Huyện Tân Hồng phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách

08/08/2022
(VBSP News) Mô hình tổ chức của NHCSXH trên địa bàn huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) hiện nay gồm bộ máy quản trị là Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện và bộ máy điều hành tác nghiệp là NHCSXH huyện Tân Hồng. Mô hình phù hợp với thực tiễn, hoạt động có hiệu quả, nhất là huy động được sức mạnh của toàn xã hội tham gia hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn vùng biên giới.
dt2-5

Gia đình anh Nguyễn Đình Phú ở xã Tân Hộ Cơ vay vốn ưu đãi chăn nuôi bò

Phương thức cho vay chủ yếu là cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội.
Để triển khai thực hiện hiệu quả phương thức cho vay ủy thác, NHCSXH huyện Tân Hồng đã thường xuyên phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp huyện, cấp xã quan tâm xây dựng, củng cố và kiện toàn các Tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở. Đến ngày 30/6/2022, toàn huyện Tân Hồng có 279 Tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động hiệu quả tại 38 khóm (ấp), khu dân cư, trực thuộc quản lý của 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác với tổng số 13.324 thành viên, bình quân mỗi tổ có 48 thành viên. Trong 20 năm (từ năm 2002 - 2022), các Tổ tiết kiệm và vay vốn đã phát huy vai trò quan trọng trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội, là cầu nối giữa ngân hàng với người vay vốn, góp phần chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với các đối tượng thụ hưởng, đảm bảo công khai, dân chủ, tạo ra hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội.
Đến ngày 30/6/2022, tổng dư nợ ủy thác cho vay qua 4 tổ chức chính trị - xã hội của huyện Tân Hồng đạt gần 352 tỷ đồng với 13.324 khách hàng đang vay vốn, chiếm tỷ trọng 98,28% tổng dư nợ. Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện quản lý hơn 83 tỷ đồng với 3.161 khách hàng đang vay vốn tại 68 Tổ tiết kiệm và vay vốn (chiếm 23,67%); Hội Nông dân huyện quản lý gần 95 tỷ đồng với 3.461 khách hàng đang vay vốn tại 70 Tổ tiết kiệm và vay vốn (chiếm 26,92%); Hội Cựu chiến binh huyện quản lý trên 98 tỷ đồng với 3.645 khách hàng đang vay vốn tại 75 Tổ tiết kiệm và vay vốn (chiếm 27,94%) tổng dư nợ ủy thác cho vay…
Phương thức cho vay nói trên đã thể hiện tính ưu việt riêng có của NHCSXH, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị các cấp để chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của Chính phủ, của tỉnh và của huyện đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp họ biết cách sử dụng vốn vay, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, ổn định cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội.
Gia đình anh Nguyễn Đình Phú ở ấp Gò Bói, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng trước đây có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Nhờ tham gia vào Hội Nông dân xã Tân Hộ Cơ nên gia đình được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư chăn nuôi (nuôi bò vỗ béo) mang lại hiệu quả kinh tế cao và cuộc sống gia đình dần ổn định. Anh Phú chia sẻ: “Nhờ được vay nguồn vốn tín dụng ưu đãi giải quyết việc làm 2 lần (lần 1 vay 25 triệu đồng, lần 2 vay 20 triệu đồng) từ NHCSXH huyện Tân Hồng để đầu tư chăn nuôi bò. Lúc đầu chỉ nuôi vài con, dần dần đàn bò phát triển, có thời điểm lên đến hàng chục con. Do số lượng đàn bò tăng, gia đình quyết định chuyển một số diện tích đất gò sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ để cho bò ăn. Qua nhiều năm nuôi bò, gia đình tôi không những trả tiền gốc, lãi vay đúng hạn mà còn có tích lũy khá…”.
Nhiều người dân ở ấp Công Tạo, xã Bình Phú luôn khen ngợi về ý chí, nghị lực trong lao động sản xuất của ông Nguyễn Văn Oanh. Là thương binh nặng nhưng ông Oanh luôn suy nghĩ phải quyết tâm khắc phục hoàn cảnh, không dựa vào nguồn trợ cấp thương tật của Nhà nước, phải khẳng định bản chất của người lính cụ Hồ không đầu hàng số phận. Năm 2019, với nguồn vốn vay chương trình hộ mới thoát nghèo số tiền 30 triệu đồng, ông Oanh đầu tư mua 3 con bò. Nhờ chịu khó chăm sóc, số lượng đàn bò tăng dần (hiện tại là 11 con), từ đó gia đình ông Oanh đã trả được nợ vay, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nguồn vốn cho vay trên địa bàn huyện Tân Hồng không ngừng tăng trưởng, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị số 40/CT-TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương, UBND huyện Tân Hồng đã cân đối ngân sách để chuyển sang NHCSXH huyện để bổ sung nguồn vốn cho vay đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, góp phần thực hiện các mục tiêu hàng năm về giảm nghèo nhanh và bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Theo báo cáo của NHCSXH huyện Tân Hồng, từ 2 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu, đến nay, đơn vị đang triển khai cho vay 14 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ hơn 351 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 40.305 lượt hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác được vay vốn, góp phần giúp cho 8.209 hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho trên 11.400 lao động, giúp 3.663 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, hỗ trợ xây mới và cải tạo 25.789 công trình NS&VSMTNT,…
Đặc biệt, vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay lãi nặng ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo, các đối tượng chính sách có thêm điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng. Vì vậy, từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo.

Bài và ảnh Dũng Chinh

Các tin bài khác