Tỷ phú bước ra từ sổ hộ nghèo

15/11/2017
(VBSP News) “... Cầm sổ hộ nghèo mà nước mắt mặn bờ môi, lòng quyết không buông trôi cuộc đời theo phân số... Từ hạt muốn mặn mòi đã gợi cho ông tạo ra sản phẩm cho đời. Rũ chiếc áo cơ hàn khoác lên mình doanh nhân vẫn cái tên Huỳnh Văn Bé...”.

Ông Huỳnh Văn Bé (thứ hai từ trái qua) - Chủ cơ sở sản xuất muối Ngọc Yến đang giới thiệu về quy trình sản xuất muối

Ông Huỳnh Văn Bé (thứ hai từ trái qua) - Chủ cơ sở sản xuất muối Ngọc Yến đang giới thiệu về quy trình sản xuất muối

Lời ca da diết bài vọng cổ “Hạt muối nghĩa tình” của Bí thư chi bộ khóm Tân Thuận, thị trấn Thanh Bình tại buổi họp Tổ tiết kiệm và vay vốn đã khiến tôi tò mò tìm đến nhân vật có thật trong bài hát ông chủ cơ sở sản xuất muối Ngọc Yến. Để rồi thêm một lần thực chứng những đồng vốn tưởng chừng nhỏ nhoi từ NHCSXH có thể giúp thay đổi cả một số phận, một gia đình và hơn thế là tạo ra những giá trị cộng hưởng lan tỏa ra xã hội.

Mỗi năm thu nhập 2 tỷ đồng từ muối sấy, ông Huỳnh Văn Bé vẫn đi chiếc xe máy cà tàng cùng bạn bè cà phê những lúc an nhàn. Nhiều người bảo ông sao không mua ô tô, ông bảo chẳng mua vì với ông nó chẳng sang, chẳng quý bằng việc có thể hòa đồng cùng bạn bè thuở cơ hàn vui buồn mỗi sớm. Cũng bộ quần áo giản dị như bao người dân ở trên mảnh đất này, duy chỉ có đôi mắt sáng và gương mặt vuông chữ điền là nói lên tố chất của một con người dám nghĩ, dám làm vượt lên số phận. “Cuộc đời cho ta trái chanh chua và ta phải biến thành cốc nước chanh ngon ngọt”, ông tâm đắc ông cái triết lý sống ấy.

Sinh ra trên mảnh đất với cái tên rất ấm áp - thị trấn Thanh Bình. Thế nhưng, nửa cuộc đời ông Bé trải qua những ngày sóng gió “bầm tím” mà tưởng chừng phận đen không buông tha. Vài công ruộng chẳng đủ ăn cho vợ chồng và 4 đứa con, ông từng lùa vịt đi hết cánh đồng này đến cánh đồng khác mưu sinh. Mua được mảnh đất, xây được cái nhà che mưa che nắng cho vợ con, năm 1996, ông chắt chiu được chút vốn vay thêm các ngân hàng 100 triệu đồng nuôi chim cút. Tưởng như cơ hội đổi đời tới gần thì bỗng dưng thành tay trắng vì dịch bệnh. Đất và nhà cũng đành phải bán, ông cùng vợ con về nương nhờ nhà ba mẹ đẻ.

Chẳng còn vốn, vợ ông đi bán cháo, 2 đứa con đầu phải nghỉ học làm thêm, bán bánh mỳ đỡ đần cha mẹ mưu sinh. “Ngày nắng thì cũng kiếm được 10 nghìn đồng, phải hôm trời mưa, cháo không bán được, cả nhà ăn tới ngán luôn”, ông Bé kể. Bà chị họ ở Tây Ninh gọi: “Cậu ba ơi, cậu khổ quá lên đây tôi dậy làm muối”.

“Sau 3 tháng làm muối ở Tây Ninh, tôi thấy nghề này có thể sống được nên dắt díu nhau trở về quê lập nghiệp lần thứ hai với nghề trộn muối ớt năm 2002”, ông Bé kể lại.

Đúng lúc ấy, cái cơ cảnh ấy đã được chính quyền, khóm ấp quan tâm, thống nhất cấp số nghèo cho gia đình ông. “Vui là được vay 2 triệu đồng từ nguồn vốn hộ nghèo song cũng buồn là cuộc đời mình vì sao nên nỗi vào diện hộ nghèo”. Cũng từ nỗi buồn ấy, ông quyết tâm đầu tư vào làm muối sấy. Lúc ấy ông nghĩ cơm gạo thì còn có thể ăn được nhiều chứ muối thì không ăn thêm được, chính vì vậy phải làm cho hạt muối sấy trở nên đa dụng và an toàn cho người dùng. Ông thay đổi công thức muối từ hương vị pha trộn, dùng bột ngọt thay đường hóa học, pha chế thêm đường cát để sản phẩm vừa thơm ngọt, vừa an toàn theo tiêu chuẩn mà Nhà nước cấp phép sản xuất. Có 2 triệu đồng vốn vay ưu đãi từ NHCSXH cộng thêm bà chị cho vay thêm 500 nghìn đồng, ông về mua dụng cụ rang sấy. Đêm làm, ngày mang xuống thành phố Cao Lãnh bán, mỗi ngày cũng được vài chục nghìn, ông tính chuyện làm ăn lớn.

Nói là làm ăn lớn song cũng chỉ là mang lên thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ. Lúc đó muối sấy chưa mang nhãn hiệu Ngọc Yến mà gói trong từng bao nilong, mượn danh muối Tây Ninh. Vợ và con gái út của ông bưng bê đi đến từ hang cùng ngỏ hẻm của thành phố để bán từng bịch muối. “Nhiều lần vợ con tôi còn bị người ta tạt nước ướt sũng cả người vì đứng bán trước hàng quán của họ”, ông nghẹn ngào nhớ về những ngày cơ cực.

Có được một số mối bỏ muối ở chợ Phạm Văn Hai, chợ Tân Bình, năm 2006 tích lũy được 5 triệu đồng, ông Bé quyết định về lại quê nhà Thanh Bình xây dựng “Cơ sở chế biến muối sấy Ngọc Yến” tại căn nhà 30m2 cheo leo bên bờ sông. Khi sản phẩm muối sấy Ngọc Yến được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp ưa chuộng, ông đầu tư thêm vốn mở rộng cơ sở sản xuất, trang bị thêm các thiết bị hiện đại như: Lò sấy muối bằng bồn inox; máy xay - máy trộn nguyên liệu tổng hợp, khép kín đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và 10 giàn phơi muối sau khi trộn theo đúng tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế. Chỉ sau một năm, đến năm 2007, sản lượng muối sấy Ngọc Yến làm ra và tiêu thụ được 40 tấn; sang năm 2008, tăng lên 60 tấn… Cùng thời điểm đó, thương hiệu muối sấy Ngọc Yến được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KHCN cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền.

Cuối năm 2014, ông Ba Bé đã đầu tư trên 200 triệu đồng xây dựng thêm cơ sở 2 với sân phơi muối đạt tiêu chuẩn y tế trên diện tích 1.000m2 tại khóm Tân Thuận, thị trấn Thanh Bình (Đồng Tháp). Cuối năm 2016, ông vừa được cấp bằng sáng chế ra dàn sấy muối sau khi đội kỹ thuật của Đại học Bách khoa chế tạo cho ông không thành công. Muối sấy Ngọc Yến đã được Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam tặng “Huy chương vàng hàng Việt Nam chất lượng cao”, khẳng định một thương hiệu muối sấy của mảnh đất Đồng Tháp. Muối sấy Ngọc Yến còn được Viện nghiên cứu Kinh tế - đơn vị giám sát Chất lượng quốc tế Vương quốc Anh - Đơn vị khảo sát tín nhiệm chứng nhận: đạt chỉ số tín nhiệm Vàng nhà cung cấp đáng tin cậy tại Việt Nam.

Nhìn lại những nổi trôi của cuộc đời cho đến thành công hôm nay, ông Bé tâm đắc về chính sách tín dụng giảm nghèo của Nhà nước. “Ngày ấy 2 triệu đồng được vay đối với tôi và gia đình quý lắm như 20 tỷ đồng bây giờ ấy” ông kể và nhìn về xa xăm “Nếu không có nguồn vốn hỗ trợ ấy, không biết tôi còn lam lũ đến bao giờ”.

Trải qua những chìm nổi của số phận. Những ngày tháng cầm sổ nghèo, giúp ông nếm trải cảm giác được ai đó giúp đỡ, đùm bọc, cho vài ký gạo hay chút tiền. Cũng bởi vậy, khi bắt đầu làm ăn có chút tiền lãi, ông bắt đầu làm từ thiện như một cách trả ơn đời, giúp đỡ những con người cơ cực như ông một thời được bạn bè bà con chòm xóm bao bọc.

Như lời ca vọng cổ mà NSƯT Thanh Hùng - Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Đồng Tháp viết tặng ông! “Hạt muối thuở cơ hàn công chia sẻ với vợ con, hạt muối thuở vàng son ông chia cho bao mảnh đời khốn khó. Huỳnh Văn Bé tên ông nghe rất nhỏ, nhưng tấm lòng rộng mở nghĩa thong dong”. Từ việc mỗi năm trích 30 - 50 triệu đồng, theo doanh thu ngày càng tăng, đến nay, mỗi năm ông dành khoảng 500 triệu đồng hỗ trợ an sinh xã hội. Mỗi ngày theo thói quen, ông đều lướt những mục “hoàn cảnh khó khăn” trên báo tỉnh và báo mạng trước khi đi một vòng xem xét xưởng muối vận hành. Biết đến hoàn cảnh thực sự khó khăn nào là ông lại tự chạy xe tìm đếm thăm hỏi, động viên và tặng quà. Hiện ông đang hỗ trợ đang chăm chút 126 hộ nghèo người neo đơn 15kg gạo và 1kg muối mỗi tháng (có thể lấy bằng tiền mặt), hỗ trợ học bổng cho những học sinh nghèo, vượt khó, học giỏi. Các Quỹ vì người nghèo của các địa phương, xây dựng nhà tình thương, nâng cấp, sửa chữa cầu đường… nông thôn trong tỉnh Đồng Tháp luôn có tên ông Bé ở những hàng đầu trong danh sách.

Hơn chục năm qua, tổng giá trị tiền và vật chất mà cơ sở sản xuất muối sấy Ngọc Yến đã trích tặng giúp các hộ nghèo và những mảnh đời bất hạnh ở huyện Thanh Bình - Đồng Tháp nói riêng và các tỉnh khác đã tới hàng tỷ đồng. Nhờ đó mà những hộ nghèo đã vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống, giúp học sinh nghèo vượt qua nghịch cảnh để tiếp tục đến trường, giúp những mảnh đời bất hạnh vượt qua mặc cảm, giúp trẻ tật nguyền vượt lên chính mình để hòa nhập cộng đồng…

Cơ sở sản xuất muối Ngọc Yến hiện đang duy trì công việc cho trên 50 lao động tại địa phương với mức lương 4,2 triệu đồng/tháng

Cơ sở sản xuất muối Ngọc Yến hiện đang duy trì công việc cho trên 50 lao động tại địa phương với mức lương 4,2 triệu đồng/tháng

Không chỉ cưu mang giúp những mảnh đời bần hàn như ông thuở nào, ông cũng đang góp phần tạo công ăn việc làm, xây dựng kinh tế địa phương. Thu nạp các hộ nghèo, thanh niên quậy phá ở địa phương vào làm việc và cơ sở của ông cũng là chỗ nương tựa cho nhiều người lao động dù con sức khỏe nhưng bị các Công ty sản xuất công nghiệp xa thải vì tuổi cao. Ông tâm đắc, những người lớn tuổi còn sức lao động, khi được nhận họ biết mình cho họ cơ hội làm việc nên rất cố gắng, lại có thêm kinh nghiệm và sự dẻo dai nên hiệu suất lao động cao. Hiện Cơ sở sản xuất muối Ngọc Yến đang duy trì công việc cho trên 50 công nhân tại địa phương với mức lương 4,2 triệu đồng/tháng. Những thời điểm tăng ca, làm ngoài giờ trả gấp đôi. Ông cũng tặng 1 thùng mỳ một tháng ăn sáng cho công nhân.

Cũng như buổi đầu về lại Thanh Bình lập nghiệp với việc sử dụng sản phẩm tưởng chừng việc gheo trồng sắp mai một của quê hương: ớt Thanh Bình, đến nay với mỗi năm tiêu thụ 40 tấn ớt khô, ông đang góp phần hỗ trợ người dân mở rộng vùng nguyên liệu xuất khẩu, gia tăng thu nhập. Bởi nếu trước đây, ớt bị bể không thế xuất khẩu, bán rẻ như bèo, thì với việc ông mua bằng 50% giá xuất khẩu quả là một niềm vui đối với người dân quê ông.

80 Bằng khen, Cup trong nhà ông Bé, song với ông những cái danh ấy chỉ là tiếp cho phát triển sản xuất, có lợi nhuận nhiều hơn để có cơ hội giúp đỡ người nghèo. Cùng triết lý làm kinh doanh như người bơi ngược dòng nước, nếu không bơi với lực lớn hơn lực chảy dòng nước sẽ bị cuối trôi, ông dùng mái chéo niềm tin của người tiêu dùng để đến với thị trường. Chắt chiu cái vị cay của ớt, vị mặn mòi của muối để làm lên hạt muối sấy Ngọc Yến, ông lại cắn đôi hạt muối bé nhỏ ấy chia cho những con người yếu thế trong xã hội, hòa thêm vị ngọt cùng cuộc đời.

Bài và ảnh Minh Ngọc

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác