Chàng trai dân tộc Dao dám nghĩ, dám làm

16/11/2016
(VPSB News) Với đức tính cần cù, chịu khó và dám nghĩ, dám làm, anh Phồng Cù Khé, sinh năm 1988, người dân tộc Dao ở bản Lao Lử Đề, xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) mạnh dạn vay vốn chính sách, tích cực học hỏi, không ngừng sáng tạo, ứng dụng tiến bộ KHKT vào chăn nuôi, trở thành hộ giàu của địa phương.
Đàn lợn của gia đình anh Phồng Cù Khé được đầu tư từ vốn chính sách

Đàn lợn của gia đình anh Phồng Cù Khé được đầu tư từ vốn chính sách

Là con trai út trong gia đình nghèo, có 7 anh chị em, trước đây cuộc sống của cả gia đình anh Khé chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Năm 20 tuổi, anh xây dựng gia đình, kinh tế lại càng khó khăn hơn khi bố mẹ đã già yếu mà anh em lại đông, ai cũng có gia đình riêng, không đủ ruộng đất để chia nhau. Năm 2009, ra ở riêng với hai bàn tay trắng, “cơm ăn không đủ, áo không đủ mặc”. Không cam chịu số phận, anh Khé quyết tâm vươn lên làm giàu bằng chính đôi tay và sức lực của mình trên mảnh đất “chôn rau cắt rốn”.

Anh Khé chia sẻ: “Nhận thấy tiềm năng từ chăn nuôi, tôi lựa chọn nuôi lợn thịt là hướng đi trong phát triển kinh tế của gia đình. Thiếu vốn tôi bàn với vợ mạnh dạn đăng ký với Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Phụ nữ xã quản lý vay 15 triệu đồng của NHCSXH huyện mua 5 con lợn về nuôi. Ban đầu gia đình chỉ biết lấy rau rừng và mua ngô làm thức ăn cho lợn, chuồng trại thì nhỏ nên cho thu nhập không cao, trừ chi phí, năm đó thu về trên 10 triệu đồng”.

Tiếp tục với kế hoạch làm giàu từ chăn nuôi, anh dùng số tiền lời từ bán lợn để mua giống lợn đen địa phương về nuôi. Nhưng vấn đề làm anh Khé phải suy nghĩ là làm cách nào để có thể giảm bớt gánh nặng về chăm sóc, lượng thức ăn và cách phòng chống dịch bệnh cho lợn. “Đứng trước khó khăn đó, tôi thức trắng đêm để suy nghĩ, cuối cùng tôi chọn cách đầu tư mua ngô về nấu rượu. Rượu có thể bán đem lại thêm nguồn thu cho gia đình, bỗng rượu là thức ăn giàu chất dinh dưỡng cho lợn nên sẽ giảm được chi phí về thức ăn chăn nuôi”, anh Khé cho biết thêm. Đến nay, gia đình anh đã phát triển mạnh nghề nấu rượu, trung bình 1 tháng bán ra thị trường gần 400 lít, với giá khoảng 20 nghìn đồng/lít, trừ chi phí, mỗi năm thu về gần 40 triệu đồng.

Anh Khé gia cố và mở rộng chuồng trại; chủ động tiêm phòng; thường xuyên vệ sinh chuồng trại; giữ ấm cho lợn vào mùa đông… để tránh trường hợp lợn bị dịch bệnh và chết rét. Nhờ đó, đàn lợn của gia đình phát triển khỏe mạnh, hạn chế được dịch bệnh. Với cách nuôi trung bình khoảng 20 con/lứa, mỗi lần bán 6 - 7 con, bán xong lứa này lại mua tiếp lứa khác về nuôi gối vào lứa trước, vì vậy lúc nào anh cũng có lợn để bán. Do lợn nuôi không sử dụng cám tăng trọng nên được các thương lái rất ưa chuộng mà giá thành cũng cao hơn lợn dưới xuôi, điều đó chính là “chìa khóa thành công” của anh Khé. Từ đầu năm đến nay gia đình anh đã xuất bán 5 lứa lợn, trừ chi phí thu về 80 triệu đồng. Hiện, còn gần 20 con lợn, từ nay đến tết bán tiếp 2 lứa.

Không chỉ nuôi lợn, nấu rượu, anh Khé còn trồng hơn 3.000m2 lúa, mỗi năm thu trên 1,5 tấn thóc/vụ. Anh đang tiến hành đào ao để nuôi thả cá. Để có nước phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu cho đồng ruộng, ao cá và vệ sinh chuồng trại, anh Khé đầu tư hơn 7 triệu đồng cùng anh em trong bản làm đường dẫn nước từ khe nước đầu bản (cách nhà anh trên 400m) về. Nhờ đó, người dân quanh nhà anh ai cũng có nước sử dụng, không phải đi xa lấy như trước nữa. Từ mô hình kinh tế tổng hợp, thu nhập bình quân mỗi năm của gia đình trên 120 triệu đồng, nhờ đó gia đình đã trả hết nợ ngân hàng, trở thành hộ khá trong xã; được UBND huyện, xã tặng Giấy khen hộ SXKD giỏi nhiều năm liền.

Ngoài phát triển kinh tế gia đình, anh còn chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, giúp đỡ bà con trong bản cùng phát triển kinh tế; tích cực tham gia các hoạt động xã hội của địa phương.

Bài và ảnh Vương Trang

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác