“Em mang tiền Chính phủ cho bản làng vay đủ…”
6 giờ sáng, đất trời huyện Đà Bắc vẫn ủ trong mây. Hôm nay là ngày giao dịch 2 xã Đoàn Kết và Đồng Ruộng. Đây là 2 xã khó khăn, xa trung tâm khoảng 80km. Anh Lê Thanh Hải - Tổ trưởng Tổ tín dụng của NHCSXH huyện Đà Bắc thúc giục mọi người kiểm tra lại đồ đạc và phải ăn thật no để xuất hành kẻo muộn. Vừa qua mùa mưa bão, nhiều đoạn đường bị sạt lở trơn tuột, nơi mới tạm khắc phục chỉ đủ lọt hai bánh xe. Anh Hải cho biết: Do đường xa, thường là phải làm thông trưa. Lịch giao dịch cố định từ 7 - 25 hằng tháng bất kể ngày nghỉ, trừ trường hợp tắc đường hoặc trùng ngày tết thì mới chuyển ngày khác.
Đúng 6 giờ 30 phút, chiếc xe của NHCSXH chở chúng tôi men theo con đường cheo leo chìm vào khói mây rồi hun hút giữa đại ngàn. Càng lên cao trời càng lạnh, mây lãng đãng bay là là mặt đất. Sau hơn 2 giờ đồng hồ ngược dốc, chúng tôi đến trung tâm xã Đoàn Kết. Anh Hải là người gắn bó với NHCSXH gần 10 năm được phân công phụ trách 2 xã Đồng Nghê và Đoàn Kết. Anh Hải tâm sự: “Khi đi xuống xã, nhiều khi phải nhờ dân bản khênh xe qua suối, còn mình đi bộ theo họ. Nhiều bản đường đi vào rất khó khăn, trời nắng đi còn vất vả nhưng trời mưa thì chịu, không vào được hoặc vào rồi lại không thể ra. Thế nhưng, mỗi cán bộ NHCSXH đều cảm thấy hạnh phúc khi được đem cần câu để đồng bào dân tộc thiểu số câu được con cá thoát nghèo bền vững. Xã Đoàn Kết có 12 Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện 9 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ 8,472 tỷ đồng với 512 hộ còn dư nợ. Gặp cán bộ tín dụng, ông Bùi Chí Long ở xóm Khem, xã Đoàn Kết tâm sự: Trước kia, nhà tôi là hộ nghèo, nhờ vốn vay của NHCSXH 25 triệu đồng năm 2010 đầu tư nuôi trâu bò, đào ao thả cá, phấn đấu thoát nghèo năm 2013. Sang năm 2014 gia đình tôi sẽ tiếp tục vay vốn chương trình hộ cận nghèo làm ăn để thoát nghèo bền vững.
Rời Đoàn Kết, chúng tôi lên với Đồng Ruộng. Tại đây, người dân đã đến từ rất sớm chờ cán bộ đến giao dịch. Anh Hoàng Mạnh Cường, cán bộ tín dụng phụ trách xã cho biết: Một xã vùng 3 với nhiều cái không: không đường, không điện, không hộ khá, giàu… và cái có duy nhất là tỷ lệ hộ đói nghèo cao. Thiết nghĩ, ở mảnh đất khó thì nhiều, dễ chỉ duy nhất là lòng dân, thật thà, cần cù, chịu khó, phải thường xuyên đi cơ sở với giải pháp bốn cùng: Cùng ăn, cùng ở, cùng nghĩ, cùng làm, là cách tốt cho NHCSXH khẳng định vị thế và trách nhiệm. Tôi miệt mài đi cơ sở, vào từng thôn bản và tôi nhận ra rằng: để xoá nghèo, phát triển kinh tế cho đồng bào trước tiên phải là vốn và cách làm. Vốn thì của Chính phủ, bà con dân tộc thiểu số không biết tìm tới vay vốn, NHCSXH chủ động tìm bà con đưa vốn. Còn cách làm không thể nói với dân được, mà cùng bàn với Ban giảm nghèo xã nuôi con gì, trồng cây gì…? Thời gian đầu do địa hình phức tạp, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ nghèo đói cao nên rất khó khăn trong tuyên truyền, vận động đồng bào trả nợ, ảnh hưởng thời gian hoàn thành kế hoạch. Tuy nhiên, đó chỉ là số ít, còn phần lớn đồng bào trên này đều quý mến cán bộ NHCSXH, đến đâu cũng được chào hỏi rất trìu mến, thân tình như người nhà đi xa về. Sau mỗi buổi giao dịch, cán bộ tín dụng đều có buổi họp giao ban rút kinh nghiệm với lãnh đạo xã, các hội, đoàn thể nhận uỷ thác và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn để kịp thời tuyên truyền những chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, tháo gỡ những khó khăn. Với những hộ trây ỳ, nợ quá hạn, cán bộ tín dụng xuống nắm tình hình, phân tích cho họ hiểu, họ đã thực hiện quyền vay vốn để sử dụng thì phải có trách nhiệm, nghĩa vụ trả nợ. Vì thế, trên địa bàn anh phụ trách theo dõi không có tình trạng nợ quá hạn.
Với 2 cán bộ tín dụng nữ Nguyễn Thị Thanh và Hoàng Thị Hải Yến được phân công theo dõi 6 xã/người mặc dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, con còn nhỏ nhưng với thế mạnh trẻ, khỏe và đầy nhiệt huyết, họ đã khắc phục mọi khó khăn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Giám đốc NHCSXH huyện Đà Bắc Vi Văn Muộn cho biết: Mục tiêu của NHCSXH là giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Trước khi giải ngân cho hộ nghèo, NHCSXH phối hợp với các hội, đoàn thể mở các lớp chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho hộ nghèo. Cán bộ ngân hàng đến từng hộ kiểm tra năng lực, từ đó định hướng cho hộ đầu tư vốn vay vào cây, con, ngành nghề phù hợp, sau đó mới giải ngân. Đây là phương thức đầu tư hiệu quả nhất. Hiện nay, NHCSXH đang thực hiện 10 chương trình tín dụng ưu đãi. Hết năm 2013, tổng dư nợ trên địa bàn đạt trên 166 tỷ đồng với 8.740 khách hàng còn dư nợ.
Một mùa Xuân mới lại về, sức Xuân phơi phới trên chồi non, lộc biếc, trong lộng lẫy sắc thắm hoa đào, sắc trắng của hoa mơ, hoa mận, trong niềm vui tràn ngập đất, trời và trong lòng mỗi người. Những địa danh Mường Tuổng, Mường Chiềng, Đồng Ruộng, Giáp Đắt… nghe đã thấy rất cao, rất xa và vô cùng gian khó… vậy mà ở đó đang chuyển mình, khởi sắc từng ngày nhờ những đồng vốn ưu đãi của Chính phủ.
Bài và ảnh Đinh Thắng
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Câu chuyện “cần câu, con cá” của người nghèo vùng cao
- » Ngày ấy chưa xa
- » Đổi thay Côn Đảo
- » "Bắc cầu" đồng vốn
- » Điểm đến của những tấm lòng
- » Đồng bào Trạm Tấu tính chuyện thoát nghèo
- » Thoát nghèo nhờ vay vốn ưu đãi
- » Hành trình xua đi cái khó, cái nghèo
- » Đưa ngân hàng về tận buôn làng
- » Tín dụng… bạc cắc