Vốn chính sách giúp người nghèo Trà Vinh vững bước

05/07/2018
(VBSP News) Trà Vinh là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống với 76.774 hộ tập trung chủ yếu ở các huyện Trà Cú, Tiểu Cần, Cầu Ngang, Châu Thành... Thời gian qua, nhờ thực hiện tốt các chương trình, chính sách, dự án của Đảng và Nhà nước hỗ trợ đồng bào Khmer, trong đó có sự hỗ trợ đắc lực của tín dụng chính sách, giúp đồng bào DTTS nghèo nơi đây vươn lên thoát nghèo.
image001

Trà Vinh là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống với 76.774 hộ tập trung chủ yếu ở các huyện Trà Cú, Tiểu Cần, Cầu Ngang, Châu Thành… Thời gian qua, nhờ thực hiện tốt các chương trình, chính sách, dự án của Đảng và Nhà nước hỗ trợ đồng bào Khmer, trong đó có sự hỗ trợ đắc lực của tín dụng chính sách, giúp đồng bào DTTS nghèo nơi đây vươn lên thoát nghèo

Nếu năm 2010 hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer chiếm 35,9% thì nay giảm còn 17,7% thu nhập bình quân đầu người tăng hằng năm, nhiều hộ Khmer có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Để đạt được kết quả công tác giảm nghèo trong đồng bào DTTS ở tỉnh Trà Vinh là nhờ nguồn vốn ưu đãi “Bà đỡ của người nghèo” đã tạo điều kiện cho các hộ DTTS nghèo ở tỉnh phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, giảm nghèo, giải quyết việc làm…

Tính đến nay, toàn tỉnh Trà Vinh có 76.774 hộ đồng bào DTTS được vay vốn, với tổng dư nợ trên 737 tỷ đồng.

Ông Thạch Sol - Trưởng ấp Tắc Hố, xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú cho biết: Toàn ấp có 295 hộ dân, trong đó hộ đồng bào dân tộc Khmer chiếm đa số với 98,6%. Trong thời gian qua, hộ nghèo trên địa bàn ấp đều nhận được sự quan tâm của tỉnh, huyện và các cấp, các ngành. Đặc biệt, những chính sách đối với hộ đồng bào DTTS luôn được quan tâm sâu sát. Đặc biệt, nguồn vốn ưu đãi trong thời gian qua đã giúp nhiều hộ DTTS thoát nghèo bền vững, có cơ hội gia tăng thu nhập, cho con em học hành, sửa chữa nhà ở, đầu tư phát triển sản xuất, chuộc đất sản xuất… góp phần giúp ấp sớm hoàn thành chỉ tiêu thoát nghèo hằng năm, giảm dần hộ nghèo trong ấp.

Theo bà Thạch Thị Kim Hồng - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Tắc Hố, xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú chia sẻ: “Chính sách cho vay ưu đãi thời gian qua đã giúp cho nhiều hội viên phụ nữ nghèo đồng bào dân tộc có vốn sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả. Nhờ đó, đời sống hội viên nghèo dần ổn định và thoát nghèo, đến nay trong 220 hội viên chỉ còn 21 hộ nghèo”.

Mặc dù nguồn vốn vay nhỏ nhưng đã tiếp sức cho nhiều hộ đồng bào DTTS nghèo có cơ hội tái sản xuất và vươn lên thoát nghèo. Ở ấp Tắc Hố, xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú hầu như ai cũng biết đến vợ chồng Trần Thị Ngọc Mai, bởi sự chịu thương, chịu khó, vươn lên thoát nghèo và trở nên khấm khá với diện tích trên 5.000m2 đất thuê trồng các loại ngô, cải, bí đao, mướp đắng.

Bà Quách Thị Út - một hộ nghèo dân tộc Khmer vui vẻ cho biết: Với số vốn vay 10 triệu đồng từ NHCSXH, bà mua hạt giống, vật liệu cần thiết để trồng rau sạch. Do chịu khó học hỏi, rút kinh nghiệm, lại không dùng hóa chất nên rau sạch của bà được nhiều tiểu thương ở chợ Trà Cú đặt hàng. Mỗi ngày, gia đình bà bán được trên 400 nghìn đồng từ rau. “Chính nguồn vốn đã hỗ trợ giúp gia đình tôi đổi đời, bây giờ cuộc sống gia đình tôi dễ thở hơn trước rất nhiều rồi…”, bà Út nói.

Ở huyện Trà Cú còn rất nhiều câu chuyện của người Khmer trong việc thoát nghèo, như gia đình bà Thạch Thị Sa Khum ở xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú phấn khởi nói: “Nhà tôi có 2.500m2 đất, đều đem cầm cố hết để lo điều trị bệnh cho chồng và trang trải cuộc sống. Để có cái ăn hằng ngày, gia đình tôi phải thuê lại chính mảnh đất của mình đã cầm cố để làm ruộng. Trong 10 năm qua, gia đình tôi luôn mơ ước có một ngày chuộc lại đất đã cầm cố. Được Nhà nước hỗ trợ cho gia đình tôi vay 27,5 triệu đồng cộng với số tiền gom góp, gia đình đã chuộc lại 1.000m2 đất, cả gia đình tôi rất phấn khởi vì đã đạt được mong ước bấy lâu”.

Anh Trì Cảnh, chủ cơ sở đóng giường tre Trì Cảnh, ấp Trà Tro B, xã Hàm Giang, huyện Trà Cú chia sẻ: “Làng nghề đóng giường tre của đồng bào Khmer ở xã Hàm Giang trước đây gặp rất nhiều khó khăn, do phần lớn thiếu vốn sản xuất. Nếu 1 lao động đóng 1 chiếc giường tre phải mất thời gian từ 3 - 4 ngày, do không vốn, nên không đủ nguyên liệu để sản xuất, khi bán được sản phẩm mới trả tiền mua nguyên liệu. Do vậy, khi có người đặt hàng, phải mua nguyên liệu với giá cao”.

Từ khi các hội, đoàn thể tín chấp với NHCSXH cho vay mỗi hộ từ 20 - 30 triệu đồng, hộ nghèo và hộ cận nghèo là đồng bào Khmer tại xã có vốn, mua nguyên liệu phục vụ sản xuất… từ đó đời sống người dân thay đổi hẳn.

Năm 2017, ở ấp Trà Tro B đã có hàng chục hộ Khmer thoát nghèo bền vững. Ông Thạch Minh Sỹ, là một trong những hộ thoát nghèo chia sẻ: “Nhờ có nguồn vốn vay hộ nghèo, giúp cho làng nghề đóng giường tre của chúng tôi “sống lại”. Thu nhập bình quân từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng. Cuộc sống người dân trong ấp không còn khó khăn, làng nghề ngày càng phát triển”.

Hay trường hợp của ông Thạch Tươi là đồng bào dân tộc Khmer, ngụ ấp Phú Mỹ, xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành: Năm 2014, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, được vay 30 triệu đồng từ NHCSXH, ông mua bò để nuôi, nhờ chịu khó, nay đã có được 5 con bò, giá trị gần 100 triệu đồng, hiện nay gia đình ông đã thoát hẳn nghèo.

Giám đốc NHCSXH huyện Trà Cú Cao Thị Ngọc Hiền, cho biết: “Nguồn vốn cho vay đối với hộ đồng bào DTTS đã mang lại hiệu quả thiết thực. Với sự tiếp sức của các hội, đoàn thể và địa phương đã giúp người dân sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả cao hơn, tiêu biểu là những hộ dân ở các xã Ngọc Biên, An Quảng Hữu, Hàm Giang…”.

Trao đổi với chúng tôi ông Nhan Ra Ni - Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Cú nói: “Muốn giúp đồng bào dân tộc Khmer thoát nghèo thì phải sâu sát với từng hộ để “chắp cánh” cho họ. Để bà con sử dụng vốn đạt hiệu quả cao, các địa phương còn cử cán bộ kèm cặp, hướng dẫn cách làm ăn, thường xuyên kiểm tra mô hình kinh tế của họ. Nhờ đó, công tác giảm nghèo của huyện nói chung, trong đồng bào người dân tộc Khmer nói riêng cơ bản đã thực hiện theo hướng giảm nghèo bền vững và chống tái nghèo”.

Cùng với chương trình cho vay vốn chính sách ưu đãi, thời gian qua, tỉnh Trà Vinh còn quan tâm bố trí kinh phí để xây dựng nhiều công trình giao thông nông thôn, trường mẫu giáo tại các địa phương có đông đồng bào dân tộc. Bên cạnh đó, lãnh đạo địa phương còn thường xuyên nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào để kịp thời kiến nghị với cấp ủy, chính quyền giải quyết những nguyện vọng chính đáng trong đồng bào dân tộc; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh; đảm bảo nguồn vốn hỗ trợ được đầu tư đúng địa bàn, đúng đối tượng, đúng chế độ, chính sách quy định. Bên cạnh đó, còn lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn cách thức làm kinh tế cho các hộ vay. Năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của Trà Vinh giảm 2%, riêng vùng đồng bào dân tộc Khmer giảm 3%. Từ những kết quả đạt được, Trà Vinh tiếp tục đề ra chỉ tiêu 2018 tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,5%; riêng trong vùng có đông đồng bào Khmer giảm 3%.

Chí Tâm thực hiện

Các tin bài khác