Nhìn chung, nguồn vốn tín dụng đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách; đặc biệt đã tập trung vốn vay tại các vùng khó khăn có đông đồng bào dân tộc sinh sống. Lãi suất ưu đãi tín dụng chính sách xã hội về cơ bản giữ được ổn định hoặc được điều chỉnh giảm, tạo điều kiện cho các đối tượng thụ hưởng yên tâm vay vốn. Chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được nâng cao… Tín dụng chính sách xã hội đã giúp trên 3,2 triệu lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo, tạo thêm trên 11 triệu việc làm, giúp gần 3,3 triệu HSSV có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đi học, xây dựng được gần 6 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, gần nửa triệu căn nhà cho hộ nghèo và gia đình chính sách, gần mười vạn căn nhà tránh lũ, lụt ở các tỉnh Nam Bộ và Trung Bộ…
Tuy nhiên, một số cấp uỷ đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức tới hoạt động tín dụng chính sách xã hội; nguồn vốn tín dụng chính sách chưa thực sự ổn định, cơ cấu chưa hợp lý, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho NHCSXH còn chậm; một số chương trình tín dụng chính sách mới chưa được bố trí vốn kịp thời…
Trước thực trạng trên, nhằm phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, ngày 22/11/2014, Ban Bí thư TW Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 40-CT/TW). Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt các nhiệm vụ sau: (1) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; (2) Nâng cao trách nhiệm của MTTQVN, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội; (3) Tập trung nguồn lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội; (4) Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, trong thời gian tới, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó, các cấp uỷ đảng, chính quyền đóng vai trò then chốt trong lãnh đạo, chỉ đạo. Cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Một là, các cấp uỷ đảng, chính quyền cần khẩn trương xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo; thường xuyên kiểm tra, giám sát, định kỳ 6 tháng, hàng năm có sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị để kịp thời xử lý khi cần thiết.
Hai là, làm tốt công tác quán triệt, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng; công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước để các cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu được vị trí, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện các chính sách xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Các cấp uỷ đảng cần tăng cường chỉ đạo các cơ quan truyền thông xây dựng các chuyên mục, chuyên đề về tín dụng chính sách xã hội. Nội dung quán triệt, tuyên truyền cần thiết thực, tập trung vào các chính sách tín dụng xã hội, đối tượng vay vốn, điều kiện vay vốn, lợi ích khi tham gia, hướng dẫn cách thức sử dụng nguồn vốn tín dụng có hiệu quả; nêu gương, nhân rộng các mô hình, cá nhân sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này…
Ba là, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về tín dụng chính sách theo hướng ổn định, có tính dự báo. Nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách: tạo lập nguồn vốn, trong đó chú ý tới chính sách sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp vào nguồn vốn tín dụng chính sách; quy định rõ đối tượng vay vốn, lãi suất ưu đãi; các quy định về thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nguồn vốn; quyền hạn, trách nhiệm của cán bộ tín dụng, của các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác…
Bốn là, huy động, cân đối đủ nguồn lực đáp ứng nhu cầu thực tế. Ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương để thực hiện các chương trình, dự án tín dụng chính sách xã hội. Kịp thời cấp bổ sung vốn điều lệ cho NHCSXH, cấp bù chênh lệch lãi suất, phí quản lý và quyết toán thực tế; tạo điều kiện và cơ chế để NHCSXH tiếp cận được với các nguồn vốn nhân đạo, vốn ODA, các nguồn vốn vay có thời hạn dài, lãi suất thấp và các nguồn lực xã hội khác.
Năm là, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH. Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp phải thường xuyên, sâu sát trong lãnh đạo thực hiện công tác tín dụng chính sách xã hội; chủ động tham mưu cho các cấp uỷ đảng, chính quyền trong thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền các cấp và các cơ quan có liên quan; thường xuyên thanh, kiểm tra, giám sát việc thực hiện, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực này. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, chăm lo đời sống, đãi ngộ xứng đáng cho đội ngũ cán bộ NHCSXH, cán bộ làm công tác tín dụng chính sách tại các tổ chức đoàn thể nhận uỷ thác.
Việc thực hiện thành công Chỉ thị số 40-CT/TW cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và của người dân, trong đó vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng giữ vị trí quan trọng, then chốt. Kết quả thực hiện Chỉ thị này sẽ một lần nữa khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta nói chung và tính nhân văn sâu sắc của tín dụng chính sách xã hội nói riêng, góp phần thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo bước tiến rõ rệt về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đề ra.
Đinh Văn Cương, Uỷ viên BCH TW Đảng - Phó Trưởng Ban Kinh tế TW