“Đền ơn đáp nghĩa” bằng trách nhiệm, nghĩa tình
Vốn vay đến với các đối tượng chính sách
Để giúp gia đình người có công với Cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân địa phương, thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” và “Uống nước nhớ nguồn”, trong đó có việc giải quyết vốn vay ưu đãi để người có công, gia đình chính sách được thụ hưởng. Cũng nhờ nguồn vốn vay đó, các gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh nêu cao ý thức tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Từ đó bảo đảm hơn 99% người có công trong tỉnh có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.
Theo thống kê của NHCSXH tỉnh Bình Dương, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức hội, đoàn thể hơn 2 tỷ đồng, chiếm 98,3% tổng dư nợ. Số vốn ủy thác này được chuyển cho Hội Nông dân, Hội CCB, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên xem xét hỗ trợ cho các đối tượng vay vốn. Trong số đó là tạo điều kiện cho con em gia đình chính sách, người có công được vay vốn để tăng gia sản xuất, tạo việc làm. Chỉ tính riêng Hội CCB với đối tượng chính là thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, trong 6 tháng đầu năm 2018 đã có gần 10 nghìn hộ vay còn dư nợ.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Bình Dương Võ Văn Đức cho biết bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thời gian qua, bằng việc tranh thủ tối đa nguồn vốn từ TW, ngay từ những ngày đầu thành lập, NHCSXH tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn vay, tạo điều kiện để người dân thụ hưởng nhiều hơn kênh tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Với chủ trương “trực tiếp, tại chỗ, gần dân, sát dân”, NHCSXH đã kiên trì theo đuổi mô hình tổ chức, quản lý và phương thức cấp tín dụng đặc thù thông qua ủy thác cho các tổ chức hội, đoàn thể. Ngoài việc thực hiện tốt công tác cho vay, các tổ chức hội, đoàn thể còn tập trung chỉ đạo các Tổ tiết kiệm và vay vốn tăng cường tuyên truyền, vận động người dân sử dụng hiệu quả vốn vay.
Nâng cao đời sống
Với việc cho vay, định hướng sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, nhiều hộ gia đình chính sách, người có công đã thoát nghèo, trở thành “tiêu điểm” cho các hộ khác noi theo. Đơn cử như gia đình ông Trần Văn Mười, phường Tân An, TP Thủ Dầu Một, ông đã tham gia chiến trường Campuchia từ năm 1985 và hiện nay là hội viên CCB phường. Xét điều kiện, hoàn cảnh gia đình ông khó khăn và là đối tượng được thụ hưởng vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, Tổ tiết kiệm và vay vốn của khu phố đã lập danh sách đề nghị xem xét cho gia đình ông vay 50 triệu đồng. Ban đầu ông dùng số tiền đó nuôi lớn, chim cút. Có lãi từ mô hình chăn nuôi trên, gia đình ông đã trả dứt điểm tiền vay trong 3 năm. Mới đây, ông vay lại 50 triệu đồng để trồng tre lấy măng cho thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng.
Ông Võ Văn Đức khẳng định, trong thời gian tới, NHCSXH sẽ tiếp tục triển khai đầy đủ các chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho người có công. Để tất cả các đối tượng được thụ hưởng biết thông tin, NHCSXH tỉnh Bình Dương tích cực tuyên truyền; đồng thời đề nghị hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn các gia đình làm đơn đề nghị vay vốn. Với lãi suất thấp, các gia đình chính sách, người có công còn khó khăn sẽ có điều kiện xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, SXKD để nhanh chóng vươn lên làm giàu.
Bài và ảnh Thiên LýBáo Bình Dương
Các tin bài khác
- » CCB Bố Trạch vượt khó vươn lên từ đồng vốn chính sách
- » CCB Cao Phong giúp nhau làm kinh tế giỏi
- » Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ủy thác
- » Lan tỏa phong trào CCB làm theo lời Bác
- » Cần tạo động lực cho đồng bào DTTS phát triển kinh tế
- » Khát vọng đổi đời của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận
- » Hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội vùng cao biên giới Lào Cai
- » Hiệu quả cho vay đồng bào DTTS ở Sơn La
- » Vốn vay chính sách tiếp sức cho mô hình sản xuất nông nghiệp mới
- » Krông Pa tập trung đẩy mạnh giảm nghèo trong vùng DTTS