho hàng triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo trên mọi miền đất nước. Giữa tiết trời Xuân se lạnh chợt vang lên câu hát da diết: “Chiều biên giới em ơi, có nơi nào xanh hơn, có nơi nào xa hơn. Nơi đầu sông, đầu gió…”, vâng, nơi đầu sông, đầu gió, nơi tận cùng miền biên ải của Tổ quốc vẫn in bóng áo xanh của cán bộ NHCSXH, bóng áo ấy đang hòa cùng bóng của núi rừng mang theo sự đổi thay, một sức sống, niềm tin mới đến từng bản làng nơi “lưng chừng núi, lưng chừng đèo”.
Trần Anh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Niềm vui ngày giao dịch đầu năm
- » “Em mang tiền Chính phủ cho bản làng vay đủ...”
- » Câu chuyện “cần câu, con cá” của người nghèo vùng cao
- » Ngày ấy chưa xa
- » Đổi thay Côn Đảo
- » "Bắc cầu" đồng vốn
- » Điểm đến của những tấm lòng
- » Đồng bào Trạm Tấu tính chuyện thoát nghèo
- » Thoát nghèo nhờ vay vốn ưu đãi
- » Hành trình xua đi cái khó, cái nghèo