“Gieo đồng vốn… gặt đổi đời”

22/09/2017
(VBSP News) Đến thôn Bản Náng, xã Bản Qua, huyện Bát Xát (Lào Cai) không ít người cảm phục trước sự vượt khó “thần kỳ” của một gia đình người dân tộc Giáy, đó là gia đình ông Nông Văn Mù và bà Lê Thị Sánh.

Từ vốn vay chính sách gia đình ông Nông Văn Mù phát triển kinh tế hiệu quả

Từ vốn vay chính sách gia đình ông Nông Văn Mù phát triển kinh tế hiệu quả

Tưởng như cái nghèo, cái đói cứ đeo đẳng mãi cuộc đời hai vợ chồng ông bà, bởi gia đình đông con mà chỉ làm nông nghiệp, chưa đến mức đứt bữa nhưng nhìn các con mỗi bữa ăn đánh bay cả chục bò gạo và tiền làm thuê không đủ mua thức ăn cho chúng nhiều lúc cũng thấy nản. Ông bà cứ quần quật từ mờ sáng tận đêm khuya đi làm thuê, cấy thuê cũng không đủ nuôi cả “đoàn tàu” đang tuổi ăn tuổi lớn. Những lúc túng thiếu, vợ chồng ông bà cũng chẳng biết bấu víu vào đâu vì trong thôn, xung quanh cũng toàn hoàn cảnh khó khăn như mình cả. Cũng muốn phát triển kinh tế nhưng “lực bất tòng tâm” vì không có vốn. May thay, ngay lúc ấy, được cán bộ NHCSXH huyện Bát Xát đến tuyên truyền chính sách tín dụng, tư vấn hướng dẫn vay vốn để phát triển kinh tế.

Như “nắng hạn gặp mưa rào”, ông bà mạnh dạn vay vốn ngân hàng ngay để thực hiện ước mong đổi đời. Với 7 triệu đồng tiền vốn, ông bà quyết chí mua một con trâu nái, hàng ngày ông cùng các con đi cày thuê và kéo củi từ rừng về; còn bà đi cấy thuê trong xã. Chăm chỉ làm ăn và cùng nhau cố gắng, chỉ sau 3 năm, ông bà đã trả đủ vốn cho ngân hàng cả gốc lẫn lãi. Sau đó, các con lớn dần ông bà lại tính đến chuyện tương lai cho các con. Thế rồi, tiếp tục nhờ vào đồng vốn tín dụng chính sách, ông bà lại vay thêm 15 triệu đồng mua trâu sinh sản.

Ngoài chăn thả trâu, ông bà trồng được hơn 3ha rừng mỡ, trám ghép, khai khẩn được nhiều ruộng để cấy lúa, rồi đào ao thả cả, chăn nuôi lợn và gia cầm (ngan, gà, vịt). Không chỉ cấy lúa, ông bà còn trồng ngô, trồng sắn và trồng thêm rau màu mỗi vụ. Rau và gạo thì để phục vụ sinh hoạt trong gia đình, còn ngô, sắn dùng để bán và chăn nuôi. Những vụ rau làm được nhiều, ông bà còn có thu được 20 triệu đồng, như vụ trồng đậu cô ve và dưa chuột vừa rồi. Những năm trước, nuôi lợn được giá, năm nào gia đình ông bà cũng thu được trên 40 triệu đồng. Không chỉ có vậy, tận dụng đất ven đồi, mỗi năm trồng ngô cũng thu được 70 bao ngô hạt (hơn 3,5 tấn ngô). Tiền bán vịt, bán ngan cũng cho thu khoảng 20 triệu đồng…

Bà Sánh tâm sự: “Nếu không có vốn vay ưu đãi thì tôi không thể có cơ hội đổi đời như hôm nay. Nhiều lúc cứ nghĩ lại những ngày tháng cơ cực ấy sao mà khổ đến thế, đến bữa cơm cũng phải ăn bớt khẩu phần đi để nhường cho các con ăn. Không có vốn, phải đi vay nợ theo kiểu “bán lúa non”… khó khăn chồng chất khó khăn. Giờ thì đồng vốn vay tôi đã biết sử dụng linh hoạt trong phát triển kinh tế gia đình”.

Đất không phụ công người, nhờ bàn tay chăm chỉ lao động, ý chí quyết tâm vươn lên thoát khỏi đói nghèo, cùng với “bà đỡ” tín dụng chính sách, đó là “chìa khóa thành công”, là “đòn bẩy” giúp gia đình thoát ra khỏi cuộc sống nghèo khó; giờ đây gia đình ông bà Mù Sánh đã có trong tay một cơ ngơi không phải ai cũng có được.

Từ 7 triệu đồng ban đầu, lấy ngắn nuôi dài, lấy công làm lãi và học hỏi kinh nghiệm làm ăn, cứ vay vốn rồi lại quay vòng, giờ thì gia đình ông bà đã có cơ ngơi với mỗi năm thu nhập gần 150 triệu đồng. Năm vừa rồi, ông bà tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng để đầu tư làm ao nuôi cá, vay 6 triệu đồng dẫn đường nước sinh hoạt về tận nhà. Chưa kể, từ nguồn vốn vay phát huy hiệu quả, ông bà đã mở mang dần cơ ngơi, tậu thêm đất ruộng, đồng thời mua được cho mỗi người con trai một mảnh đất để làm vốn lập nghiệp sau này…

Thấu hiểu được nỗi vất vả khổ cực của cái nghèo, gia đình ông bà đã giúp rất nhiều anh em và người trong thôn giống lợn, giống vịt, giống ngan; đồng thời không ngần ngại chia sẻ cách làm ăn cho các hộ xung quanh, động viên họ vay vốn mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi giống như mình, theo cách của mình. Không chỉ “gieo đồng vốn” đến cho bà con, những cán bộ NHCSXH huyện Bát Xát còn luôn đồng hành giúp bà con trong cuộc sống, giúp họ “gặt đổi đời” từ chính bàn tay lao động, bằng chính sự cần cù chịu khó…

Bài và ảnh Thanh Cường

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác