Chi nhánh NHCSXH tỉnh Sóc Trăng 20 năm gieo mầm no ấm (Bài 1: Nhịp cầu nối những bờ vui)

21/09/2022
(VBSP News) Nói đến tỉnh Sóc Trăng là nói đến “Văn hóa xứ Giồng” với sự cộng cư và giao thoa của ba nền văn hóa dân tộc Kinh - Khmer - Hoa. Địa khí hậu thuận lợi với việc “xuống nước” là có cái ăn, khiến người dân nơi đây vô lo. Song cũng chính nếp sống “ngày nào hay ngày đó”, phụ thuộc vào thiên nhiên ăn sâu qua bao đời trên vùng nước nổi khiến cuộc sống nhiều hộ dân chỉ cần một năm mưa gió không thuận, là nghèo đói bủa vây. Chính vì vậy, chuyện của những người làm tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng không chỉ là đem vốn cho “bản làng vay đủ” mà là một quá trình kỳ công từ việc khơi mở tư duy làm kinh tế cho đến công tác hậu cho vay, không chỉ kiểm soát được chất lượng tín dụng mà hơn cả là để đồng vốn tín dụng thực sự là “cần câu” giúp người nghèo đổi đời.
c7b46e7450a494facdb5

Những cây cầu dân sinh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trong niềm vui của bà con tỉnh Sóc Trăng

Bà con xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung vui mừng đón nhận cây cầu bê tông mới chắc chắn mà chi nhánh NHCSXH tỉnh Thanh Hoá trao tặng bàn giao, thay cho chiếc cầu khỉ bao đời nay bắc qua con rạch… Đây là cây cầu thứ 10 mà 2 năm qua (2021 - 2022), NHCSXH đã đầu tư hỗ trợ xây dựng với tổng giá trị trên 3 tỷ đồng, trong đó nhân dân địa phương đóng góp trên 500 triệu đồng.
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Sóc Trăng Trần Duy Đông cho biết: Chương trình xuất phát từ thực tiễn trong quá trình NHCSXH triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh. Việc hoàn thiện hệ thống giao thông đang bị chia cắt bởi các sông, rạch chằng chịt là nhiệm vụ tiên quyết để phát triển kinh tế - xã hội, giúp nhân dân giao thương trao đổi hàng hoá thuận lợi, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới tỉnh Sóc Trăng. Tuy nhiên, nguồn lực của Nhà nước và nhân dân còn hạn hẹp, nên những cây cầu tạm bợ vẫn chưa thể xóa trắng.
Thấu hiểu những khó khăn đó, Tổng Giám đốc và Ban điều hành HĐQT NHCSXH đã có chủ trương chỉ đạo huy động các nguồn lực hỗ trợ đầu tư từ chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố, chung tay cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng và một số các tỉnh vùng Tây Nam Bộ xây dựng những cây cầu dân sinh, hoàn thành hạ tầng nông thôn.
Mặc dù triển khai đúng thời điểm đại dịch COVID-19 cao trào với nhiều giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội, song, các cán bộ chi nhánh NHCSXH tỉnh Sóc Trăng không quản ngại khó khăn đẩy nhanh tiến độ thi công. 10 chiếc cầu dân sinh được xây bằng nguồn vốn hỗ trợ của Công đoàn NHCSXH và 10 chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Cần Thơ, Quảng Nam, Quảng Bình, Thái Nguyên, Yên Bái, Thanh Hoá, Đăk Nông, Thừa Thiên Huế và Sóc Trăng lần lượt hoàn thành không chỉ góp phần kết nối hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển của tỉnh, mà còn ấm lòng những người dân đang trong giai đoạn giãn cách và gia tăng niềm tin của người dân với ngân hàng mang sứ mệnh vì người nghèo.
Với tinh thần đậm đà tính nhân văn “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ” và “Không để người nghèo và đối tượng chính sách bị bỏ lại phía sau vì thiếu vốn” càng rõ hơn trong 5 năm qua khi NHCSXH cử 52 cán bộ có năng lực và kinh nghiệm từ Trung ương và 10 chi nhánh NHCSXH tỉnh đến Sóc Trăng tăng cường hỗ trợ thực hiện công tác phát triển và nâng cao chất lượng tín dụng.
Nguyên nhân tăng cường lực lượng cán bộ cũng bởi Sóc Trăng là tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, nơi có tỷ lệ hộ DTTS trên 35%, là một trong những tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất trong khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Những năm gần đây, tình trạng hạn hán xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống nhân dân. Câu chuyện người dân bán đất, bỏ ruộng hoang ly hương và nhiều hộ tái nghèo, là câu chuyện đau đáu của chính quyền địa phương. Từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư cho vay và chất lượng tín dụng chính sách. Trước những vấn đề chính trị xã hội đòi hỏi vai trò, trách nhiệm của NHCSXH cùng cấp uỷ chính quyền thực hiện các giải pháp để giúp nhân dân phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Sứ mệnh ấy đã được đặt lên vai những cán bộ tăng cường - người chiến sỹ áo hồng mang trong mình bao nhiệt huyết chiến đấu trên mặt trận giảm nghèo bằng vốn tín dụng để đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân, hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ chính trị đề ra của NHCSXH và các cấp uỷ chính quyền địa phương…
Anh Phạm Văn Nhất - cán bộ tín dụng chính sách có năm thứ 4 anh gắn bó với mảnh đất huyện Trần Đề. Hỏi anh “nghĩa vụ” hai năm sao anh vẫn ở nơi này? Anh cười bảo, “thấy anh em ở trong này cực quá, nên xin ở lại thêm”. Đây là lần thứ hai anh Nhất tình nguyện xin ở lại hỗ trợ địa bàn. Hơn 2 năm làm Tổ trưởng Tổ kế hoạch nghiệp vụ, anh đã sát cánh cùng cán bộ địa phương tìm hiểu từng địa bàn, nhu cầu vay vốn, cũng như khó khăn của từng hộ vay để tìm ra các giải pháp phối hợp cùng các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền xã không để người nghèo và đối tượng chính sách có nhu cầu vay thiếu vốn sản xuất. Từng món vay đi vào cuộc sống hóa thành việc làm và thu nhập cho người dân, cũng là từng niềm vui thấm vào người cán bộ trẻ, gia tăng thêm niềm tin và nhiệt huyết làm tín dụng tại vùng đất này mà chưa tính đến ngày về.
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Sóc Trăng Trần Duy Đông cũng đã 3 năm gắn bó với mảnh đất này. Là người “cầm cân, nảy mực” hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, nhiệm vụ của anh không chỉ triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách mà còn phải củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng trên địa bàn tỉnh.
Từng làm Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Lào Cai, trải qua nhiều điạ bàn huyện khó khăn như huyện Si Ma Cai, anh cho biết: Cũng thật trùng hợp khi Sóc trăng và Lào Cai cũng có 27 đồng bào DTTS sinh sống. Lý do nghèo của đồng bào DTTS trên Lào Cai hay Sóc Trăng tương đồng là điều kiện thuận lợi cho một người làm quản lý tín dụng lâu năm như anh. Song cũng đầy thách thức khi địa văn hóa, địa khí hậu nơi đây hoàn toàn khác. Để thực hiện tốt công tác điều hành, chỉ đạo, anh thường xuyên về kiểm tra cơ sở ở 109 xã, phường, thị trấn, trong đó 15 xã thuộc vùng khó khăn và 2 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển. Mức dư nợ bình quân mặc dù được nâng dần qua các năm nhưng vẫn chưa cao, nợ quá hạn từng bước đã được kiềm chế nhưng nguy cơ tiềm ẩn; ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH vẫn chưa cao; việc lồng ghép giữa cho vay sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế…  
Để giải quyết những khó khăn đó, Ban lãnh đạo chi nhánh NHCSXH tỉnh đã đề ra giải pháp là phát huy năng lực đội ngũ 52 cán bộ đang tăng cường cho chi nhánh. Nhiều cán bộ mới từ các tỉnh về đã góp phần giúp đội ngũ cán bộ của chi nhánh được củng cố với nhiều sáng kiến góp phần tuyên truyền nhân rộng việc triển khai tín dụng trên điạ bàn… Công tác nhân sự nội bộ được chú trọng, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện hỗ trợ cán bộ mới tuyển dụng.
Hoạt động củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng của chi nhánh NHCSXH tỉnh Sóc Trăng vì thế ngày càng thấy rõ hiệu quả. Sau gần 5 năm triển khai, đến nay, chi nhánh đã xuất sắc hoàn thành toàn diện 5/5 chỉ tiêu chất lượng được giao về: tỷ lệ thu nợ gốc đến hạn, tỷ lệ thu lãi, tỷ lệ nợ quá hạn, chất lượng hoạt động giao dịch xã, chất lượng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Một số chỉ tiêu tăng vượt trội so với thời điểm trước đây, cụ thể đến thời điểm 31/12/2021, tổng dư nợ đạt 3.978 tỷ đồng, tăng 739 tỷ đồng so với 30/9/2018, tỷ lệ nợ quá hạn 1,39%, giảm 3,18% so với 30/9/2018; tỷ lệ thu nợ gốc đến hạn đạt 83,44%, tăng 27,62% so với 30/9/2018; tỷ lệ thu lãi đạt 101,39 %  tăng 6,46% so với 30/9/2018.
Hiện nay, NHCSXH đã rút 28 cán bộ tăng cường trở về đơn vị. Song vẫn còn 24 cán bộ tăng cường vẫn đang ở lại bám trụ mảnh đất này cùng 114 cán bộ tại chỗ đầy tinh thần đoàn kết, quyết tâm cùng chuyên môn vững vàng tiếp tục công tác xây dựng và tổ chức thực hiện những mục tiêu nâng cao về chất lượng tín dụng tại chi nhánh NHCSXH tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2 (2021 - 2023).

Minh Nguyễn - Việt Hải

Các tin bài khác