80% hộ nông dân tỉnh Phú Thọ sử dụng hiệu quả vốn tín dụng ưu đãi
Cách đây 4 năm, gia đình anh Quang đã quyết định vay vốn của NHCSXH để đầu tư xây dựng chuồng trại, mua 3 con lợn rừng về nuôi thử. Trên phần đất của gia đình, anh chỉ dành diện tích nhỏ dựng ngôi nhà gỗ, còn lại làm vườn chăn thả lợn rừng. Mua lợn rừng từ Tây Ninh về, anh Quang đứng trước bài toán phải thuần hóa thế nào để chúng hợp với cuộc sống miền trung du quê anh. Mất 4 tháng kiên trì tìm tòi, suy nghĩ và dày công thực hiện, anh Quang đã thuần hóa thành công những con lợn rừng. Từ đó, việc nuôi lợn đi vào “quỹ đạo”, lợn rừng đã chịu ăn rau, củ, quả… Giờ đây, sau nhiều năm tích luỹ kinh nghiệm, gia đình anh Quang đã mở rộng mô hình chăn nuôi với hơn 30 con lợn rừng. Tổng thu nhập từ bán giống lợn rừng sau khi trừ chi phí mỗi năm đem lại cho gia đình anh gần 100 triệu đồng tiền lãi, góp phần đáng kể cải thiện điều kiện sống và giúp gia đình anh vươn lên làm giàu chính đáng.
Anh Quang là một trong những hộ gia đình nông dân đã biết sử dụng hiệu quả đồng vốn tín dụng chính sách, kết hợp cùng kiến thức khoa học và quyết tâm làm giàu. 10 năm thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ đã tham gia 9 chương trình tín dụng, với tổng số dư nợ đến 31/7/2013 đã lên tới 916,823 tỷ đồng, 49.782 lượt hộ vay thông qua 1.444 Tổ tiết kiệm và vay vốn. “80% số hộ được vay vốn đã sử dụng đồng vốn có hiệu quả, để thoát nghèo và vươn lên khá giàu”, đại diện Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ cho biết.
Có kết qủa này là nhờ sự nỗ lực của các cấp hội cùng với sự ủng hộ nhiệt tình của bà con nông dân. Thời gian đầu triển khai, việc nhận ủy thác cũng có những vướng mắc, thiếu sót nhất định, như bình xét hộ vay chưa được chuẩn xác. Hội Nông dân các cấp, nhất là từ cấp cơ sở, chưa hiểu rõ hết việc mình phải làm, còn có hiện tượng vay ké… Tuy nhiên, cùng với việc tăng trưởng tín dụng, hàng năm Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ đã có nhiều biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn Hội Nông dân cấp xã làm tốt 6 công đoạn nhận ủy thác, đồng thời chỉ đạo các cấp Hội Nông dân trong tỉnh làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình nhận ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ cũng đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể để thực hiện hiệu qủa các chương trình tín dụng ưu đãi, trực tiếp chỉ đạo Hội Nông dân cấp huyện, Hội Nông dân cấp xã thực hiện tốt chức năng kiểm tra, giám sát theo quy định. Thông qua công tác kiểm tra, hội đã kịp thời phát hiện và có biện pháp khắc phục, xử lý những trường hợp bình xét cho vay ké, cho vay chưa đúng đối tượng, thu lệ phí sai quy định…
“Việc cho vay vốn qua Tổ tiết kiệm và vay vốn đã làm tăng sự đoàn kết tình làng nghĩa xóm, tăng trách nhiệm cộng đồng trong quá trình tổ chức sản xuất, thực hiện nghĩa vụ công dân, nghĩa vụ trả nợ ngân hàng”, lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh chia sẻ. Bên cạnh đó, cùng với việc tuyên truyền các chương trình tín dụng chính sách, kiến thức sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế, 10 năm qua, đã có 70 nghìn lượt hội viên và nông dân được tuyên truyền phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân góp phần đưa nhanh các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống”.
Lê Minh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Người nghèo ở tỉnh Lâm Đồng đã biết sắm "cần câu"
- » Kiểm tra, giám sát hoạt động của Ban đại diện HĐQT NHCSXH TP. Cần Thơ
- » Nguồn lực giúp HSSV nghèo đến trường
- » Thanh niên Ba Tơ vừa sản xuất giỏi, vừa xóa nghèo tốt
- » Vốn ngân hàng hỗ trợ thanh niên lập nghiệp
- » Chắp cánh ước mơ cho HSSV
- » Giảm nghèo bền vững nhờ tín dụng ưu đãi
- » Kênh dẫn vốn uy tín và hiệu quả
- » Vị Thanh phát triển kinh tế hộ hiệu quả
- » Yên Bái: 11.500 lượt khách hàng được vay vốn