Nữ cán bộ ngân hàng tự học tiếng Mông để gần hơn với dân bản
Học và hiểu đồng bào
Mù Cang Chải là một trong 64 huyện nghèo nhất cả nước, đường sá đi lại còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng chậm phát triển, sản xuất mang tính tự cung, tự cấp.
Ở Mù Cang Chải, 91% là người dân tộc Mông, trình độ dân trí thấp, nhiều người không biết chữ, cách ký tên chỉ có là… điểm chỉ, hầu hết mọi người chỉ nói được tiếng của dân tộc mình. Chính vì vậy, các giao dịch vay vốn của các hộ dân với ngân hàng thường phải thông qua Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn bản và chính quyền của mỗi xã.
Thế nhưng, với đặc thù công việc của một người cán bộ NHCSXH như Đỗ Tú Quyên, lại đòi hỏi phải thường xuyên giao tiếp, trao đổi công việc với chính những người dân cần vay vốn, để có thể lắng nghe được tâm tư, nhu cầu của họ.
Cái khó đầu tiên khi làm công việc này là bất đồng ngôn ngữ, dù sinh ra và lớn lên ở Mù Cang Chải, nhưng Đỗ Tú Quyên cũng chỉ bập bẹ được vài câu giao tiếp bằng tiếng dân tộc Mông, như thế là không đủ để gần gũi với người dân bản.
Đỗ Tú Quyên đã quyết tâm phải học tiếng của đồng bào. Cô chia sẻ: “Mình phải biết tiếng của đồng bào, thì đồng bào mới tin tưởng và chia sẻ với mình được. Chính những người dân cũng là người thầy của mình, họ dạy cho mình tiếng Mông, trong quá trình giao tiếp, mình nói sai ở đâu thì được người dân sửa ở đó”.
Thời gian để làm mỗi bộ hồ sơ vay vốn ở trên vùng cao lâu gấp 2, 3 lần so với miền xuôi, do trình độ dân trí của người dân thấp, nên các khâu phải phụ thuộc vào người Tổ trưởng hay ủy thác qua các hội, đoàn thể để làm hồ sơ và phải làm đi, làm lại nhiều lần mới chính xác, khiến tiến trình công việc thường bị chậm lại.
Hiện tại ở Mù Cang Chải có hơn 6.000 hộ dân đang vay vốn ưu đãi NHCSXH, chủ yếu là hộ nghèo, vay vốn là để mua trâu, bò làm sức cày kéo, bởi vì máy móc thường không lên được những dãy ruộng bậc thang cao trên núi.
Nữ cán bộ trẻ tâm sự: “Phải từng thấy người dân ở đây người ta vất vả thế nào thì mới hiểu được những khoản vay này có giá trị ra sao đối với họ”. Đỗ Tú Quyên kể, những người hộ nghèo sau khi vay tiền để mua máy móc, tậu trâu, bò tăng gia sản xuất có kinh tế hơn, thì họ cho con đi học, những nhà có con đi học rồi khi gặp lại cán bộ ngân hàng họ quý trọng, cảm kích. Họ hiểu và trân trọng sự giúp đỡ của các cán bộ cũng như NHCSXH, đã mang đến cho họ cơ hội để thay đổi cuộc sống, thoát nghèo. Quyên vui vẻ: “Những lúc ấy tôi cảm thấy mình thực sự đã giúp được cho cuộc sống của họ bớt khổ, điều này khiến tôi càng thêm yêu quý công việc của mình”.
Thêm trân quý công việc
NHCSXH giúp thay đổi cuộc sống của nhiều đồng bào dân tộc. Là những người trực tiếp mang đến cho người dân cơ hội, giúp đỡ họ; nên các cán bộ NHCSXH được người dân Mù Cang Chải rất gần gũi, quý mến, có rất nhiều chuyện họ đều chia sẻ với các cán bộ. Vì vậy, các cán bộ ngân hàng như Quyên không những là người giúp họ được vay vốn làm ăn, mà còn có thêm nhiệm vụ tuyên truyền, giúp đỡ họ trong đời sống. Quyên đùa: “Cứ có dịp trò chuyện là các cán bộ thường tranh thủ đóng vai cán bộ tuyên truyền để làm công tác tư tưởng cho dân bản ngay”.
NHCSXH đã hoạt động được 14 năm tại Mù Căng Chải. Là cán hộ thế hệ đầu tiên của ngân hàng, Tú Quyên thừa nhận, mình rất yêu quý công việc này. Trong suốt 14 năm qua, đã có những câu chuyện, những kỷ niệm ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng nữ cán bộ trẻ.
Đỗ Tú Quyên đã đạt giải Ba cuộc thi Công đoàn Việt Nam 80 năm một chặng đường (2009); giải Nhì cuộc thi tìm hiểu Ngân hàng Nhà nước 60 năm xây dựng và phát triển (2011); giải Nhất cuộc thi tìm hiểu Ngân hàng Việt Nam 65 năm xây dựng và phát triển (2016),… |
Quyên còn nhớ, năm 2009, cô tới xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải làm việc thì gặp một hộ gia đình người dân tộc Mông, tuy nhà nghèo và đông con, nhưng họ có thể cho cả 6 người con đi học, điều này đã gây ấn tượng cho cô ngay lần đầu tiếp xúc.
Một lần khác, xuống gặp gỡ các hộ gia đình vay vốn xã Chế Tạo, Quyên để ý một cô bé cứ nhìn lén mình cả buổi. Đó là cô con gái út của hộ gia đình nọ. Quyên bồi hồi: “Tôi nói chuyện với cô bé ấy khá lâu. Cái ánh mắt khao khát và câu chuyện ngày hôm đó với cô bé, tôi vẫn còn nhớ”. Cô bé tâm sự, mình có ước muốn trở thành cán bộ giống như Quyên, để tự chủ được bản thân, lo được cho gia đình, cô bé muốn có quyền bình đẳng và thay đổi cách sống phụ thuộc mà phụ nữ Mông đã sống bao đời này. Với ánh mắt chan chứa đầy khát vọng, cô bé kiên định nói: “Cháu không bỏ học đâu. Cháu sẽ học thật tốt, sẽ học đến bao giờ không thể học được nữa thì thôi”.
Nữ cán bộ trẻ tâm sự: “Mình làm cái nghề này cũng có những vất vả đặc thù thế nhưng những tình cảm ấm áp của đồng bào DTTS, những số phận vất vả mà mình từng thấy, cả những ước mong to lớn rất cảm động đó đều khiến cho mình rất yêu công việc của mình. Vì công việc này cho mình cơ hội được chia sẻ với họ. Giúp đỡ được nhiều người, đây là điều ý nghĩa nhất trong công việc của mình”.
Bài và ảnh Thái Hòa
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Tỷ phú nơi vùng cao
- » Thoát nghèo nhờ nguồn vốn ưu đãi
- » Vốn nhỏ cho gia tài lớn
- » Người Tổ trưởng hết lòng vì tổ viên
- » Vươn lên thoát nghèo từ đồng vốn chính sách
- » Vượt lên số phận
- » Nên cơ nghiệp từ vốn vay ưu đãi trên mảnh đất chè
- » Động lực cho người trẻ tạo lập gia trại
- » Chàng trai dân tộc Dao dám nghĩ, dám làm
- » Nữ Tổ trưởng tận tâm với công tác giảm nghèo