Tiền Giang 20 năm đồng hành cùng người dân trong công cuộc giảm nghèo
Sau 20 năm thực hiện chính sách tín dụng, có thể khẳng định rằng Nghị định 78 là chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, hợp lòng dân. Chính sách tín dụng ưu đãi cùng với chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương đã góp phần quan trọng để tỉnh Tiền Giang tạo ra một bước đột phá lớn, thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới, phục hồi, phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Clip: Tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ
Chi nhánh NHCSXH tỉnh Tiền Giang đã tập trung huy động được nguồn vốn lớn, tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Trong 20 năm qua, chi nhánh đã giải ngân cho hơn 789.151 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; góp phần giúp cho 129.169 hộ thoát nghèo và thoát cận nghèo; thu hút 99.394 lao động có việc làm; giúp 92.074 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; xây dựng 217.261 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; 599 lao động thuộc hộ gia đình nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. Bên cạnh đó còn hỗ trợ 143 hộ gia đình người lao động có thu nhập thấp được vay vốn nhà ở xã hội để mua, xây dựng mới và sửa chữa các ngôi nhà ở khang trang; hỗ trợ 46 doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 36.055 lượt lao động; giúp cho 961 HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến; hỗ trợ 24 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập vay vốn do bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Từ nguồn vốn hỗ trợ của chính sách tín dụng, nhiều mô hình, dự án làm ăn hiệu quả như: mô hình đan lát ở xã Thân Cửu Nghĩa, dệt chiếu ở xã Long Định, cải tạo vườn cây ăn trái ở xã Vĩnh Kim, xã Bàn Long, xã Kim Sơn (huyện Châu Thành); mô hình nuôi gà, chim cút, cá ở xã Lương Hòa Lạc, xã Phú Kiết (huyện Chợ Gạo)… Một số điển hình về thoát nghèo từ nguồn vốn hỗ trợ từ chính sách tín dụng như: Hộ bà Phan Thị Mai ở ấp Mỹ Phú, xã Phước Thanh, huyện Châu Thành, trước đây là hộ nghèo, kinh tế gia đình khó khăn. Tận dụng hiệu quả nguồn vốn vay NHCSXH 100 triệu đồng để trồng khóm và thuê đất trồng sen, gia đình bà hiện đã có thu nhập ổn định, thoát nghèo. Hay gia đình ông Phan Bá Duy ở ấp Mỹ Phú, xã Thiện Trí, huyện Cái Bè đã thoát diện hộ nghèo nhờ vào số vốn vay 30 triệu đồng để chăm sóc vườn sầu riêng và 20 triệu đồng cho sinh viên vay để nuôi con học đại học.
Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu với tổng dư nợ chỉ hơn 110 tỷ đồng, sau 20 năm thành lập, chi nhánh NHCSXH tỉnh Tiền Giang đã triển khai cho vay 14 chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ đạt 3.452 tỷ đồng, với 104.224 hộ còn dư nợ, tăng 39 lần so với thời điểm mới thành lập. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đầu tư đến 172 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.
Phát biểu tại Hội nghị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Dũng yêu cầu chi nhánh NHCSXH tỉnh Tiền Giang tiếp tục tập trung triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định số 1630/QĐ-TTg ngày 28/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ và các công văn chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, đặc biệt quan tâm tập trung nguồn lực, nhất là nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để tổ chức triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần nhận thức sâu sắc và xác định rõ vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu về giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt quan tâm gắn triển khai tín dụng chính sách với các chương trình, mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi cơ cấu kinh tế của mỗi địa phương trong từng giai đoạn.
Cũng tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Huỳnh Văn Thuận đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo, chính quyền của tỉnh Tiền Giang trong thực hiện Nghị định 78, thực hiện tốt phương thức ủy thác, nợ quá hạn thấp hơn toàn quốc; góp phần lành mạnh hóa tín dụng, hạn chế tín dụng đen. Phó Tổng Giám đốc cũng yêu cầu chi nhánh NHCSXH tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả đạt được, triển khai hiệu quả tín dụng chính sách để phát triển kinh tế - xã hội; duy trì và tiếp tục phát huy hiệu quả các mô hình hỗ trợ người nghèo; thực hiện tốt công tác ủy thác, phối hợp cho vay vốn và đào tạo nghề; thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội.
Nhân dịp này, Hội nghị đã trao 02 Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho 01 tập thể, 01 cá nhân; 02 Bằng khen của TW Hội Nông dân Việt Nam 01 tập thể, 01 cá nhân; Bằng khen của UBND tỉnh Tiền Giang cho 18 tập thể và 21 cá nhân; Giấy khen của Tổng Giám đốc NHCSXH cho nhiều tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc triển khai và thực hiện Nghị định 78 trên địa bàn tỉnh.
Hữu Chí
Các tin bài khác
- » Đoàn cán bộ cấp cao ASDP - Nepal làm việc tại VBSP
- » Hành trình 20 năm tận tâm, đồng hành phục vụ người nghèo Hải Dương
- » Gần 73 nghìn lượt hộ đồng bào DTTS Lai Châu thoát nghèo (VTV1 - 17h00 - 16.9.2022)
- » 112 nghìn hộ dân Lào Cai được vay vốn chính sách để thoát nghèo
- » Lào Cai tự hào thành quả 20 năm thực hiện Nghị định 78 (THLC - 15.9.2022)
- » Nguồn lực quan trọng cho công cuộc giảm nghèo ở Lào Cai
- » Nam Định tổng kết 20 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội
- » Dấu ấn nguồn vốn chính sách trên quê hương nông thôn mới
- » Bắc Ninh tổng kết 20 năm triển khai Nghị định về tín dụng chính sách xã hội
- » Bắc Ninh phát huy hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội