Nghị lực vượt khó ở Thuận Thành

28/09/2016
(VBSP News) Về thôn Lam Cầu, xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) chúng tôi được giới thiệu đến thăm và gặp gỡ gia đình ông Hồ Văn Sự - một điển hình vượt lên bệnh tật, quyết tâm vươn lên thoát nghèo bằng nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi của Chính phủ thông qua NHCSXH.

Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh loạn lạc, gia đình ông gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn. Trưởng thành, ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Dậu. Sau đó, 6 người con lần lượt ra đời, nhưng trong đó một người con của ông bà bị bệnh tâm thần phân liệt từ nhỏ. Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng vốn là người cần cù, chịu khó, lại được trời phú cho đôi bàn tay khéo léo, ông Sự đã trở thành một nghệ nhân có tiếng trong vùng chuyên đắp tượng, linh vật ở các đình, chùa. Ông vừa kết hợp làm nghề, làm ruộng, cùng vợ chắt chiu nuôi 6 người con trưởng thành. Trong đó, 3 người con của ông bà công tác tại cơ quan Nhà nước.

Cuộc sống như vậy cũng xem là tạm hài lòng, nhưng trớ trêu thay, năm 2005 ông Sự bị tai biến liệt nửa người, sinh hoạt hàng ngày cũng phải cần người nhà giúp đỡ. Bế tắc, nhiều lúc ông nghĩ “có lẽ mình nghèo đến chết”. Tuy nhiên, càng khó khăn ông càng cố gắng vươn lên, quyết tâm rèn luyện nâng cao sức khoẻ và không để mình thành gánh nặng cho gia đình. Được Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Hồ Thị The tuyên truyền, năm 2011 ông vay 15 triệu đồng nguốn vốn tín dụng hộ nghèo tại NHCSXH huyện Thuận Thành tiếp tục làm nghề. Để đồng vốn sinh lời, ông đã phải dày công luyện tập cánh tay trái của mình trở thành cánh tay tài hoa thay thế tay phải đã bị liệt. Nhờ chịu khó, ông vẫn cho ra các sản phẩm chất lượng và bắt đầu có thu nhập từ vốn vay. Song dù yêu nghề nhưng sức khoẻ của ông không cho phép, vì nghề này bắt ông phải ngồi hàng giờ mỗi ngày và làm chân tay ông càng đau nhức. Không nản chí, ông Sự dành thời gian truyền nghề cho con trai thứ hai và nghĩ cách khác cho mình.

Năm 2013, đến hạn trả nợ, ông thanh toán đầy đủ cho NHCSXH huyện và đề nghị tiếp tục vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay hộ nghèo. Lần này, có vốn, ông đầu tư sửa sang chuồng trại cũ của gia đình, mua 2 con lợn nái và đàn gà 40 con. Hàng ngày, người làng vẫn thấy ông chống gậy xách từng xô cám, hái rau, băm bèo nuôi lợn. Ai cũng ái ngại khuyên ông nghỉ ngơi, nhưng ông nghĩ phải lao động sức khỏe mới dẻo dai, càng làm càng thấy bản thân có ích hơn. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ tiếp tục phát huy hiệu quả. Năm 2015, gia đình ông thoát khỏi danh sách hộ nghèo.

Ông Sự cho biết: “Gia đình vừa xuất lứa lợn 15 con và vài chục con gà. Hai năm nay, bình quân mỗi năm gia đình tôi xuất chuồng 40 lợn bột và vài trăm con gà, trừ chi phí cũng thu lãi bình quân khoảng 50 triệu đồng. Nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua NHCSXH đúng là có ý nghĩa to lớn. Không có nguồn vốn này, có lẽ gia đình tôi vẫn là hộ nghèo, mà đặc biệt là sức khoẻ tôi không được như bây giờ. Hạnh phúc hơn nữa khi con trai tôi giờ đã nối tiếp nghề bố, cũng trở thành nghệ nhân đình làng có tiếng. Giờ con cháu cũng ổn định, tôi yên tâm lắm ”.

Ở xã Hoài Thượng không chỉ có gia đình ông Sự được vay vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế mà còn rất nhiều hộ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi thông qua NHCSXH đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế khá.

Bà Hồ Thị The - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Lam Cầu cho hay: “Hiện nay, tổ có 51 thành viên, với dư nợ là hơn 1 tỷ đồng, nhưng không có nợ quá hạn. Gần 10 năm làm Tổ trưởng, tôi thực hiện tốt công tác hướng dẫn tổ viên sử dụng vốn vay, cũng như thu - nộp lãi đầy đủ và vận động được nhiều người tham gia gửi tiền tiết kiệm”.

Bản thân bà The cũng là một tấm gương vượt khó làm kinh tế ở thôn Lam Cầu. Nhờ được vay vốn chính sách, biết cách làm ăn đến nay, gia đình bà có 2 dãy chuồng trại được quy hoạch bài bản với 8 lợn nái và thường xuyên nuôi 30 đến 40 lợn bột. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu lợi nhuận từ 150 đến 200 triệu đồng.

Giám đốc NHCSXH huyện Thuận Thành, Vũ Khánh Hứng chia sẻ, Hoài Thượng là xã đông dân, có dư nợ tín dụng uỷ thác cao, nhưng chất lượng tín dụng rất tốt, nguồn vốn được bà con sử dụng đạt hiệu quả cao. Có được kết quả trên, đó là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng uỷ, UBND và các tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác xã Hoài Thượng và những gương điển hình vay vốn như ông Sự.

Khánh Phương

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác