Vốn nhỏ cho gia tài lớn

28/03/2017
(VBSP News) “Đồng vốn chính sách đã tái sinh ra tôi và mang lại cho các con tôi một tương lai không thể tốt hơn. Chúng tôi chỉ học hết lớp 3, lớp 7 nhưng hai con gái, một đã là kỹ sư nông nghiệp, một là luật sư, đều có việc làm ổn định. Đây là gia tài lớn nhất của chúng tôi và tất cả đều do những đồng vốn chính sách cưu mang, nuôi dưỡng mà thành!”, CCB người Tày Ma Văn Dương ở xóm Ao Sen, xã Động Đạt, Phú Lương (Thái Nguyên) tự hào chia sẻ.

CCB Ma Xuân Dương (bên trái) giới thiệu khu chăn nuôi thỏ thịt

CCB Ma Xuân Dương (bên trái) giới thiệu khu chăn nuôi thỏ thịt

Từ ý tưởng của con gái

“Nhà nghèo nhưng tôi lại mắc bệnh của nhà giàu - bệnh tiểu đường!”, anh Ma Văn Dương vừa hái ổi mời chúng tôi vừa giải thích cho cái dáng ốm nhom, răng lợi thì “chín sáu ba không” của mình. Quả thật, thoạt nhìn, không ai nghĩ anh mới vừa bước vào tuổi 53. Bệnh tật và sự vất vả, bươn chải khiến anh và cả người bạn đời của mình già hơn nhiều so với tuổi thật. Song, trong ánh mắt họ, niềm hạnh phúc, tự hào về thành quả của chuỗi ngày lao động vất vả như chực vỡ òa. Trong ngôi nhà lá đơn sơ, những tấm Bằng khen của nhà trường, của thành phố và của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình dành tặng cho hai cô con gái: Ma Thanh Chúc và Ma Thị Thơm vì đã đạt thành tích xuất sắc trong học tập được treo ngay ngắn ở những vị trí trang trọng nhất.

“Gia tài ấy, chúng tôi gây dựng không dễ đâu!”, anh Dương chỉ vào những tấm Bằng khen và kể rằng, cũng may, nhờ có 70 triệu đồng từ chương trình HSSV của NHCSXH, hai con gái của anh chị mới có tiền để theo đuổi ước mơ và thành công như ngày hôm nay. Cô con gái lớn Ma Thanh Chúc vì quá thương cha mẹ vất vả và cũng thấm sự thiệt thòi của người không được học hành đến nơi đến chốn nên khi được cha ủng hộ, em đã lao vào học như thể sẽ không bao giờ được học nữa. Chúc đặt quyết tâm, phải học và thi bằng được vào ngành nông nghiệp bởi theo Chúc, nhà nghèo, cái gì cũng thiếu nhưng còn chút đất vườn ông bà để cho, phải biết tận dụng làm kế sinh nhai.

Cuộc sống của cả gia đình như bớt cơ cực hơn bởi niềm tin của cô con gái lớn và những thành tích học tập nổi trội mỗi ngày một dày lên. Cuối năm 2015, niềm vui như được nhân lên gấp bội khi Chúc chính thức tốt nghiệp loại giỏi, trở thành Kỹ sư nông nghiệp và được nhận về làm việc ở Phòng NNo&PTNT huyện Phú Lương. Cũng thời điểm này, ý tưởng về nuôi thỏ sinh sản và thỏ thịt ấp ủ từ ngày ngồi giảng đường Đại học nông nghiệp đã được Chúc truyền lửa cho cha mẹ.

“Lúc đó, chúng tôi đang vay tới 4 chương trình của NHCSXH huyện Phú Lương (nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hộ nghèo, dân tộc thiểu số, HSSV). Tôi nghĩ, nếu nuôi thỏ thất bại thì chắc chỉ có nước chết mới hết nợ. Nhưng chính sự tự tin của con đã thuyết phục tôi. Và đầu năm 2016, cả gia đình bắt đầu cơ nghiệp với 50 thỏ mẹ giống NewZealand trong sự bảo đảm kỹ thuật và thị trường tiêu thụ của kỹ sư nông nghiệp Ma Thanh Chúc; nhà đầu tư: NHCSXH huyện Phú Lương; nhân công ban đầu: 4 thành viên gia đình họ Ma”, CCB Ma Xuân Dương hóm hỉnh giới thiệu.

Đến gia đình thỏ nổi tiếng

Một năm sau ngày đầu tư mạo hiểm, hiện gia đình ông Dương đã có gần 100 thỏ mẹ để gây giống và hơn 1.000 thỏ thịt đang vào kỳ xuất bán. Ông Dương cho biết, nuôi thỏ không khó nhưng đòi hỏi chăm sóc tỉ mỉ và luôn bảo đảm vệ sinh chuồng trại. Thức ăn cho thỏ cũng đơn giản đa phần là rau, cỏ voi… nên không tốn kém. Tuy nhiên, giá trị mà thỏ mang lại không hề nhỏ chút nào, tương đương nuôi lợn. Vả lại, thịt thỏ có thị trường ổn định, giữ giá và ít dịch bệnh hơn nuôi lợn nên người nuôi ít chịu rủi ro hơn. Hiện với 1.000 thỏ thịt, mỗi con nặng từ 2 - 2,2kg; giá bán 100 nghìn đồng/kg, ước tính cũng mang lại cho gia đình ông Dương doanh thu trên 200 triệu đồng/năm.

Thịt thỏ của gia đình ông Dương chủ yếu tiêu thụ ở thị trường Bắc Ninh và Ninh Bình. Do thịt dai, ngon nên đơn đặt hàng ngày càng nhiều. Để kịp đáp ứng nhu cầu thị trường ông Dương kêu gọi một số bà con trong thôn và vài xã lân cận nuôi thỏ thịt. Bước đầu ông Dương cung cấp con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và nhận bao tiêu sản phẩm cho bà con. Với cách làm năng động đó, ông Dương giữ được mối tiêu thụ và tạo điều kiện cho nhiều gia đình phát triển chăn nuôi thỏ ổn định.

Chia sẻ thêm về tấm gương sử dụng vốn vay ưu đãi Ma Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Động Đạt Nguyễn Trung Thu cho biết, ông Dương không chỉ điển hình trong sử dụng vốn vay, làm ăn hiệu quả mà còn là người biết chia sẻ với người nghèo, khó khăn trên địa bàn. Không giấu nghề, ông Dương luôn hết mình chỉ dẫn cách chăm, nuôi thỏ cho bà con trong xóm, xã thậm chí cho cả những người không quen biết từ huyện Na Rì (Bắc Kạn) sang học tập kinh nghiệm nuôi thỏ.

Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Thái Nguyên Lê Văn Hồng cũng khẳng định, nguồn vốn chính sách luôn đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Riêng đối với hộ như ông Ma Xuân Dương, NHCSXH tỉnh luôn sẵn sàng và tạo mọi điều kiện tốt nhất để mở rộng sản xuất, trở thành tấm gương về nỗ lực thoát nghèo trong cộng đồng.

Bài và ảnh Thái Bình

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác