Làm giàu từ đồng vốn nhỏ
Hơn 25 năm trước, anh nông dân người dân tộc Nùng Hứa Văn Nhanh dắt díu vợ con rời quê hương Bình Gia (Lạng Sơn) vào xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh lập nghiệp. Thời điểm ấy, ở tuổi 27, “sức dài vai rộng” nhưng vì không có vốn nên anh Nhanh dành hầu hết thời gian, sức lực khai khẩn đất hoang trồng lúa và hoa màu; làm thuê, làm mướn cho người khác, tìm cách bám trụ ở vùng đất mới.
“Sơn Giang có địa hình đồi núi xen lẫn các thung lũng ven suối, rất thích hợp với việc trồng cây nông nghiệp, công nghiệp và chăn nuôi bò. Tuy nhiên, hầu hết bà con ở đây thuộc diện “kinh tế mới” và di cư từ miền Bắc vào, thiếu vốn để đầu tư cho sản xuất nên trong một thời gian dài cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn”, anh Nhanh tâm sự.
Cuối năm 1997, được vay 2 triệu đồng từ Ngân hàng Phục vụ người nghèo, cộng với số tiền tích góp được qua nhiều năm tần tảo, anh Nhanh mua 1 con bò đực giống, trị giá 2,4 triệu đồng về nuôi, chủ yếu là để cày đất trồng sắn, mía. 2 năm sau, bán con bò này được 4 triệu đồng, ông Nhanh mua lại 2 con bò đực giống khác để nuôi, rồi lại bán.
Cứ thế, đàn bò trong chuồng nhà anh tăng lên theo cấp số cộng. Đến năm 2002, ngoài nuôi bò đực, anh Nhanh mua thêm 2 con bò cái và cho phối giống, lai tạo, tăng đàn. Để đàn bò chóng lớn, khỏe mạnh, ngoài áp dụng các biện pháp thú y nghiêm ngặt, anh còn dành một diện tích đất để trồng cỏ voi.
Cỏ cắt về được anh dùng máy tự chế thái nhỏ từng đoạn cho bò ăn hàng ngày. “Cỏ trồng hàm lượng dinh dưỡng cao hơn nhiều so với cỏ tự nhiên. Bò được cho ăn cỏ đầy đủ mỗi ngày nên phát triển nhanh, chất lượng thịt tốt hơn chăn thả tự nhiên”, anh Nhanh cho hay.
Từ năm 2004 đến nay, đều đặn mỗi năm anh Nhanh cho xuất chuồng 2 - 3 con giống với giá trên dưới 15 triệu đồng/con bê; 25 - 30 triệu đồng/con bò trưởng thành. “Mỗi năm, từ chăn nuôi bò, trừ chi phí tôi thu nhập khoảng 60 triệu đồng. Có thời điểm bò mất giá, nhưng ít nhất cũng lãi 35 - 40 triệu đồng/năm”, anh Nhanh cho biết.
Nuôi bò thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao, qua kênh Hội Nông dân, anh Nhanh mạnh dạn vay thêm vốn từ NHCSXH đầu tư vào trồng mía và mở cửa hàng bán vật tư nông nghiệp. Trừ chi phí, tính các khoản từ SXKD, bình quân mỗi năm gia đình anh thu nhập trên dưới 150 triệu đồng.
Theo anh Nhanh, thủ tục vay vốn để phát triển chăn nuôi và SXKD khá đơn giản. Cán bộ NHCSXH và Hội Nông dân phối hợp hướng dẫn làm hồ sơ nhiệt tình, chu đáo. “Cái khó của người vay vốn là không chỉ sử dụng đúng mục đích mà làm thế nào để đạt hiệu quả cao, trả lãi vay đúng hạn và sớm hoàn vốn”, anh Nhanh chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Giang La Văn Von, thời gian qua, Hội Nông dân đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH huyện Sông Hinh trong việc cho hội viên nông dân vay vốn chăn nuôi và SXKD. Hiện toàn xã Sơn Giang có 329 hộ vay với số dư nợ 11,5 tỉ đồng và đều sử dụng đúng mục đích; trong đó có 20% - 30% sử dụng vốn đạt hiệu quả cao, vươn lên khá giả.
“Với ông Nhanh, không chỉ biết cách làm giàu từ nguồn vốn vay của NHCSXH, mà ông còn tích cực tuyên truyền, vận động nông dân đoàn kết, tương trợ giúp nhau giảm nghèo, sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm sản xuất để cùng nhau vươn lên làm giàu.
Gia đình ông luôn chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước; tích cực tham gia hoạt động công tác Hội và các phong trào của Hội Nông dân cũng như của địa phương; các con đều được học hành đến nơi đến chốn”, ông Von cho biết thêm.
Bài và ảnh Xuân Hiếu
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Từ 20 triệu đồng đến ý tưởng thành lập Hợp tác xã
- » Tỷ phú bước ra từ sổ hộ nghèo
- » “Gieo đồng vốn... gặt đổi đời”
- » Những cán bộ tận tâm vì người nghèo
- » Người Tổ trưởng tận tâm vì người nghèo
- » Thành công từ bánh sữa
- » Người thương binh trên trận tuyến mới
- » Tổ tiết kiệm và vay vốn không có nợ quá hạn
- » Đồng hành cùng người nghèo
- » Nữ cán bộ ngân hàng tự học tiếng Mông để gần hơn với dân bản