Vốn về vùng tái định cư

12/08/2013
(VBSP News) Thôn 2, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) giáp ranh với 3 huyện là Nam Trà My, Phước Sơn, Hiệp Đức. Đây là vùng đất bắt nguồn từ con sông Bui chảy ra sông Tranh. Nơi đây có nhiều cộng đồng người dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời, như Xêđăng, Mơnông, Cadong... Khi xây dựng thủy điện sông Tranh II, thôn 2 biến thành lòng hồ. Hàng chục hộ dân phải bỏ quê lên vùng tái định cư với bao khó khăn, gian khổ đang chờ họ.

 1

Anh Hồ Văn Ngọc là người dân tộc Cadong, sinh ra và lớn lên ở xóm 9, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam). Bố mẹ mất sớm, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Năm 2011, học xong trung học phổ thông, anh trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Sau 5 năm hoàn thành nhiệm vụ, anh được xuất ngũ, về địa phương sinh sống. Năm 2005, anh lập gia đình và có một cháu trai. Cuộc sống gia đình chủ yếu dựa vào nghề nông, làm rẫy và trồng lúa nước. Thời tiết khắc nghiệt, sản xuất bấp bênh. Thu nhập thấp. Trà Bui là một xã nghèo, gia đình anh Ngọc là một trong những hộ nghèo nhất xã.

Năm 2006, công trình Thủy điện sông Tranh II khởi công xây dựng, xóm 9, xã Trà Bui - quê hương anh Hồ Văn Ngọc chìm giữa lòng hồ. Cuộc sống đã khốn khó lại càng khó. Cả xóm phải di dân tới vùng đất mới, tại thôn 2 xã Trà Bui, giáp với 3 huyện ở phía đông dãy Trường Sơn là Nam Trà My, Hiệp Đức, Phước Sơn (Quảng Nam) - vùng đất thượng nguồn sông Bui, chảy ra sông Tranh về hồ Thủy điện sông Tranh II. Nơi đây có nhiều cộng đồng người dân tộc thiểu số sinh sống, như Xêđăng, Mơnông, Cadong… Trong đó, đông nhất là người Cadong. Cũng như mọi hộ di dân, anh Ngọc được Nhà nước đầu tư cấp cho một ngôi nhà xây tái định cư. Cuộc sống mới bắt đầu với đầy ắp những lo toan, khổ cực. Công việc đầu tiên là khai hoang để có đất sản xuất, có sản phẩm nuôi người. Nhìn đâu cũng thấy khó khăn.

Năm 2007, thông qua Hội Nông dân xã, Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm 2 bình xét, anh Ngọc mạnh dạn làm đơn và được NHCSXH huyện Bắc Trà My cho vay 7 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay ưu đãi hộ nghèo. Có vốn trong tay, anh mua 2 con bò giống về nuôi. Sau hai năm, anh có thêm 2 con bê con. Mừng chưa kịp vui, đợt rét đậm kéo dài cuối năm 2009, đã làm chết cả 4 con bò của gia đình anh. Cơ nghiệp tiêu tan. Thêm một lần anh Ngọc lại trắng tay, tay trắng! Đối mặt với sự nghiệt ngã.

Với lòng quyết tâm và đức tính kiên trì được rèn luyện trong những năm ở quân ngũ, Hồ Văn Ngọc không chịu gục ngã. Đầu năm 2010, anh trình bày những khó khăn của gia đình, anh tiếp tục đề nghị Hội Nông dân xã xét cho vay thêm vốn để khắc phục rủi ro. Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình, tin tưởng vào sự vượt khó của người lính vừa xuất ngũ, NHCSXH huyện cho anh vay bổ sung 20 triệu đồng. Có vốn, anh mua 3 con bò giống và một con trâu giống. Rút kinh nghiệm từ thất bại đợt trước, lần này anh làm chuồng trại kiên cố hơn, để mùa đông đến đàn gia súc có chỗ trú rét. Qua 2 năm chăn nuôi, đến nay gia đình anh Ngọc có được số tài sản tương đối ổn định với 6 con bò và 2 con trâu. Ngoài chăn nuôi, vụ lúa năm 2012 - 2013, mặc dù bị chuột phá nhiều, nhưng gia đình cũng thu hoạch được trên 50 bao lúa rẫy. Cuộc sống của gia đình anh Ngọc ở quê mới - vùng tái định cư, đang dần đi vào ổn định và phát triển.

Trong đợt đối chiếu công khai, tháng 6/2013, gặp cán bộ NHCSXH Bắc Trà My, anh Ngọc nói trong tâm trạng đầy xúc động: “Gia đình tôi có được như ngày hôm nay là nhờ vào sự hỗ trợ kịp thời của nguồn vốn ưu đãi từ Nhà nước. Nếu, không có sự hỗ trợ này thì gia đình tôi sống mãi trong vòng luẩn quẩn đói - nghèo, không thể xoay xở ra đâu được vốn để sản xuất, trong khi gia đình mới đến lập nghiệp ở vùng tái định cư”.

Từ đứng cuối bảng của sự nghèo khó, Hồ Văn Ngọc đã vươn lên hộ có kinh tế khá nhất thôn 2, xã Trà Bui. Anh đang trở thành tấm gương vượt khó cho các hộ nghèo ở vùng tái định cư Thủy điện sông Tranh II học tập và làm theo.

Hồ Khánh Thiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác