Những cán bộ tận tâm vì người nghèo

22/09/2017
(VBSP News) Theo chân các cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Chiêm Hóa tới những bản, làng vùng sâu, vùng xa của tỉnh Tuyên Quang mới cảm nhận hết được những khó khăn, vất vả của họ để đưa nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Cán bộ tín dụng Nguyễn Ngọc Sơn (thứ 2 từ trái sang) đang hướng dẫn bà con làm thủ tục vay vốn

Cán bộ tín dụng Nguyễn Ngọc Sơn (thứ 2 từ trái sang) đang hướng dẫn bà con làm thủ tục vay vốn

Mới 6 giờ sáng, những cán bộ tín dụng của NHCSXH huyện đã lên đường tới xã Bình Phú. Đây là xã khó khăn của huyện Chiêm Hóa, xa trung tâm huyện tới 30km. Anh Nguyễn Ngọc Sơn - Tổ trưởng Tổ tín dụng NHCSXH huyện Chiêm Hóa nóng lòng đến với người dân vùng đất khó này. Sau hơn 1 giờ đồng hồ vượt dốc, chiếc xe quen thuộc của ngân hàng chở chúng tôi đến trung tâm xã. Tại đây, người dân đã đến và đang chờ cán bộ để giao dịch.

Vừa thấy anh Sơn, một thanh niên tiến lại gần hồ hởi: “Cán bộ à, trâu nhà tôi đẻ được 2 con rồi, cả đàn trâu đều béo múp, khỏe, đẹp lắm. Đợi nghé lớn, tôi bán là trả được tiền cho Nhà nước rồi”. Anh Sơn giới thiệu với chúng tôi đó là anh Nông Văn Hải, một hộ gia đình nghèo trong xã được vay 50 triệu đồng năm 2016 để nuôi trâu sinh sản. Ngoài nguồn vốn vay, anh Hải còn bỏ thêm tiền tiết kiệm của gia đình mua tận 4 con trâu. Nguồn vốn ưu đãi đã giúp gia đình anh Hải có điều kiện đẩy mạnh phát triển kinh tế, phấn đấu thoát nghèo.

Anh Sơn tâm sự: “Tôi làm cán bộ tín dụng được gần 9 năm, phụ trách 4 xã, trong đó có Bình Phú còn nhiều khó khăn, đi đến thôn, bản, nhiều khi phải nhờ dân khênh xe qua suối. Nếu đến thôn Khau Hán phải men theo đường mòn nhỏ quanh vách núi, dốc cứ thẳng đứng như đi… lên trời, tay lái non là chịu. Thế nhưng, tôi thấy hạnh phúc khi được đem nguồn vốn đến đồng bào DTTS. Xã Bình Phú hiện có 13 Tổ tiết kiệm và vay vốn, thực hiện 7 chương trình tín dụng ưu đãi, tổng dư nợ 7,3 tỷ đồng cho 357 hộ vay. Nguồn vốn như chiếc cần câu giúp người nghèo và các đối tượng chính sách câu được con cá thoát nghèo bền vững”.

Anh Tô Mạnh Tùng, một cán bộ tín dụng trẻ mới nhận nhiệm vụ tại NHCSXH huyện Lâm Bình chia sẻ, vấn đề đường sá đi lại khó khăn thì khỏi nói rồi, vì ở đây địa hình đồi núi, nhà lại ở cách xa nhau, việc đi đôn đốc, thu nợ chủ yếu là đi bộ, đến một lần không gặp thì lại đến lần 2, lần 3… Có nhiều thôn, bản với nhiều cái không: Không đường, không điện, không sóng điện thoại… thì việc người dân phát huy hiệu quả nguồn vốn cần cả một quá trình, nên cán bộ được phân công phụ trách phần lớn đều trẻ, khỏe để dễ bề “cắm bản”. Sau 7 năm lặn lội với người dân các xã Phúc Yên, Thổ Bình, Hồng Quang, các chương trình tín dụng của anh Tùng đều đạt kế hoạch, dư nợ cao và đặc biệt là không có nợ quá hạn. Tổng dư nợ 3 xã anh phụ trách là 71,5 tỷ đồng, có 51 Tổ tiết kiệm và vay vốn, tiền gửi tiết kiệm là 680 triệu đồng.

Anh Hà Tuấn Minh, cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Sơn Dương gắn bó với công việc được 14 năm và luôn tận tâm với người nghèo. Anh bộc bạch rằng: “Niềm vui lớn nhất của tôi là thấy hộ vay làm ăn hiệu quả, từng bước thoát nghèo, cải thiện đời sống, giúp họ thay đổi tư duy và làm ăn”. Anh Minh phụ trách các xã Văn Phú, Phúc Ứng, Hồng Lạc, Vân Sơn, Bình Yên từ năm 2009 đến nay. Sau nhiều năm sâu sát cơ sở, anh Minh cùng chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể xã xây dựng phương án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, thông báo nợ đến hạn, đánh giá khả năng trả nợ của hộ vay, chủ động trong việc thu hồi nợ, không để nợ quá hạn phát sinh… Nhờ vậy, tỷ lệ thu nợ, thu lãi tồn trên địa bàn anh quản lý đạt cao.

Chuyến đi cùng những cán bộ tín dụng chính sách đến với những thôn, bản vùng sâu, vùng xa càng khiến tôi chợt nhớ lại bài hát “Em đi làm tín dụng” của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý “Ơ…, sương đêm chưa tan và bước chân cán bộ đã lên đường/Trải mấy năm qua em đi làm tín dụng…/Em mang tiền Chính phủ cho bản làng vay đủ…”. Những bước chân ấy vẫn miệt mài đến với bản làng xa xôi giúp người nghèo xua đi nghèo đói, lạc hậu…    

Bài và ảnh Thanh Hương

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác