20 năm qua Quảng Ninh có 74 nghìn lượt hộ thoát nghèo
Sau 20 năm triển khai Nghị định 78, nguồn vốn chính sách đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Từ 2 chương trình tín dụng thực hiện vào cuối năm 2002 với dư nợ 169,4 tỷ đồng, đến nay chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Ninh thực hiện 20 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ đạt trên 3.745 tỷ đồng, gấp 21,1 lần so với năm 2002.
Clip: Tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ
Bên cạnh đó, toàn tỉnh thiết lập được mạng lưới 173 Điểm giao dịch của NHCSXH tại 177 xã, phường, thị trấn; xây dựng được mạng lưới 2.143 Tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động hiệu quả; nợ quá hạn và nợ khoanh là 1,96 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,052% trên tổng dư nợ. Nguồn vốn chính sách được tập trung đầu tư đã góp phần giúp cho 73.774 lượt hộ thoát nghèo; tạo việc làm cho 195.802 lao động; hỗ trợ cho 27.603 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; đầu tư 431.821 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, 14.092 lượt người lao động tại vùng DTTS được tiếp cận với nguồn vốn ngân sách địa phương để phát triển sản xuất.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khắng khẳng định hiệu quả, ý nghĩa, đóng góp to lớn của nguồn vốn tín dụng chính sách đối với sự phát triển trong 20 năm của tỉnh Quảng Ninh. Để phát huy hơn nữa hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp ủy, chính quyền địa phương và đơn vị tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện tốt các văn bản của Trung ương và tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; quan tâm bố trí ngân sách chuyển bổ sung ủy thác qua NHCSXH để tạo nguồn lực ổn định; nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị về vai trò của tín dụng chính sách trong việc thực hiện mục tiêu về giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới; phát huy hơn nữa hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội; lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tạo việc làm.
Cũng tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Thị Hằng đề nghị, thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tăng cường nguồn lực của địa phương cho chương trình giải quyết việc làm, nhà ở xã hội, HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; phát huy hơn nữa vai trò của tín dụng chính sách đối với phát triển của địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát, công khai hoạt động tín dụng chính sách.
Nhân dịp này, nhiều tập thể và cá nhân đã được các Bộ, ngành Trung ương, NHCSXH, UBND tỉnh Quảng Ninh trao tặng Bằng khen, Vinh danh và Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong 20 năm triển khai thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ.
Cao Quỳnh
Các tin bài khác
- » Đoàn cán bộ cấp cao ASDP - Nepal làm việc tại VBSP
- » Hành trình 20 năm tận tâm, đồng hành phục vụ người nghèo Hải Dương
- » Quảng Ngãi thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội
- » Tỉnh Hà Nam có 417 nghìn lượt hộ nghèo được vay vốn
- » Hơn 138 nghìn hộ ở Trà Vinh thoát nghèo từ nguồn vốn chính sách
- » Tín dụng chính sách góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa tỉnh Điện Biên
- » 20 năm tín dụng chính sách trên quê hương đất Tổ
- » Tiền Giang 20 năm đồng hành cùng người dân trong công cuộc giảm nghèo
- » Gần 73 nghìn lượt hộ đồng bào DTTS Lai Châu thoát nghèo (VTV1 - 17h00 - 16.9.2022)
- » 112 nghìn hộ dân Lào Cai được vay vốn chính sách để thoát nghèo