“Vốn mồi” cho những thương binh trên mặt trận nông nghiệp
Trở về từ mặt trận cam go
Thương binh 2/4 Hồ Văn Hợi ở Phước Thành, phường 7, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) được vay vốn 50 triệu đồng từ NHCSXH vào năm 2016 cho biết: “Nguồn vốn hiện chưa đủ cho gia đình tôi để đầu tư cơ sở vật chất làm nhà lồng, vì một sào nhà lồng chỉ tính riêng khung sắt với nilon thôi đã tiêu tốn 150 triệu đồng. Vậy nên tôi sử dụng nguồn vốn tích lũy của gia đình cùng với vốn vay chính sách làm được 2 sào nhà lồng trồng hoa và có cơ hội phát triển từ đó”.
Để không phải lo lắng nguồn trả nợ sau này, mỗi tháng gia đình ông Hợi gửi tiết kiệm 500 nghìn đồng, hơn một năm nay đã tích lũy được 13 triệu đồng. Ông dự định, tới năm cuối cùng còn bao nhiêu sẽ gom tiền trả hết, vừa nhẹ nhàng lại không ảnh hưởng tới các kế hoạch khác của gia đình. Gia đình ông Hợi gắn bó với NHCSXH khoảng 10 năm trước, vay vốn hộ nghèo và HSSV có hoàn cảnh khó khăn cho 3 con đi học… đều hoàn trả hết nợ vay. Đến nay, ông chỉ còn nợ NHCSXH 50 triệu đồng. Vợ chồng ông cùng 4 người con trai quây quần trong căn nhà xây đơn giản, ấm cúng. Hồi trẻ, ông Hợi đi dân quân du kích, rồi tham gia lực lượng cơ động của phường, tham gia truy quét Fulro ở Đa Chais, Đa Thiện…
Người thương binh vượt khó làm giàu
Ở phường 7, TP Đà Lạt không ai lại không biết thương binh 1/4 Phan Văn Được trở về từ chiến trường Campuchia, bị mất một phần ba lá gan ở độ tuổi đẹp nhất đời người - 20 tuổi. Ông làm 7 sào nhà lồng trồng hoa cùng vợ và các người con, đồng thời, thuê thêm vài lao động những khi nhiều việc. Với 7 sào nhà lồng trồng hoa, nhà ông Được trồng luân phiên nên lúc nào cũng có vườn đang rộ bông. Mỗi sào bông, gia đình ông thu về 100 triệu đồng, nhưng mất một nửa là chi phí ban đầu. Vì vậy, 50 triệu đồng NHCSXH cho vay đã giúp gia đình ông “thong thả được một lứa bông”. Ông cũng cất riêng mỗi tháng 200 nghìn để gửi tiết kiệm qua Tổ tiết kiệm và vay vốn. Dù vốn vay từ NHCSXH chưa nhiều nhưng với những hộ gia đình như ông cũng là nguồn động lực lớn để phát triển sản xuất. Hầu như gia đình nào làm vườn đều phải vay vốn chính sách làm “vốn mồi” dựng nhà lồng. Vì nếu không làm nhà lồng, ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu, năng suất không cao, dẫn đến thu nhập chẳng đâu vào đâu. Hoặc, các hộ dân xung quanh làm nhà lồng hết, mình ở giữa, không làm nhà lồng cũng không thể trồng trọt được.
Ông Nguyễn Thanh Phương - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn cho biết thêm: “Tổ có 39 tổ viên vay trên 1,6 tỷ đồng của NHCSXH. Trong tổ có 3 CCB đều tham gia sản xuất nông nghiệp và đều là những hộ nông dân sản xuất hiệu quả, sử dụng vốn vay đúng múc đích, mang lại lợi ích kinh tế cao cho gia đình và xã hội”.
Bài và ảnh Lê Hoa
Các tin bài khác
- » Mang Yang ưu tiên nguồn lực chăm lo gia đình chính sách
- » Phong trào thi đua của hội viên CCB Quỳ Châu
- » Vốn vay ưu đãi đồng hành cùng hộ nghèo
- » Tiếp sức cho người nghèo
- » Nhân lên lợi nhuận
- » Hiệu quả chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo tại Bắc Ninh
- » Bí quyết thoát nghèo của nông dân Long Phước
- » Tình người sau lũ
- » Những người lính ở Nam Đàn trên mặt trận giảm nghèo
- » “Đền ơn đáp nghĩa” bằng trách nhiệm, nghĩa tình