Quảng Ngãi thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

17/09/2022
(VBSP News) Trong 20 năm qua, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, nhất là từ sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, việc tổ chức triển khai tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh (Nghị định 78) đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trao đổi xoay quanh nội dung này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi (ảnh bên).

image001

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, thời gian qua, Tỉnh ủy đã triển khai, lãnh đạo, chỉ đạo như thế nào để thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW?

Trả lời: Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt một cách sâu rộng và toàn diện trong cán bộ, đảng viên đến các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng trên địa bàn tỉnh. Với quyết tâm chính trị cao, Tỉnh ủy đã yêu cầu cấp ủy, chính quyền các địa phương, cơ quan liên quan trên địa bàn, đặc biệt là các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, đảm bảo nguồn vốn ưu đãi đến đúng địa chỉ, đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Mặc dù, nguồn ngân sách tỉnh còn hạn chế, nhưng Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm, dành một phần nguồn vốn ngân sách ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm, nhằm đáp ứng đủ nguồn vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đầu tư phát triển kinh tế gia đình, mở rộng mô hình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương. Đến nay, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH đạt 300 tỷ đồng.

Phóng viên: Đồng chí đánh giá như thế nào về hiệu quả của tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh trong 20 năm qua?

Trả lời: Từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 78, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã tập trung, định hướng đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Trong 20 năm qua, nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi thông qua NHCSXH, đã chuyển tải trên 12,4 nghìn tỷ đồng, tạo điều kiện cho trên 680 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đủ nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 9,11%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 7,08%; có 92/173 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.  

image002

Từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Sơn Hà đã có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững

Những thành tựu đạt được trong 20 năm qua cho thấy, mô hình, mạng lưới, phương thức hoạt động của NHCSXH ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đã đem lại hiệu quả thiết thực. Các chính sách, thông tin được công khai, minh bạch dưới sự kiểm tra, giám sát của ngân hàng, các tổ chức chính trị - xã hội được ủy thác và của chính người vay. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã trở thành công cụ hữu hiệu, là một trong những “trụ cột” trong các chính sách giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, những nội dung trọng tâm mà Tỉnh ủy sẽ chỉ đạo để phát huy vai trò của các cấp ủy trong lãnh đạo hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới?

Trả lời: Thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong chỉ đạo tổ chức thực hiện tín dụng chính sách, nhất là vai trò, trách nhiệm của chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn.

Cùng với đó là, tiếp tục chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để tập trung nguồn lực cho NHCSXH thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Cân đối, ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Xin cảm ơn đồng chí!  

Hồng Hoa thực hiện

Các tin bài khác