Vươn lên thoát nghèo từ đồng vốn chính sách

14/02/2017
(VBSP News) “Nuôi được 2 con tốt nghiệp đại học, lại có nguồn thu ổn định từ mô hình chăn nuôi thỏ, vợ chồng tôi bảo đó là nhờ có sự tiếp sức của các chính sách mà Đảng, Nhà nước ban hành, trong đó hiệu quả nhất phải kể đến nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH”, anh Ma Xuân Dương ở xóm Ao Sen, xã Động Đạt, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tâm sự.

Vợ chồng anh Dương đang chăm sóc đàn thỏ

Vợ chồng anh Dương đang chăm sóc đàn thỏ

Anh Dương nói: “Tôi bị bệnh 10 năm nay nên không làm được việc đồng áng, mọi việc đều do vợ tôi là lao động chính cáng đáng hết”. Chị Hoàng Thị Tươi - vợ anh Dương góp chuyện: “May mà có chính sách cho HSSV nghèo vay vốn đi học, nếu không, gia đình tôi cũng đành để các cháu từ bỏ ước mơ vào đại học”. Lật cuốn Sổ vay vốn của NHCSXH, chị Tươi thông tin, số tiền vay cho 2 cháu đi học là 71 triệu đồng. Mới đây, gia đình đã trả được 10 triệu đồng. Nói rồi, chị Tươi khoe với chúng tôi, cháu đầu học Đại học Nông lâm Thái Nguyên, còn cháu thứ 2 học Đại học Luật Hà Nội. Cả 2 cháu tốt nghiệp loại giỏi nên sau khi ra trường đã xin được việc làm luôn. Có việc làm và thu nhập ổn định nên các cháu bảo sẽ tự lo trả nợ trong năm nay. Riêng cháu thứ 2 do chưa có gia đình nên thỉnh thoảng lại gửi tiền về hỗ trợ bố mẹ nuôi em út ăn học.

Câu chuyện mà vợ chồng anh Dương kể về các con khiến chúng tôi ngưỡng mộ bởi sự vượt lên trên hoàn cảnh khó khăn của gia đình, 2 người con đầu của anh chị đều đã giành được nhiều thành tích cao trong học tập cũng như khi ra công tác.

Cùng với câu chuyện về các con thì chuyện làm mô hình chăn nuôi thỏ của vợ chồng chị Tươi cũng khiến chúng tôi bị cuốn hút. Anh Dương kể: Sau khi cháu đầu ra trường và có công việc ổn định, năm 2014, gia đình tôi đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo và chuyển sang hộ cận nghèo. Lúc này, mặc dù vẫn phải vay vốn để nuôi cháu thứ 2 ăn học nhưng gánh nặng đã giảm đi phần nào và vì thế, chúng tôi có tâm trí và dồn lực để lo làm kinh tế. Qua tìm hiểu và nghe bạn bè tư vấn, giữa năm 2015, vợ chồng tôi làm chuồng trại để chăn nuôi thỏ. Để có vốn, vợ chồng tôi mạnh dạn vay 50 triệu đồng của NHCSXH huyện, rồi trên cơ sở đó vay mượn thêm của anh chị em trong gia đình và bán một ít đất. Tính ra, tổng vốn đầu tư khoảng trên 150 triệu đồng. Sau gần 1 năm đầu tư chuồng trại và tìm nguồn giống, nơi tiêu thụ, bắt đầu từ tháng 5/2016, gia đình tôi mua về 37 con thỏ mẹ. Sau khoảng 4 tháng, lứa thỏ con đầu tiên ra đời. Trung bình mỗi năm thỏ sinh sản từ 6 - 7 lứa. Thỏ con sau khi nuôi 3 tháng thì được xuất bán, có trọng lượng trung bình trên 2kg, với giá 180 nghìn đồng/con. Những con thỏ phát triển khỏe mạnh sẽ được giữ lại để gây giống. Hiện, gia đình tôi có 100 con thỏ cái và 20 con thỏ đực bố mẹ.

Bắt đầu từ tháng 2 này, cứ trên dưới một tháng, vợ chồng chị lại có thể xuất bán trên dưới 200 con/lần. Chị Tươi bảo: “Hàng rào và chiếc máy giặt ấy có tổng trị giá 20 triệu đồng đều nhờ từ chăn nuôi thỏ. Với nguồn thu ổn định từ chăn nuôi thỏ, tôi tin gia đình sẽ sớm thoát khỏi hộ cận nghèo và không phải lo lắng về khoản nợ 50 triệu đồng của ngân hàng khi đến hạn vào năm 2018”.

Chia tay chúng tôi, vợ chồng anh Dương khẳng định: “Gia đình tôi có được ngày hôm nay là nhờ NHCSXH. Chúng tôi luôn nhắc nhở các con cố gắng để trở thành người có ích cho xã hội”.

Bài và ảnh Thu Hằng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác