Krông Pa tập trung đẩy mạnh giảm nghèo trong vùng DTTS
Krông Pa là huyện có đông đồng bào DTTS sinh sống, chiếm trên 70% dân số toàn huyện song đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao chiếm hơn 90% số hộ nghèo toàn huyện với gần 4.400 hộ. Trong đó, nguyên nhân nghèo đa phần là do thiếu vốn sản xuất và tập quán canh tác còn nhiều hạn chế. Do đó, một trong những giải pháp hàng đầu được huyện Krông Pa xác định là giúp bà con tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước và định hướng giúp bà con sử dụng phát huy được hiệu quả vốn vay.
Ông Nguyễn Khắc Dưng - Chủ tịch UBND xã Phú Cần, huyện Krông Pa cho biết: “Bằng các chương trình Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn từ NHCSXH xã Phú Cần tập trung cho hộ nghèo, giúp họ thoát nghèo. Và UBND xã tập trung vận động nhân dân mở các lớp tập huấn về sản xuất, chăn nuôi để giúp bà con am hiểu cách thức sản xuất để thoát nghèo”.
Bà Phùng Thị Tố Trinh - Giám đốc NHCSXH huyện Krông Pa cho biết: “Thời gian qua ngân hàng đã tăng cường tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ưu tiên phân bổ nguồn vốn cho vùng có hộ đồng bào DTTS cao; thứ 2 nữa là tranh thủ các nguồn vốn của TW và của cấp trên tăng cường cho các hộ nghèo, hộ DTTS với mục đích là giảm tỷ lệ hộ nghèo, đồng thời tăng cường phối hợp với các hội, đoàn thể ở cơ sở để bình xét, kiểm tra hiệu quả vốn vay để họ làm ăn có hiệu quả hơn”.
Theo thống kê, hiện dư nợ cho hộ đồng bào DTTS vay tại NHCSXH huyện Krông Pa chiếm hơn 66% tổng dư nợ với trên 180 tỷ đồng có gần 7.000 lượt hộ vay. Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách mà từ năm 2012 đến nay, toàn huyện Krông Pa đã có 1.570 hộ đồng bào DTTS thoát nghèo, 560 hộ thoát cận nghèo.
Chị Ksor H’Kruái ở buôn Thim, xã Phú Cần, huyện Krông Pa nói: “Gia đình tôi trước đây là hộ nghèo được các cấp tạo điều kiện cho vay 30 triệu đồng để mua 3 con bò; cộng thêm trồng ngô nên cuối năm 2017 gia đình tôi đã thoát được nghèo, nay bán bớt 1 con bò để sửa lại nhà ở”.
Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là với tập quán canh tác còn những hạn chế nhất định; nhiều bà con không dám tiếp cận với vốn vay ưu đãi. Thêm vào đó là tâm lý trông chờ ỷ lại sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước. Do đó, huyện Krông Pa xác định để đẩy nhanh công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS thì vấn đề mấu chốt là thay đổi nhận thức của người dân.
Ông Nguyễn Văn Hường - Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Krông Pa cho biết: “Chúng tôi tập trung công tác tuyên truyền, vận động người dân để cho người dân thấy được việc nghèo đói thì mình phải vươn lên thoát nghèo, tránh trông chờ ỷ lại Đảng và Nhà nước. Thứ 2 nữa là rà soát lại tất cả các tiêu chí liên quan tới hộ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều; trên cơ sở đó chúng tôi xác định được nguyên nhân nghèo để có chính sách hỗ trợ riêng cho các đối tượng”.
Công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS đang là vấn đề được các địa phương đặc biệt quan tâm song lại gặp không ít khó khăn. Do đó, cùng với sự quan tâm, đầu tư hỗ trợ của Nhà nước thì người dân cần thay đổi nhận thức về tập quán sinh hoạt, sản xuất và có ý thức vươn lên trong cuộc sống.
Theo Hải Toàn Đài PT&TH tỉnh Gia Lai
Các tin bài khác
- » Điểm sáng Lộc Bình
- » Nam Định nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay
- » Tọa đàm “Dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động cho người nghèo và phụ nữ Việt Nam - Cơ hội và thách thức”.
- » Đưa vốn đến người có công
- » Nhịp cầu dẫn vốn thân thương trên rẻo cao Đakrông
- » Thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi
- » Tín hiệu tốt của xã thuần nông
- » Nguồn vốn ưu đãi giúp nhiều hộ dân thoát nghèo
- » Cầu nối quan trọng dẫn vốn ưu đãi
- » Mang vốn đến cho đồng bào vùng cao