Hội thảo khoa học Quốc gia “Ngân hàng Chính sách xã hội -15 năm một chặng đường”

22/09/2017
(VBSP News) Sáng ngày 22/9/2017, tại Hà Nội, NHCSXH phối hợp với Học viện Ngân hàng tổ chức thành công Hội thảo khoa học Quốc gia “Ngân hàng Chính sách xã hội - 15 năm một chặng đường”. Chủ trì Hội thảo là Tiến sỹ Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tiến sỹ Dương Quyết Thắng - Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc NHCSXH; Tiến sỹ Bùi Tín Nghị - Giám đốc Học viện Ngân hàng cùng sự tham dự của các đại biểu, nhà khoa học, chuyên gia đến từ các Bộ, ngành, trường đại học, học viện và các tổ chức tín dụng.

TS Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu

TS Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu

Hội thảo khoa học “Ngân hàng Chính sách xã hội - 15 năm một chặng đường” là sự kiện khoa học và cũng là một trong những hoạt động hướng đến sự kiện tổng kết 15 năm thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2017 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, chào mừng kỷ niệm 15 năm ngày thành lập NHCSXH. Đây là cơ hội để những người đã và đang xây dựng, triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, những chuyên gia kinh tế và các nhà khoa học quan tâm cùng nhìn lại một chặng đường đã qua và đề xuất các giải pháp nhằm hướng tới sự phát triển ngày càng lớn mạnh của NHCSXH trong giai đoạn tới.

TS Dương Quyết Thắng , Ủy viên Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc phát biểu

TS Dương Quyết Thắng , Ủy viên Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc phát biểu

Phát biểu khai mạc, Tiến sỹ Dương Quyết Thắng, Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc NHCSXH nhấn mạnh: “Sự nghiệp giảm nghèo của đất nước luôn được Đảng, Nhà nước xác định là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu. Được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo theo Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg ngày 04/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ, NHCSXH là một định chế tài chính thuộc loại hình Ngân hàng chính sách quy định tại Luật các tổ chức tín dụng. Hoạt động NHCSXH không vì mục đích lợi nhuận, được Nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán, tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 0%, không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, được miễn thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước. Quản trị NHCSXH là HĐQT và Ban đại diện HĐQT các cấp, Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT. NHCSXH thực hiện phương thức ủy thác một số công việc cho các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức giao dịch tất cả các xã, phường trong cả nước tại các Điểm giao dịch đặt tại Trụ sở xã, phường vào ngày định kỳ hàng tháng. Là ngân hàng chủ lực trong cho vay giảm nghèo, qua 15 năm hoạt động NHCSXH đã luôn đồng hành cùng người nghèo, truyền tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với các đối tượng chính sách ở mọi miền của tổ quốc, phát huy vai trò là đòn bẩy kinh tế quan trọng của Nhà nước trong công cuộc giảm nghèo bền vững. Thực tiễn hoạt động của NHCSXH đã và đang minh chứng cho sự phát triển vững mạnh, có hiệu quả và tác động xã hội rõ nét của kênh tín dụng chính sách đặc thù ở Việt Nam”.

Hội thảo đã nhận được 36 báo cáo tham luận của các nhà khoa học, chuyên gia đến từ các trường đại học, học viện và các bộ, ban ngành trong đó có 30 bài viết đăng kỷ yếu. Các chủ đề được đề cập đến cũng đi vào chiều sâu ở những nội dung chính: (i)Lịch sử hình thành và phát triển NHCSXH; (ii) NHCSXH với công tác xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; (iii) Sự đồng hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với NHCSXH trong công tác giảm nghèo bền vững; (iv) Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong phối hợp thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội ở nông thôn; (v)NHCSXH trong công cuộc xây dựng nông thôn mới; (vi)NHCSXH với việc triển khai chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước; (vii) NHCSXH trong công tác huy động nguồn lực cho xoá đói giảm nghèo; (viii)Thực tiễn triển khai các sản phẩm, dịch vụ tại NHCSXH; (ix) Định hướng xây dựng chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2021- 2030…

Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sỹ Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định: “Hội thảo quốc gia “NHCSXH - 15 năm một chặng đường có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với hoạt động tín dụng của Ngân hàng nói chung và NHCSXH nói riêng. Sau 15 năm hoạt động, NHCSXH đã thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Ngành ngân hàng giao phó. Với mô hình hoạt động ưu việt, hiệu quả, hiệu lực của NHCSXH, các chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước đã được truyền tải một cách kịp thời tới các đối tượng thụ hưởng, góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở nông thôn, thay đổi cơ bản nhận thức của người nghèo về ý thức tiết kiệm, tạo lập nguồn vốn tự có và tích lũy cho tương lai, hoàn thành cơ bản Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững qua các thời kỳ. Mặc dù đã đạt được những thành tựu được quốc tế công nhận, nhưng công cuộc giảm nghèo của Việt Nam vẫn đang và sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Vì vậy sẽ đặt ra nhiều thách thức cho NHCSXH trong việc thực hiện các mục tiêu chiến lược của ngân hàng là phát triển ngân hàng theo hướng ổn định, bền vững, đủ năng lực để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước, tạo bước đột phá trong giảm nghèo. Tại Hội thảo này, các ý kiến, đề xuất, kiến nghị xác đáng, thiết thực giúp cho hoạt động của NHCSXH nói riêng, hoạt động giảm nghèo bền vững nói chung đạt được những kết quả vượt bậc trong giai đoạn tiếp theo”.

Tại Hội thảo nội dung các tham luận đã làm rõ hơn về bối cảnh và lịch sử hình thành NHCSXH trong thời kỳ đất nước bước vào tiến trình hội nhập. Đồng thời các tham luận cũng đề cập đến triển khai các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách từ đó làm cơ sở tham mưu Ngân hàng Nhà nước lập Đề án trình Chính phủ về hoàn thiện tổ chức và hoạt động của NHCSXH, tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại ngân hàng.

Cùng với đó, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cùng với các bộ, ban, ngành đã luôn tạo điều kiện để NHCSXH thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi như: bảo đảm ổn định nguồn vốn (tái cấp vốn cho NHCSXH; chỉ đạo TCTD Nhà nước duy trì 2% số dư tiền gửi tại NHCSXH); điều hành lãi suất phù hợp với điều kiện thị trường; triển khai các giải pháp để hướng dòng vốn tín dụng thương mại cùng với dòng vốn tín dụng chính sách tại NHCSXH vào công cuộc giảm nghèo của đất nước…

Sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện ủy thác một số nội dung công việc là một phương thức hoàn toàn đặc thù của hoạt động tín dụng chính sách, phù hợp với năng lực quản lý và phương thức hoạt động của tổ chức chính trị  - xã hội, là đặc điểm riêng có khi tổ chức thực hiện tín dụng vi mô ở Việt Nam.

Quang cảnh Hội thảo “NHCSXH - 15 năm một chặng đường”

Quang cảnh Hội thảo “NHCSXH - 15 năm một chặng đường”

Các nhà khoa học cũng đưa ra những phân tích về cơ chế cho vay của các tổ chức cung cấp tín dụng chính sách đối với hộ gia đình nông thôn; quy mô, cơ cấu, chất lượng tín dụng chính sách qua các thời kỳ, từ đó có những căn cứ khoa học đánh giá hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách trong đời sống của hộ gia đình và trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đặc biệt tín dụng chính sách giúp chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, góp phần thực hiện phân công lại lao động xã hội; từ đó giúp người nghèo nâng cao kiến thức tiếp cận với thị trường nông thôn.

Hội thảo “NHCSXH - 15 năm một chặng đường” giúp nhìn nhận sâu sắc hơn về những kết quả trong suốt 15 năm thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2017 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời chỉ ra những thách thức trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đóng góp những giải pháp hữu ích, hiệu quả cao cho các cơ quan quản lý nhà nước và NHCSXH nhằm đề ra những giải pháp và xây dựng chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2021- 2030 đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế đất nước trong thời gian tới.

Tính đến hết tháng 8/2017, trong gần 15 năm qua, đã có trên 30 triệu lượt hộ nghèo và các và đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ thoát nghèo. Cũng từ nguồn vốn này, đã thu hút, tạo việc làm cho gần 3,5 triệu lao động được tạo việc làm, trong đó có hơn 111 nghìn lao động thuộc hộ nghèo và gia đình chính sách được vay vốn đi XKLĐ có thời hạn ở nước ngoài; trên 3,5 triệu HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 10 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; gần 520 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách; gần 105 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ đồng bằng sông Cửu Long; trên 11 nghìn căn nhà phòng tránh bão, lụt. Tổng dư nợ của NHCSXH đạt 167.047 tỷ đồng, gấp 23 lần so với thời điểm nhận bàn giao. Tỷ lệ nợ quá hạn của NHCSXH chỉ là 0,43%/tổng dư nợ.

PV thực hiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác