Tín dụng chính sách ở Gia Lai - Vừa là tri kỷ, vừa là sinh kế
Nhận thức “đổi” là đời sống “đổi”
Phóng viên: Cái được lớn nhất 15 năm thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ tại Gia Lai là gì, thưa ông?
Trả lời: Từ 76 tỷ đồng của 02 chương trình tín dụng nhận bàn giao năm 2002, đến nay, sau 15 năm con số này đã lên tới 3.730 tỷ đồng với 13 chương trình và trên 141 nghìn hộ vay. Quy mô tăng trưởng vốn vay gấp hơn 43 lần so với cuối năm 2002. Riêng 3 chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chiếm 59% tổng dư nợ, trở thành các chương trình giảm nghèo có tầm ảnh hưởng lớn và lấp đầy khoảng trống chính sách, bảo đảm cho hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Từ nguồn vốn này, đã hỗ trợ cho đồng bào các dân tộc phát triển SXKD, tạo việc làm, tăng thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống, góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Nếu như năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Gia Lai chiếm 23,73% thì đến cuối 2015, giảm còn 11,36% (tương đương 19,71% theo chuẩn nghèo đa chiều) và cuối năm 2016, tiếp tục giảm còn 16,55%.
15 năm hoạt động có rất nhiều chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ được ban hành. Các chương trình ưu đãi đều mang đậm tính nhân văn và qua mỗi năm, mỗi giai đoạn đều được điều chỉnh bổ sung để phù hợp với sự phát triển chung của xã hội, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần gìn giữ an ninh trật tự xã hội, ngăn chặn “tín dụng đen”. Với quy mô rộng khắp, đến từng thôn, bản; với phương thức hoạt động đặc thù thông qua các hội, đoàn thể, các chính sách tín dụng ưu đãi đã trở thành sợi dây đại đoàn kết, gắn kết chặt chẽ người dân với cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp.
Tuy nhiên, cái được lớn nhất 15 năm thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi có lẽ nằm ở sự thay đổi về nhận thức, cách nghĩ, cách làm của đồng bào các dân tộc. Từ chỗ sợ không dám vay, đồng bào đã mạnh dạn đề nghị được vay vốn. Từ chỗ không biết sử dụng vốn, bà con đã biết đầu tư vào cây cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, rồi biết cả kỹ thuật trồng, chăm sóc sao cho cây trồng có năng suất cao nhất. Từ chỗ chỉ cần đủ ăn mỗi ngày, nay đồng bào không chỉ muốn làm giàu mà còn muốn con em họ được học tập ở môi trường hiện đại nhất…
Cần cơ chế tạo lập nguồn vốn ổn định, dài hạn
Phóng viên: Là tỉnh có đông đồng bào DTTS, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách có khó khăn, bất cập gì thưa ông?
Trả lời: Khó có thể nói hết khó khăn từ những ngày đầu thành lập. Không riêng gì Gia Lai, như tôi được biết các đơn vị khác trong toàn hệ thống NHCSXH đều thiếu thốn đủ bề. Cơ sở vật chất nghèo nàn; phương tiện đi lại hầu như không có; số cán bộ thực hiện của chi nhánh lúc đó chỉ vẻn vẹn có 7 người. Việc cán bộ tín dụng NHCSXH “vác” tiền, tài liệu, máy móc… đi giải ngân là hình ảnh không xa lạ đối với đồng bào Ba Na hay Jarai, Ê Đê. Nhưng chính bởi sự vất vả, tận tụy này đã khiến bà con không chỉ coi cán bộ tín dụng là những người cho vay vốn thông thường nữa, mà trở thành người tạo lập sinh kế, là tri kỷ của người nghèo.
Hiện nay, Gia Lai vẫn là tỉnh nghèo, với hơn 1,4 triệu dân sinh sống trong đó có 44,5% là đồng bào DTTS. Lao động chủ yếu là phổ thông, năng suất thấp; trình độ sản xuất còn lạc hậu, khoảng cách - giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn; giữa đồng bào Kinh và đồng bào DTTS ngày càng tăng. Một bộ phận không nhỏ người nghèo chưa được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản. Đặc biệt, việc giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS gặp nhiều khó khăn, kết quả giảm nghèo chưa thật bền vững. Nhiều xã, tỷ lệ hộ cận nghèo và nghèo chiếm trên 90%. Mặt khác, thực hiện Quyết định của Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực I, II, II giai đoạn 2016 - 2020, Gia Lai có 23 xã, phường, thị trấn chuyển xuống vùng II, III, do đó nhu cầu về vốn là rất lớn, trong khi đó nguồn vốn Trung ương và địa phương còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, sự phối hợp lồng ghép giữa các chương trình, giữa hoạt động tín dụng của NHCSXH với công tác khuyến nông, khuyến lâm chưa đồng bộ… Tuy nhiên, cái khó nhất với chúng tôi là ở chỗ làm thế nào để thay đổi được nhận thức cho đồng bào. Chỉ có thay đổi nhận thức, cách nghĩ cách làm thì đồng bào mới phát huy được hiệu quả đồng vốn vay.
Những hạn chế, khó khăn này đòi hỏi người làm tín dụng chính sách phải nỗ lực gấp 5, gấp 10 lần. Lúc này, mỗi cán bộ tín dụng đều phải một lúc sắm nhiều vai: Tuyên truyền viên, người cho vay, cán bộ kỹ thuật… thậm chí còn là “chị Thanh Tâm” của đồng bào.
Phóng viên: Từ thực tiễn trên, theo ông, các chính sách tín dụng ưu đãi cần điều chỉnh, bổ sung gì?
Trả lời: Là người gắn bó với NHCSXH từ những ngày đầu thành lập và hoạt động trên địa bàn có đông đồng bào DTTS, thay vì vay ngắn hạn và cho vay trung, dài hạn như hiện nay, tôi thấy cần có cơ chế tạo lập nguồn vốn ổn định, dài hạn hơn để đáp ứng được nhu cầu vay vốn của đồng bào và tạo tính ổn định cho NHCSXH hoạt động, xây dựng chiến lược phát triển trung, dài hạn, cũng như động viên, khuyến khích cán bộ NHCSXH an tâm công tác vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, Chính phủ nên hạn chế các chương trình cho không, để dành nguồn lực chuyển sang NHCSXH thực hiện theo phương châm “có vay, có trả”.
Cùng với đó, NHCSXH rất cần có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc tạo lập nguồn vốn, phối hợp giữa các đơn vị trên địa bàn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, hướng dẫn kiến thức làm ăn cho đồng bào… nhằm phát huy tối đa hiệu quả vốn vay và tác động đồng bộ lên các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội cũng như công cuộc giảm nghèo của địa phương.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Thái Bình thực hiện
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Tín dụng chính sách xã hội - 15 năm đồng hành cùng người nghèo Gia Lai
- » Trên 340 nghìn lượt người nghèo ở Lào Cai được vay vốn ưu đãi để SXKD
- » Tỉnh Ninh Thuận tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội
- » Hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại Đắk Nông đạt nhiều kết quả quan trọng
- » Tỉnh Quảng Bình tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội
- » Tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội, định hướng hoạt động đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
- » 15 năm qua, Cà Mau có gần 420 nghìn người nghèo được vay vốn chính sách
- » Tỉnh Tiền Giang tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội
- » Tín dụng chính sách đã góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
- » Tỉnh Bắc Kạn tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội