ĐỔI MỚI TƯ DUY VÀ PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI

02/07/2015
(VBSP News) Xuất phát từ thực tế việc đói nghèo không được giải quyết thì không có mục tiêu nào đặt ra được thực hiện thành công, nên Đảng và Nhà nước ta đã coi vấn đề giảm nghèo là một chủ trương lớn, đồng thời đã triển khai nhiều chính sách, chương trình, dự án, nhằm hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Ra đời trong bối cảnh chủ trương của Đảng về giảm nghèo lan tỏa mạnh mẽ ở các địa phương, các Ngành, từ năm 2003 đến nay, NHCSXH luôn nỗ lực thực hiện nhiệm vụ một cách kiên trì, bền bỉ, sáng tạo, đồng hành cùng với người nghèo và các đối tượng chính sách khác và đã đóng góp thiết thực vào thành quả của sự nghiệp giảm nghèo.
Những năm qua, thông qua các giải pháp đúng đắn kịp thời của NHCSXH theo quan điểm mới về giảm nghèo của Đảng đã kích thích, khơi dậy ý chí, năng lực vươn lên thoát nghèo của nhân dân Ảnh: VBSP News

Những năm qua, thông qua các giải pháp đúng đắn kịp thời của NHCSXH theo quan điểm mới về giảm nghèo của Đảng đã kích thích, khơi dậy ý chí, năng lực vươn lên thoát nghèo của nhân dân
                                                                                                                            

Trên chặng đường hơn 12 năm xây dựng và phát triển, NHCSXH không chỉ nhận thức rõ ràng mà luôn quán triệt sâu sắc quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước coi vấn đề giảm nghèo vừa là mục tiêu vừa là yêu cầu và là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm an sinh và công bằng xã hội. Với quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống NHCSXH đã tập trung huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn và tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi, đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Tính đến nay, tổng nguồn vốn của NHCSXH đạt trên 140 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 130 nghìn tỷ đồng so với khi thành lập, tăng 55,8% so với đầu nhiệm kỳ (năm 2010). Để chuyển tải nguồn vốn to lớn đến đúng đối tượng thụ hưởng, NHCSXH đã thực hiện thành công mô hình cho vay ủy thác thông qua tổ chức hội, đoàn thể. Bên cạnh đó hệ thống Điểm giao dịch của NHCSXH tại xã và mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn bản đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo được tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước.

Hiện đã có trên 25 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn NHCSXH, trong đó hơn 3,6 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; vốn chính sách đã thu hút, tạo việc làm mới cho khoảng 11,8 triệu lao động; giúp hơn 3,3 triệu HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng được 6,6 triệu công trình NS&VSMT, 484 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo và gia đình đồng bào dân tộc thiểu số; 700 chòi tránh lũ, hơn 102 ngôi nhà vượt lũ ở duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long.

Đặc biệt NHCSXH đã tham gia trực tiếp chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2015, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước theo chuẩn nghèo mới từ 14,2% năm 2011 xuống còn 5,8% năm 2014; riêng tỷ lệ hộ nghèo tại 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ giảm từ 58,33% năm 2010 xuống còn  khoảng 30% năm 2014, bình quân giảm hơn 7%/năm. Đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa đã có thay đổi căn bản. Quan trọng hơn, các giải pháp đúng đắn kịp thời của NHCSXH theo quan điểm mới về giảm nghèo của Đảng đã kích thích, khơi dậy ý chí, năng lực vươn lên thoát nghèo của nhân dân.

Quan điểm mới của Đảng đối với vấn đề giảm nghèo về cơ bản đã có những bước thay đổi theo quá trình phát triển kinh tế - xã hội, từ giải quyết nghèo trên diện rộng phạm vi cả nước các chính sách đa chiều chuyển sang quan điểm tập trung giải quyết nghèo cục bộ, tập trung vào những nhóm nghèo nhất nhằm phân bổ nguồn lực hợp lý hơn, thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo, lồng ghép tốt các chính sách, chương trình, hướng đến nâng cao chất lượng giảm nghèo một cách căn cơ, bền vững. Căn cứ vào quan điểm mới của Đảng về chính sách giảm nghèo và bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, sự phối hợp chặt chẽ với các cấp ngành, các địa phương, đoàn thể và dựa trên ý chí quyết tâm, đồng thuận của toàn hệ thống NHCSXH đã cụ thể hóa nhiều giải pháp sinh động cùng với hoàn thiện mô hình tổ chức quản trị, quản  lý, tác nghiệp tín dụng chính sách một cách tích cực, toàn diện, phù hợp với đặc điểm, bản chất nghèo của đối tượng thụ hưởng đồng thời hướng vào các mục tiêu cụ thể các chương trình tín dụng trong tâm, trọng điểm có tính đến yếu tố vùng, miền, tập quán dân cư, cộng đồng nhằm mang lại hiệu quả thực tế.

Kết quả hoạt động tín dụng chính sách theo quan điểm mới của Đảng đã được khẳng định là thành tựu hiện hữu với mô hình tổ chức quản trị đặc thù phù hợp với điều kiện đặc điểm ở nước ta bao gồm HĐQT ở TW và Ban đại diện HĐQT ở cấp tỉnh, huyện thực hiện chức năng chỉ đạo, giám sát việc triển khai tín dụng chính sách. Cùng với đó, bộ máy điều hành tác nghiệp, ngoài Hội sở chính còn có 63 NHCSXH tỉnh, thành phố, 626 NHCSXH quận, huyện, 10.904 Điểm giao dịch tại xã và hơn 199.603 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở khắp các thôn, xóm, bản làng đã và đang là hướng đi tiện ích nhất giúp việc chuyển tải nguồn vốn chính sách đến nhanh, đến đúng đối tượng thụ hưởng, nhất là ưu tiên vốn đầu tư cho vùng sâu, vùng xa ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, miền biên giới hải đảo và các huyện nghèo thuộc chương trình 30a của Chính phủ.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác tín dụng chính sách cho người nghèo vẫn còn những tồn tại và thách thức. NHCSXH chưa chủ động được nguồn vốn ổn định để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người nghèo và các đối tượng chính sách. Quá trình triển khai tín dụng chính sách tới khách hàng mới chỉ dừng lại chủ yếu ở công tác phát tiền vay và thu nợ, lãi, các biện pháp hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, kết nối doanh nghiệp, tìm kiếm thị trường cho khách hàng vay vốn còn hạn chế. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giảm hộ nghèo thiếu bền vững.

Hướng tới mục tiêu phát triển NHCSXH bền vững, trong tình hình hôm nay, từ Đảng bộ NHCSXH TW với vị trí tiên phong, vai trò lãnh đạo đến Ban điều hành NHCSXH các cấp tỉnh, huyện thực thi nhiệm vụ quản lý, tác nghiệp hơn lúc nào hết cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về vấn đề giảm nghèo, đổi mới tư duy việc thực hiện công tác tín dụng chính sách. Tư duy mới về công tác tín dụng chính sách trước hết là bám sát thật chắc mọi chủ trương, chính sách về an ninh xã hội của Đảng và Nhà nước, trong đó chú trọng đến nhận thức và tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng ban hành ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách, Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tư duy mới về tín dụng chính sách không chỉ giới hạn trong nhận thức mà đang được NHCSXH thực hiện đi đôi với năng lực mới và phương pháp mới nhằm tiếp tục tăng cường nguồn lực, bố trí tập trung và thống nhất quản lý nguồn vốn tín dụng vào 7 chương trình tín dụng trọng tâm là cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn, cho vay NS&VSMTNT, cho vay giải quyết việc làm, hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở và các chương trình khác cho giảm nghèo bền vững. Điều chỉnh mức vay, lãi suất và thời hạn cho vay linh hoạt, hiệu quả và phù hợp với các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất. Gắn việc cho vay vốn chính sách với ứng dụng tiến bộ KHKT, liên kết giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, đồng thời hướng dẫn phương thức sản xuất hàng hóa cho các hộ nghèo tự chủ vươn lên giảm nghèo bền vững.

Những kết quả đạt được trong tư duy, hành động trong thời gian qua là tiền đề, động lực cho Đảng bộ NHCSXH TW nói riêng và toàn thể cán bộ NHCSXH nói chung tiếp tục vượt qua khó khăn, thử thách để quyết tâm chung sức, đồng lòng đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong năm 2015 và những năm tiếp theo hiệu quả hơn, bền vững hơn.

Minh Khanh

Một bình luận cho bài viết "ĐỔI MỚI TƯ DUY VÀ PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI"

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác