Mang ấm no cho người nghèo

25/09/2017
(VBSP News) Với mục tiêu hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, trong 15 năm qua, NHCSXH tỉnh Thanh Hóa đã triển khai tốt các chính sách tín dụng ưu đãi, giúp nhiều hộ gia đình có thêm vốn phát triển SXKD, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống...

Hiệu quả từ đồng vốn vay

Hiệu quả từ đồng vốn vay

Dù đã có hẹn theo xe đi giải ngân và thu lãi tín dụng ưu đãi ở xã Pù Nhi, huyện Mường Lát nhưng khi chúng tôi lên đến nơi, dù mới chưa đến 6 giờ sáng nhưng xe chuyên dụng đã đi từ sớm cho kịp giờ giao dịch với đồng bào, Giám đốc NHCSXH Mường Lát Trần Minh Hoàng cho biết: “Hôm nay, giải ngân và thu lãi các xã vùng biên giới, sáng ở xã Pù Nhi, chiều ở xã Mường Chanh. Thế bây giờ đồng chí có đi nữa không?”, tôi trả lời: “Có chứ,…”, và rồi tôi khoác túi, theo chân cán bộ tín dụng trẻ Trần Hồng Ngọc, trên đường Ngọc tâm sự: “Là huyện biên giới miền núi cao của tỉnh, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa đến gần 300km. Do vậy, Mường Lát vẫn còn nhiều thôn, bản rất khó khăn, từ trung tâm huyện để xuống xã, địa hình đồi núi, khe suối rất phức tạp, nhiều khi để đến từng thôn, bản họp Tổ tiết kiệm vay vốn phải nhờ dân bản khênh xe qua suối, còn mình thì đi bộ theo họ. Nhiều bản cách trung tâm huyện đến hơn 40km, đường đi vào rất khó khăn, trời nắng đi còn vất vả, nhưng trời mưa thì chịu, không vào được, hoặc vào rồi lại không thể ra. Thế nhưng, mỗi cán bộ NHCSXH đều cảm thấy hạnh phúc khi được đem “cần câu” để đồng bào DTTS câu được “con cá” thoát nghèo bền vững…”.

Lần này về các địa phương của huyện Mường Lát, chúng tôi được ông Hơ Chung Chinh, người Mông ở Bản Cơm, xã Pù Nhi cho biết: Trước kia nhà ông là hộ nghèo, nhờ vốn vay của NHCSXH mà nay đã thoát nghèo, xây được nhà ở kiên cố, còn là điển hình về phát triển kinh tế tại địa phương. Được biết, năm 2005, cả gia đình ông vẫn ở trong một túp lều tranh vách nứa, sống trong cảnh “vườn không nhà trống”. Hội Nông dân đứng ra nhận giúp đỡ gia đình ông Chinh với mục tiêu là: giảm nghèo, có cuộc sống ổn định. Năm 2010, thông qua ủy thác, ông được NHCSXH huyện Mường Lát cho vay 30 triệu đồng để đầu tư phát triển chăn nuôi. Bên cạnh đó, mỗi khi có lớp chuyển giao KHKT, cán bộ tín dụng NHCSXH, Hội Nông dân thông báo cho ông Chinh đi dự, tham quan các mô hình kinh tế giỏi ngay trong xã. Vậy là cùng một lúc gia đình ông Chinh được cả hai, “con cá” (đồng vốn) và cái cần câu (cách làm ăn). Sau hai năm chăm chỉ làm ăn, gia đình ông chinh đã thoát nghèo, trả vốn vay cho ngân hàng. Năm 2015, ông tiếp tục được NHCSXH huyện Mường Lát tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng chương trình SXKD vùng khó khăn đầu tư chăn nuôi. Hiện nay nhà ông có 2ha rừng trồng và 15 con bò kết hợp với chăn nuôi gà, vịt, mỗi năm cho thu nhập hơn 50 triệu đồng.

Nguồn vốn vay ưu đãi đã tạo điều kiện cho mọi đối tượng ở mọi vùng miền, phát triển sản xuất, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tôi đem những câu chuyện mắt thấy tai nghe về những hộ nông dân nghèo nay đã thoát nghèo và có hộ chưa hết nghèo kể lại với Giám đốc NHCSXH tỉnh Thanh Hóa Lê Hữu Quyền. Ông khẳng định: Mục tiêu của NHCSXH là giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Trước khi giải ngân cho hộ nghèo, NHCSXH các huyện phối hợp với các hội, đoàn thể mở các lớp chuyển giao KHKT cho hộ nghèo. Cán bộ ngân hàng đến từng hộ kiểm tra năng lực từ đó định hướng cho hộ đầu tư vốn vay vào cây, con, ngành nghề phù hợp sau đó mới giải ngân. Đây là phương thức đầu tư hiệu quả nhất. Để giúp hộ nghèo nhanh thoát nghèo, không bị tái nghèo phải trao cho họ 3 “cái” cùng một lúc: một là “con cá” (vốn), hai là “cần câu” (cách làm ăn), ba là “cách câu cá”, “chế biến cá” (kỹ năng quản lý, tiêu thụ sản phẩm). Nắm chắc 3 “cái” trên, người nghèo sẽ vượt qua được nghèo.NHCSXH Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2020, 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp. Nguồn vốn và dư nợ tín dụng chính sách tăng trưởng bình quân hằng năm từ 12% - 15%; 100% các khoản nợ khoanh đến hạn trong từng năm đều được thu hồi hoặc xử lý theo chính sách quy định

Tín dụng chính sách của Chính phủ đã được “phủ” đến từng thôn, bản của tỉnh Thanh Hóa thông qua mạng lưới 8.306Tổ tiết kiệm và vay vốn và 635Điểm giao dịch xã. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho gần 790 nghìn hộ nghèo được vay vốn đầu tư vào SXKD, tăng thu nhập; góp phần đưa gần 229 nghìn hộ thoát nghèo; tạo việc làm cho gần 350 nghìn lao động; giúp cho gần 333 nghìn HSSV được vay vốn để trang trải chi phí học tập; xây dựng được 199 nghìn công trình cung cấp nước sạch và 173 nghìn công trình vệ sinh; giúp hộ nghèo xây dựng được hơn 33 nghìn ngôi nhà ở. Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu, đến nay NHCSXH đang triển khai thực hiện 19 chương trình tín dụng ưu đãi cùng nhiều chương trình từ nguồn vốn ủy thác của nước ngoài với tổng dư nợ 8.176 tỷ đồng với gần 282 nghìn hộ đang vay vốn, tăng 7.738 tỷ đồng, gấp 17,8 lần so với năm 2003. Bình quân dư nợ/hộ đã tăng từ 5 triệu đồng/hộ lên 29 triệu đồng/hộ.Tỷ lệ nợ quá hạn giảm từ 7,39% xuống còn 0,2% tổng dư nợ. Có được sự thành công này là do cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm chỉ đạo sâu sát, cán bộ ngân hàng không ngừng nâng cao trình độ và trách nhiệm, tâm huyết phục vụ người dân. Đồng thời có sự giúp sức, cộng tác, thấu hiểu và ủng hộ mạnh mẽ của các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, và đặc biệt, là ý thức trả nợ của những hộ dân được vay vốn.

Những đóng góp kịp thời của NHCSXH tỉnh Thanh Hóa đã giúp nhiều hộ gia đình chiến thắng nghèo khó, phát triển kinh tế. Nhưng hiện vẫn còn nhiều hộ chưa được sử dụng nước sạch, nhiều hộ vẫn cần có tiền để lo cho con em đến trường và rất nhiều những lao động cần tạo việc làm từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ… NHCSXH tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục nỗ lực hành trình thực hiện vai trò của mình trong niềm vinh dự và tự hào. Hành trình đem lại ấm no và hạnh phúc cho từng người dân vẫn là một thách thức lớn trong chặng đường phía trước.

 

Bài và ảnh Khánh Phương

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác