Nhịp cầu dẫn vốn thân thương trên rẻo cao Đakrông
Với huyện Đakrông (Quảng Trị), trong nhiều năm qua, việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách luôn được chú trọng, đặc biệt quan tâm đến xây dựng mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn, bầu chọn đội ngũ Tổ trưởng nhiệt tình, có đủ năng lực về quản lý kinh tế, tín dụng cùng giúp bà con tính toán làm ăn, trao đổi kinh nghiệm SXKD, cách sử dụng vốn vay ưu đãi hiệu quả, hỗ trợ nhau lúc khó khăn, thực hành tiết kiệm, góp phần nâng cao chất lượng nguồn tín dụng chính sách, thực hiện thành công chương trình giảm nghèo bền vững và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở vùng miền núi dân tộc.
Theo báo cáo, đến nay có hơn 96% số Tổ tiết kiệm và vay vốn được xếp loại khá, tốt. Hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn ở 14/14 xã, thị trấn huyện Đăk rông luôn đảm bảo “3 đủ”: Đủ thành viên tham gia sinh hoạt; đủ vốn hoạt động và đủ Tổ trưởng có kiến thức quản lý đã làm cho hoạt động của tổ đi vào nề nếp trở thành “nhịp cầu vững chắc” giúp nhiều người nghèo tiếp cận kịp thời nguồn vốn vay ưu đãi vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Điển hình có Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Khe Luồi, xã Mò Ó với 47 hộ là đồng bào dân tộc Vân Kiều tham gia sinh hoạt. Dư nợ tín dụng chính sách đạt 1,6 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chương trình hộ nghèo, hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn và hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn. Đồng vốn vay đã được các hộ vay tập trung sử dụng vào phát triển chăn nuôi sinh lời, cải tạo ruộng nương, chuyển đổi cây trồng có năng suất cao, trồng rừng, bảo vệ rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc. Cùng đó, liên tục từ năm 2013 đến nay không một tổ viên nào thuộc Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Khe Luồi chậm nộp lãi vay và không có nợ quá hạn.
Góp phần làm nên thành tích đó phải kể đến cô gái người dân tộc Vân Kiều Hồ Thị Ngoai, vừa bước sang tuổi 30 nhưng đã có chẵn 10 năm liền làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Khe Luồi.
Hồ Thị Ngoai kể, trước đây, làng quê Khe Luồi nói riêng và xã Mò Ó nói chung vốn xa xôi, hẻo lánh, điều kiện còn rất nhiều khó khăn. Đồng bào dân tộc Vân Kiều, Cà Tu chỉ biết gieo lúa, tỉa bắp trên nương đồi theo lối tự cung, tự cấp và đời sống luôn phụ thuộc vào thiên nhiên. Cuộc sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận KHKT, bên cạnh đó trình độ văn hóa còn thấp, kinh nghiệm sản xuất còn nghèo nàn, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, khiến cho việc phát triển sinh kế gặp không ít khó khăn. Do đó, vấn đề xây dựng cho các hộ dân nơi đây những phương hướng, giải pháp giúp nâng cao sinh kế, đặc biệt là sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ để cải thiện mức sống hằng ngày cho người dân là hết sức cần thiết, qua đó giúp đồng bào nơi đây thay đổi tư duy, làm ăn phát triển kinh tế.
Được Hội Phụ nữ và NHCSXH huyện trực tiếp động viên, giúp đỡ, tập huấn kiến thức quản lý, năm 2008 Hồ Thị Ngoai được bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. “Vậy là chính thức từ đầu năm 2008 được bà con tín nhiệm bầu chọn, mình bắt tay làm Tổ trưởng, tham gia tập huấn nghiệp vụ, lập chứng từ sổ sách, điều hành họp tổ, bình xét việc vay vốn, đôn đốc, kiểm tra các hộ vay sử dụng vốn đầu tư vào sản xuất. Công việc trước lạ sau quen, mình đã hoàn thành tốt công việc bằng sự cố gắng của bản thân cộng với sự giúp đỡ của cán bộ NHCSXH, của hội, đoàn thể và bà con trong tổ”, Hồ Thị Ngoai tâm sự.
Để bà con trong thôn luôn nắm bắt kịp thời những chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng ưu đãi, Tổ trưởng Hồ Thị Ngoai luôn coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến và tích cực vận động bà con mạnh dạn vay vốn. Bên cạnh đó, chị còn hướng dẫn tỉ mỉ cách thức sử dụng vốn vay trong sản xuất. Đồng thời trong những buổi sinh hoạt tổ, bên cạnh việc tổ chức bình xét dân chủ, công khai việc vay vốn, buổi sinh hoạt còn là nơi trao đổi kinh nghiệm sử dụng vốn vay với việc đưa tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh đồi bắp, vườn hồ tiêu, cà phê, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Theo hướng dẫn của Tổ trưởng Ngoai, chúng tôi đến thăm gia đình bà Hồ Thị Thoảng ở thôn Khe Luồi là hộ nghèo. Được vay 30 triệu đồng, gia đình bà Hồ Thị Thoảng đầu tư vào trồng cà phê và nuôi bò vỗ béo. Được đồng vốn tiếp sức kịp thời cộng với bản tính siêng năng lao động, cặp bò béo khỏe mạnh, vườn cây được mùa, được giá, tạo ra một khoản thu nhập khá, vừa đủ trả lãi đến kỳ cho ngân hàng, vừa để gia đình tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất. “Nhờ tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn và vay vốn ưu đãi từ NHCSXH, cuộc sống gia đình đã ổn định, có cơ hội thoát nghèo bền vững trong năm nay”, chị Hồ Thị Thoảng chia sẻ.
Chính sự thật thà, nhiệt tình công tác của cô gái Vân Kiều làm Tổ trưởng đã tạo được niềm tin yêu gắn kết giữa Tổ tiết kiệm và vay vốn với thành viên và còn như “nhịp cầu thân thương” vững bền đưa ngân hàng đến với đồng bào dân tộc rẻo cao xa xôi. Tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn, bà con không những thấy rõ lợi ích thiết thực do nguồn vốn ưu đãi mang lại, qua đó mạnh dạn xóa bỏ tính tự ti, ngại ngần, đã mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững.
Đánh giá về Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn, Giám đốc NHCSXH huyện Đăkrong Ngô Văn Bảo cho biết: “Hiện nay, NHCSXH huyện có 164 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Hầu hết các Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn làm tốt công tác quản lý nguồn vốn vay từ khâu bình xét, lựa chọn người vay, kiểm tra, đôn đốc người vay trong việc sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Các tổ đều được thành lập và hoạt động theo địa bàn thôn, xóm. Định kỳ hằng năm, các Tổ tiết kiệm và vay vốn được NHCSXH tỉnh, huyện và hội, đoàn thể nhận ủy thác các cấp tập huấn nghiệp vụ quản lý vốn. NHCSXH huyện cũng thường xuyên củng cố hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn, tập trung nâng cao chất lượng tín dụng, từng bước mang lại hiệu quả vốn vay, đóng góp tích cực vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Thực tế cho thấy, Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Khe Luồi nói riêng và mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn ở huyện biên giới Đăkrông cùng đội ngũ Tổ trưởng từ khi được củng cố, sắp xếp lại đã và đang tác động tích cực, giúp đồng bào dân tộc chuyển biến nhận thức và cách thức sử dụng vốn vay ưu đãi đúng mục đích, đạt hiệu quả hơn trong phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm, tăng thu nhập, dựng xây cuộc sống mới tươi vui, hạnh phúc.
Bài và ảnh Đông Dư - Lương Xuân
Các tin bài khác
- » Thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi
- » Tín hiệu tốt của xã thuần nông
- » Nguồn vốn ưu đãi giúp nhiều hộ dân thoát nghèo
- » Cầu nối quan trọng dẫn vốn ưu đãi
- » Mang vốn đến cho đồng bào vùng cao
- » Người K’ho thoát nghèo
- » Nữ Tổ trưởng hết mình vì công việc
- » Người ăn cơm nhà, vác tù và
- » Điểm tựa của người dân vùng sâu
- » Những “cầu nối” giúp người nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi