Tổ tiết kiệm và vay vốn không có nợ quá hạn

07/07/2017
(VBSP News) “Không có nợ quá hạn, không tồn đọng tiền lãi, không xâm tiêu và không vay ké” là bốn tiêu chí mà Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Tân Dân, TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã duy trì trong nhiều năm qua. Kết quả này có phần đóng góp không nhỏ của Tổ trưởng Lê Thị Huệ.

Tổ trưởng Lê Thị Huệ (áo đỏ) giới thiệu về các giống xoài trong một buổi sinh hoạt của Tổ tiết kiệm và vay vốn

Tổ trưởng Lê Thị Huệ (áo đỏ) giới thiệu về các giống xoài trong một buổi sinh hoạt của Tổ tiết kiệm và vay vốn

“Chồng ư? ông ấy cũng phải xếp sau!”

Đã xế chiều, con đường nhỏ dẫn vào nhà Tổ trưởng Lê Thị Huệ vẫn tấp nập người. Nam có, nữ có, trẻ có và lục tuần tuổi cũng có. Ai nấy đều hân hoan như thể vừa trúng vụ lớn. Hóa ra, hôm nay là ngày sinh hoạt định kỳ của Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Thấy chúng tôi băn khoăn, vì sao tổ lại họp vào cái giờ mà lẽ ra các gia đình phải sum vầy chuẩn bị cho bữa tối, bà Huệ vội giải thích: Chúng tôi quen rồi, giờ này, bà con mới có thời gian để dự họp đông đủ. Còn nhà tôi, tuy các cháu đã ở riêng nhưng mọi việc đã có ông ấy (bà Huệ chỉ vào chồng) lo tất!

- Chú chỉ giúp cô vào những hôm họp thôi phải không?

- Bà Huệ hóm hỉnh: Không đâu, việc nhà đều do một tay ông ấy quản đấy!

- Vậy, cô không sợ chú giận?

- Ôi, đã trót mang cái nghiệp nhận ủy thác vào thân, lại còn nhận nhiệm vụ trước Đảng bộ của xã, nên nhiều khi ông ấy cũng phải xếp sau bà con!…

Có lẽ đây cũng là những lời giải cho câu hỏi, vì sao ấp Tân Dân vốn rất nghèo mà chỉ sau thời gian ngắn, đã trỗi dậy đầy sinh lực!

Bà Huệ cho biết, làm Bí thư ấp đã từ lâu, nhưng phải đến năm 2011, bà mới chợt nhận ra giá trị của những khoản vay nhỏ từ NHCSXH và tin tưởng đây sẽ là chìa khóa giúp cho người nghèo trong ấp thoát nghèo. “Nếu dân mình trình độ chưa cao - thì thủ tục của NHCSXH lại vô cùng đơn giản; dân mình nghèo - NHCSXH lại không cần tài sản thế chấp… Với bấy nhiêu đó, tôi nói với chồng: “Hãy để em tham gia và dẫn dòng vốn vàng về cho bà con!”, bà Huệ kể.

Thế rồi, mỗi ngày từ 5 giờ sáng, bà Huệ đã ra khỏi nhà và làm việc cật lực trong cả 3 vai trò: Bí thư, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, tuyên truyền viên, thậm chí hiện nay còn kiêm thêm vai trò hướng kỹ thuật trồng xoài VietGap cho bà con. Bởi thế, mọi khó khăn của từng người trong tổ, bà đều tường tận và cùng chính quyền tháo gỡ kịp thời.

Trường hợp của chị Trần Thị Nga là một ví dụ. Vài năm trước, trong một lần tới thăm, bà Huệ biết được chị Nga chuẩn bị vay tín dụng đen để lấy tiền nuôi lợn, Bà đã phân tích, giới thiệu và hướng dẫn chị đến với nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH. Kết quả, từ chỗ tay trắng, nghèo cơ cực, nay chị Nga đã trở thành hộ khá trong ấp, thu nhập gần 120 triệu đồng/năm. Hai người con, cũng nhờ đồng vốn NHCSXH đã tốt nghiệp đại học.

Xứ xoài nói không nợ quá hạn

Nếu NHCSXH không cho vay thì dù cố gắng, bà con ấp Tân Dân cũng khó thoát nghèo bền vững. Hiện, 98% số hộ trong ấp đều có vườn xoài. Người ít cũng sở hữu 4.000m2, nhiều tới 40.000m2. Bà con chỉ mong, NHCSXH luôn đồng hành với ấp Tân Dân; xem xét, điều chỉnh mức vay lên cao hơn để bà con có điều kiện bứt phá mạnh hơn nữa.

Cứ nhìn cách sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn của các nông tri điền sẽ thấy, ấp Tân Dân sẽ không có nợ quá hạn. Bởi lẽ, đó không đơn thuần là một buổi thông báo về tình hình thu lãi, gửi tiết kiệm hay nợ đến hạn mà đó còn là buổi để Bí thư chi bộ kiêm Tổ trưởng Lê Thị Huệ triển khai các chuyên đề về bảo vệ sức khỏe như phòng chống dịch sốt xuất huyết hay các văn bản của cấp trên về xuất khẩu lao động… Đặc biệt hơn, nó giống như một buổi trưng bày, giới thiệu về các giống xoài ngon nhất của Việt Nam, của Thái Lan, Đài Loan và của Australia.

Bên ấm trà thảo mộc mát dịu và những trái xoài thơm phức, mọi thuận lợi, khó khăn trong chăm sóc, bảo quản và cả việc buôn bán xoài hiện tại cũng như dự kiến tình hình thị trường thu mua xoài trong thời gian tới đều được bà con chia sẻ với nhau. Những kỹ thuật trồng, bao trái, chăm sóc xoài mới nhất đều được chia sẻ. Bởi, theo bà con ấp Tân Dân, xoài cũng có tính đồng đội cao lắm, một cây bị bệnh, là cả vườn bị theo; một vườn bị bệnh thì cả vùng này sẽ bệnh hết. “Vì vậy, chúng tôi phải cùng nhau trồng, cùng nhau bảo vệ để xứng là thủ phủ của vựa xoài lớn nhất, ngon nhất Việt Nam  - Xoài Tân Dân, Cao Lãnh”, ông Sáu - tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Tân Dân nói.

Quả là trăm nghe không bằng một thấy! Xoài được trồng dọc hai lối đi, xoài bạt ngàn giữa đất trời Tân Dân, xoài lúc lỉu trước mỗi hiên nhà và đầy ắp trên từng chuyến xe tải nối đuôi nhau tỏa đi khắp mọi miền đất nước. Có lẽ, ngoài những gì trời đất đã ban tặng cho bà con nơi đây thì sự đoàn kết, cần cù, chịu khó của bà con trong ấp; sự lăn xả đầy trách nhiệm của cán bộ, chính quyền địa phương mà trong đó có những cán bộ như bà Lê Thị Huệ là những lý do đưa Tân Dân liên tục 8 năm liền là ấp văn hóa tiêu biểu; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn chưa đầy 2%. Cả ấp có gần 600 hộ dân thì hộ khá, giàu chiếm tới 87%.

Chia tay người Tổ trưởng đôn hậu, mặn mà Lê Thị Huệ, chúng tôi chợt nhớ đến câu ca: Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh/Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân. Câu ca dao quen thuộc ở miền Tây như minh chứng cho con người và sản vật ven sông Tiền - Đồng Tháp, một vùng quê Anh hùng, trù phú được thiên nhiên ưu đãi, bù đắp phù sa và nước ngọt quanh năm.

Bài và ảnh Bình Nhi

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác