Người ăn cơm nhà, vác tù và
Tổ tiết kiệm và vay vốn là nền tảng để nâng cao hiệu quả và chất lượng vốn tín dụng, tổ hoạt động tốt, tương trợ, phổ biến kinh nghiệm giúp người vay sử dụng vốn đúng mục đích, tạo thu nhập. Tổ cũng là nơi đề xuất những đối tượng thuộc diện vay có nhu cầu vay vốn bảo đảm thực hiện được mục tiêu công khai, dân chủ cũng là việc giám sát của cộng đồng trong việc vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, hạn chế tiêu cực phát sinh trong việc sử dụng nguồn lực của Nhà nước.
“Có lẽ đến nay mới có dịp để tôi nói lên những cảm nhận rất thật về cái nghề được coi là “Ăn cơm nhà mà lo chuyện thiên hạ”, chị Thiên Thị Nên - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xã Phước Ninh, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) kể về cái nghề của mình sau 15 năm. Sinh ra và lớn lên trên vùng đất quanh năm hạn hán mất mùa, cuộc sống của chị khốn khó như bao người dân nghèo vùng này. Họ sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, làm thuê, làm mướn, cuộc sống khó khăn song lại rất e ngại vay mượn dù là Chính phủ hỗ trợ, có lãi suất thấp. Nhiều hộ sợ sử dụng vốn không hiệu quả, không trả được nợ gốc và lãi cho ngân hàng.
Phải làm sao vận động hộ gia đình nghèo tích cực tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn, giúp bà con hiểu được cách làm ăn và sử dụng đồng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, luôn là câu hỏi thôi thúc chị. Kiên trì vận động “mưa dần thấm đất”, chị đã giúp nhiều hộ nghèo dần hiểu được những lợi ích mà nguồn vốn ưu đãi mang lại. Hằng tháng, chị tổ chức sinh hoạt tổ, trao đổi với các thành viên để nắm bắt quá trình sử dụng vốn vay của từng hộ và đưa ra những nhận xét để các tổ viên rút kinh nghiệm, tránh tình trạng sử dụng vốn vay sai mục đích, không có hiệu quả, để nợ, lãi tồn đọng. Dòng vốn được bình xét ưu tiên cho những hộ khó khăn đang cần vốn để đầu tư phát triển SXKD cần ưu tiên, tạo điều kiện cho vay với nguồn vốn cao nhất.
Thành viên có vốn rồi, chị lại càng sát sao quan tâm tư vấn hướng sản xuất phát triển kinh tế, không bỏ mặc thành viên tự tìm hướng đi. Đến khi hộ vay gặp khó khăn hoặc xảy ra rủi ro trong quá trình sử dụng vốn, chị kịp thời báo cáo để cấp trên có hướng khắc phục và giúp đỡ. Chị khuyến khích tổ viên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật gieo trồng, chăn nuôi, áp dụng KHKT vào sản xuất do các ngành chức năng tổ chức để các thành viên chọn cho mình những mô hình phát triển kinh tế phù hợp. Thành viên tham gia sinh hoạt tổ vì thế ngày càng nhiều.
Đến giữa năm 2017, số lượt tổ viên tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn do chị làm Tổ trưởng là 102 lượt tổ viên, được NHCSXH cho vay vốn với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng. Trong 15 năm qua, trong Tổ tiết kiệm và vay vốn của chị đã có 95 lượt hội viên được vay vốn ưu đãi, phát triển kinh tế; trong số đó đã có 35 hộ thoát nghèo bền vững, trở thành hộ khá.
Điển hình như gia đình bà Đàng Thị Kim Lý trước đây rất nghèo, không có nhà cửa, ruộng đất, nhờ vay vốn hộ nghèo 15 triệu đồng và 5 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn về đầu tư mua bò vỗ béo, cứ bò lớn bà bán và mua lại bò nhỏ để tiếp tục vỗ bèo. Cứ thế sau 9 năm vay vốn, đến nay hộ bà Lý đã xây được nhà cửa khang trang, mua thêm được 3000m2 ruộng và còn có hai con bò, một con heo nái và đã thoát hẳn nghèo.
Không chỉ 100% hộ vay đều tự giác mang tiền nộp lãi và tiết kiệm đến tận nhà Tổ trưởng, các hộ thành viên còn hiểu và tạo thói quen tích lũy tiền hằng tháng để dành dụm tiền trả nợ gốc định kỳ và đến hạn, ngoài ra còn tạo được nguồn vốn xoay vòng cho các tổ viên khác. Đến nay đã có 100% tổ viên trong tổ tham gia gửi tiền tiết kiệm.
Chị Nên tâm sự. “Làm Tổ trưởng có nhiều vất vả, nhiều khi nản chí, nhưng nó như cái nghiệp đã ngấm vào xương máu, chẳng thể nào rời xa được. Chỉ mong rằng bằng sự nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm của mình, tôi sẽ cố gắng giúp được nhiều hộ, đặc biệt là những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên thoát nghèo và được bà con tin yêu, quý mến hơn nữa. Bản thân cũng sẽ hoàn thành trách nhiệm được bà con tin tưởng giao phó”.
Nhằm tăng cường quản lý và chuyển tải vốn tín dụng chính sách, khuyến khích sự tương trợ giúp đỡ người nghèo và đối tượng chính sách xã hội từ chính cộng đồng, trong giai đoạn tới, Lãnh đạo NHCSXH cho biết sẽ tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn. NHCSXH cũng đã có kế hoạch hoàn thành việc kiện toàn quy mô tổ theo cụm dân cư liền kề nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tổ, giảm chi phí vốn, hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần nâng cao hiệu ứng các chương trình tín dụng của Chính phủ mà NHCSXH đang và sẽ thực hiện ủy thác trong tương lai.
Ngọc Việt
Các tin bài khác
- » Điểm tựa của người dân vùng sâu
- » Những “cầu nối” giúp người nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi
- » Thoát nghèo nhờ vốn vay tín dụng chính sách
- » Sơn Hà bước ra từ huyện nghèo
- » “Vốn mồi” khơi dậy ý chí thoát nghèo
- » Hội nghị tập huấn quản lý hành chính bằng phần mềm điện tử
- » Tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho người dân Cần Thơ
- » Vốn chính sách giúp người nghèo Trà Vinh vững bước
- » Giải pháp thoát nghèo từ nguồn vốn ưu đãi ở Gia Lai
- » Vốn ưu đãi về xứ biển, nhiều nông dân đổi vận