Hiệu quả chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo tại Bắc Ninh
Trong ngôi nhà khang trang mới xây của gia đình chị Phạm Thị Luyên ở thôn Thi, xã Đào Viên, không ai nghĩ gia đình chị trước đây là hộ nghèo. Chị Luyên chia sẻ “Niềm vui như nhân đôi khi vừa ra khỏi danh sách hộ nghèo, lại được tiếp cận nguồn vốn mới. May có chính sách của Nhà nước, được ngân hàng cho vay vốn với chu kỳ dài, lãi suất hợp lý mà gia đình tôi đầu tư phát triển kinh tế, từng bước vươn lên trong cuộc sống”. Vốn là khách hàng của NHCSXH từ khi còn là hộ nghèo, năm 2015 gia đình chị đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo hoàn trả vốn cho ngân hàng. Khi NHCSXH triển khai cho vay hộ mới thoát nghèo, chị Luyên đề đạt nguyện vọng và được bình xét vay 50 triệu đồng vào đầu năm 2016. Từ vốn vay ngân hàng cộng với nguồn thu của gia đình, chị Luyên mua 2 cặp bò sinh sản về nuôi. Trung bình mỗi năm cũng có 2 bê con bán với giá 15 triệu đồng/con. Ngoài nuôi bò sinh sản, gia đình kết hợp chăn nuôi lợn, gà và trồng lúa. Với đà này, gia đình chị Luyên không còn sợ vòng luẩn quẩn đói nghèo tiếp diễn mà vươn lên thoát nghèo bền vững.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thảo ở thôn Thượng, xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du là một trong những hộ mới thoát nghèo sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi. Không giấu được niềm vui, chị Thảo tâm sự: “Gia đình được vay 25 triệu đồng vốn hộ nghèo năm 2012 đầu tư chăn nuôi tổng hợp, năm 2015 thoát nghèo trả nợ đến hạn theo quy định. Tuy nhiên, trong lòng luôn lo sợ vì trả nợ xong, nguồn vốn tái sản xuất chẳng còn là bao, nếu không may gặp “biến cố” rất dễ bị tái nghèo. Đúng lúc đó, được tin NHCSXH phổ biến Quyết định mới của Chính phủ cho vay ưu đãi đối với các hộ mới thoát nghèo, tôi đề nghị và được Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn, được NHCSXH huyện giải ngân cho vay 50 triệu đồng. Có vốn trong tay, tôi tiếp tục tái đầu tư chăn nuôi, mua 2 cặp bò sinh sản, vừa rồi xuất bán 1 bê con thu được 18 triệu đồng. Hiện gia đình tôi vừa nuôi bò sinh sản kết hợp nuôi lợn, gà. Nguồn vốn chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo đã thực sự là trợ lực giúp gia đình tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế không sợ tái nghèo”.
Có thể khẳng định nguồn vốn cho vay hộ mới thoát nghèo được coi là một trong những chương trình tín dụng có sức lan tỏa lớn, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng cao của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là các hộ dân. Nguồn vốn này kịp thời tiếp sức cho hộ mới thoát nghèo tiếp tục có điều kiện đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. 6 tháng đầu năm, NHCSXH các huyện trên địa bàn tỉnh giải ngân cho vay mới trên 70 tỷ đồng chương trình hộ mới thoát nghèo, nâng tổng dư nợ lên 294 tỷ đồng. Để đồng vốn chính sách được sử dụng hiệu quả, chính quyền các cấp và các tổ chức hội, đoàn thể, các Tổ tiết kiệm và vay vốn cần định hướng, tư vấn cho hộ vay về phương án làm ăn trước khi vay; tăng cường giúp đỡ, giám sát hộ vay trong quá trình sử dụng vốn, có như vậy mới giúp được hộ vay hạn chế được các rủi ro, vốn đầu tư sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.
Theo Hà Linh Báo Bắc Ninh
Các tin bài khác
- » Bí quyết thoát nghèo của nông dân Long Phước
- » Tình người sau lũ
- » Những người lính ở Nam Đàn trên mặt trận giảm nghèo
- » “Đền ơn đáp nghĩa” bằng trách nhiệm, nghĩa tình
- » CCB Bố Trạch vượt khó vươn lên từ đồng vốn chính sách
- » CCB Cao Phong giúp nhau làm kinh tế giỏi
- » Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ủy thác
- » Lan tỏa phong trào CCB làm theo lời Bác
- » Cần tạo động lực cho đồng bào DTTS phát triển kinh tế
- » Khát vọng đổi đời của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận