Bay cùng những ước mơ

23/01/2023
(VBSP News) Không chỉ có độ sung sức và đầy hoài bão của tuổi trẻ, tuổi 20 của những người làm tín dụng chính sách còn có sự trải nghiệm và thấu hiểu của một người anh, người chị đang từng bước cùng người nghèo, người khó khăn, yếu thế dệt những ước mơ thành hiện thực sống động và thắp lên niềm tin vào tương lai tươi sáng…
image001

Niềm vui thoát nghèo của người nghèo ở Long An

Tiếp sức “lõi nghèo” chuyển mình

20 năm trước, huyện Mường Nhé (Điện Biên) được coi là điểm nóng về an ninh trật tự và đói nghèo. Cơ sở hạ tầng thấp kém, tình trạng phá rừng, di cư tự do khó kiểm soát, tỷ lệ hộ nghèo trên 90%… Nhưng nay, Mường Nhé đã khác! 

Bí thư huyện uỷ Mường Nhé Nguyễn Quang Hưng cho biết: Sau bao nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, đồng bào DTTS đã yên tâm sản xuất và bám làng, bám bản; nhất quyết không để đói nghèo bủa vây, làm khó. Sự thay đổi này đến từ nhận thức của cán bộ, đồng bào các dân tộc và từ sự chung tay, góp sức của các cấp ngành, trong đó có những người làm tín dụng chính sách. Qua đó, năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của huyện đã giảm còn 60%; năm 2022 tiếp tục giảm còn 58%.

Cũng giống như Mường Nhé, huyện Mường Tè (Lai Châu) vốn là “lõi” nghèo ở khu vực Tây Bắc. 20 năm qua, từ các chương trình, dự án hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, sự bền bỉ “cõng vốn lên non” của cán bộ NHCSXH, bộ mặt nông thôn vùng cao biên giới Mường Tè đã có nhiều khởi sắc. Số hộ nghèo giảm mạnh qua từng năm. Giai đoạn 2016 - 2021, huyện Mường Tè giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 54,63% năm 2016 xuống còn 24,09% vào cuối năm 2021 (theo tiêu chí cũ); thu nhập bình quân năm 2021 đạt 24,5 triệu đồng/người/năm.

Cuộc sống của người Rơ Măm ở thôn Làng Le, xã Mo Rai, huyện Sa Thầy (Kon Tum) cũng đã thay đổi ngoạn mục. Trước đây, đồng bào sống hoang dã trong lòng đại ngàn. Trang phục là chiếc khố được làm từ sợi vỏ cây loong ptô. Cuộc sống chủ yếu dựa vào săn, bắt, hái, lượm… Phụ nữ Rơ Măm rất giỏi sinh nở, một cặp vợ chồng có thể sinh tới 7 - 9 đứa con nhưng do cuộc sống thiếu thốn, khắc nghiệt, bệnh tật phát sinh không có thuốc chữa trị… nên may lắm chỉ còn 1, 2 trẻ. Bởi vậy, trước năm 1975, cả cộng đồng người Rơ Măm chỉ có 159 nhân khẩu thuộc 26 hộ và luôn đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, cuộc sống của đồng bào nay đã khác. Với các chính sách đầu tư, hỗ trợ toàn diện của Đảng, Nhà nước, người Rơ Măm ở thôn Làng Le giờ đã có 186 hộ, với 685 nhân khẩu. Trong đó, nữ dân tộc Rơ Măm có 329 người, nam dân tộc Rơ Măm có 356 người - một sự hài hòa, đồng đều để phát triển bền vững ở góc độ dân số học.

Hiện nay, đời sống kinh tế - xã hội ở thôn Làng Le đã khác trước rất nhiều. Đồng bào biết làm ruộng, cấy lúa và trồng nhiều cây công nghiệp. Riêng cây cao su - cây chủ lực ở vùng biên giới đã mang lại cho các gia đình nguồn lợi đáng kể: nhiều hộ đã sắm được máy cày, ti vi, xe máy và các đồ gia dụng hiện đại khác. Trẻ em Rơ Măm đều được đi học; văn hóa truyền thống đang từng bước được phục dựng, bảo tồn. Người  Rơ Măm đã không còn bị đói, đang vươn lên cùng các dân tộc anh em.

Chắp cánh những ước mơ 

image002

Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp bà con Đồng Tháp khôi phục và phát triển nghề làm chiếu

Khi đã trở thành cô giáo, được trở về gieo lại tri thức cho con em đồng bào mình, cô giáo Vi Thị Hiền - dân tộc Thái ở xã Yên Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An) không khỏi xúc động và biết ơn những cán bộ tín dụng chính sách của huyện. Chính họ là người đã kết nối những học sinh nghèo như cô đến với chân trời mới bằng nguồn vốn tín dụng học sinh, sinh viên. Bởi vậy, Vi Thị Hiền đã dành mọi tâm huyết để truyền cảm hứng và mong các em sẽ có tương lai tươi sáng như chính bản thân đã được thụ hưởng. 

Bà Lương Thị In - mẹ của cô giáo Vi Thị Hiền xúc động chia sẻ: Không chỉ bản thân Hiền mà 3 người con khác của bà cũng đã trưởng thành từ nguồn vốn nhân văn này. Dù đã thanh toán hết nợ với NHCSXH huyện Con Cuông, dù các con đã trưởng thành, có việc làm ngay tại quê nhà nhưng mỗi khi thắp nén hương cho người chồng quá cố, bà In vẫn tự hỏi, đây là thật hay mơ? - Thật không còn gì hạnh phúc hơn!

Một cô gái may mắn khác là Nguyễn Dương Nữ Quý Vi ở tổ 4, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum. Vi và em trai đã đổi đời bằng con đường tri thức thông qua sự hỗ trợ của nguồn vốn tín dụng học sinh, sinh viên.

Vi cho hay, 5 tuổi, mẹ bị bệnh nặng qua đời. 7 năm sau cha cũng ra đi theo mẹ. Vi và em trai trở thành trẻ mồ côi khi mới 11, 12 tuổi đời. Thương các cháu nên dù hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng người cô ruột vẫn quyết định đón hai chị em Vi lên Kon Tum. Năm 2012, cùng lúc đỗ hai trường đại học. Kế đó, người em trai cũng nối gót chị vào đại học. “Rất may cho chúng em, gánh nặng chi phí học tập đã được NHCSXH Kon Tum hỗ trợ cho vay; được cô và dượng động viên tạo mọi điều kiện nên cả hai đứa đã hoàn thành ước mơ học tập, có công việc và thu nhập ổn định…” – Vi nói.

Có thể nói, Quyết định 157/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên đã “chắp cánh” ước mơ cho rất nhiều sinh viên nghèo được bước chân vào giảng đường đại học. Thống kê của NHCSXH cho thấy, 20 năm qua, từ nguồn vốn tín dụng học sinh, sinh viên, đã có hơn 3,8 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước được vay vốn đi học; hơn 84 nghìn máy tính, thiết bị học trực tuyến đã đến tay các học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn… 

Nhân lên niềm tin vào chế độ

Trở lại Tây Bắc, chứng kiến sự đổi thay kỳ diệu của đời sống đồng bào Mảng, La Hủ, Cơ Lao… mới thấy, các chính sách đầu tư và sự chăm lo của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền và trực tiếp là nguồn vốn tín dụng chính sách đã thực sự hồi sinh cho các tộc người này. Chỉ 20 năm trước, đồng bào sống lay lắt trong rừng sâu với tình trạng nghiện ngập, chè chén, tảo hôn, hôn nhân cận huyết…. thậm chí có nơi tỷ lệ hôn nhân cận huyết chiếm trên 60% - 70% (như đồng bào Cơ Lao ở Hà Giang vào giai đoạn trước năm 2012). Nhưng nay, đồng bào đã biết rời rừng sâu về sống tập trung thành từng bản; biết vay vốn tín dụng ưu đãi để chăn nuôi trâu, bò; trồng lúa, ngô… 

Trong câu chuyện của thanh niên La Hủ, Cơ Lao ngày nay đã biết bàn đến cách thức chăn nuôi, trồng trọt chứ không phải ngồi túm tụm, mơ màng trong làn khói trắng của thuốc phiện. Sự thay đổi trong nhận thức và cách nghĩ cách làm đã mang lại cho đồng bào sự tự tin vào bản thân, vào cấp ủy chính quyền. Nhìn ngôi nhà khang trang của gia đình anh Lò Văn Lả, bản Nghịu, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, ít ai biết rằng, trước đây gia đình anh là một trong những hộ nghèo của xã. Nhưng từ năm 2014, nhờ được vay vốn ưu đãi, được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nên cá của gia đình anh Lả sinh trưởng nhanh, ít bị bệnh. Trung bình mỗi năm xuất bán từ 3 - 4 tấn cá thương phẩm. Ngoài nuôi cá, gia đình anh Lả còn trồng gần 7.000m² cây ăn quả, như: Nhãn ghép, xoài, bưởi… Trừ chi phí, mỗi năm anh thu nhập hơn 100 triệu đồng. Từ một hộ nghèo, đến nay gia đình anh Lả đã trở thành một trong những hộ sản xuất kinh doanh giỏi của xã Thanh Luông.

Nhắc đến Bắc Kạn không thể không nhắc đến đặc sản miến dong Triệu Thị Tá. Chị Tá đã tận dụng nguồn vốn tín dụng chính sách, tận dụng những thứ thiên nhiên ưu đãi của quê hương làm ra sản phẩm miến dong nổi tiếng khắp cả nước, thậm chí, sản phẩm này đã theo chân bà con Việt Kiều đi khắp bốn phương. “Nhờ đó, gia đình tôi không còn nghèo nữa; đồng bào Dao ở quê hương tôi cũng không nghèo nữa… cả đời này chúng tôi biết ơn Đảng, Nhà nước và NHCSXH lắm lắm”, chị Triệu Thị Tá nói.

Trong 20 năm thực hiện tín dụng chính sách, có gần 28,7 triệu lượt khách hàng được vay vốn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm;  doanh số cho vay là 611.556 tỷ đồng (chiếm 73,7% tổng doanh số cho vay); doanh số thu nợ là 424.072 tỷ đồng (chiếm 69,3% doanh số cho vay). Đến 30.11.2022, dư nợ là 194.749 tỷ đồng, chiếm 69,6% tổng dư nợ với gần 4,7 triệu khách hàng còn dư nợ. 


Đức Thịnh

Các tin bài khác