Giữ “lửa” nghề gốm Gọ

02/07/2018
(VBSP News) Không chỉ hỗ trợ hộ nghèo, hộ gia đình chính sách để tạo dựng sinh kế, các chương trình tín dụng ưu đãi do NHCSXH huyện Bắc Bình (Bình Thuận) thực hiện còn giúp đồng bào Chăm bảo tồn, phát huy gốm Gọ - một nghề truyền thống nổi tiếng từ lâu đời.
image001

Vợ chồng ông Lâm Hùng Sổi giới thiệu các sản phẩm gốm với cán bộ NHCSXH huyện Bắc Bình

Độc đáo nghề từ đất

Không khuôn mẫu, cầu kỳ mà chỉ sử dụng vật liệu đơn giản là đất sét pha cát có màu vàng nhạt đã được đập, ủ, pha trộn, nhồi bóp đến độ mịn quánh, cùng chiếc bàn xoay cố định và vòng quơ bằng tre cật uốn cong, những nghệ nhân người Chăm nhẹ nhàng bẻ miệng, nống vai, nống chân, nống đáy, rồi dùng mảnh vải gai thấm nước nạo láng, hiệu chỉnh tạo thành những sản phẩm gốm đều tăm tắp, làm nên thương hiệu nghề gốm Chăm ở làng Gọ, thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình.

Gốm sau khi được tạo hình, phơi khô sẽ được đưa đi nung lộ thiên. Gốm và củi sắp xếp thành hàng ngang vuông góc với hướng gió thổi để gốm chín đều, giảm tỷ lệ nổ, vỡ. Gốm được xếp theo thứ tự từ nhỏ đến lớn, từ dày đến mỏng. Thông thường, một lần nung mất từ 4 - 5 giờ tùy vào số lượng sản phẩm.

Điều làm cho gốm làng Gọ nổi tiếng chính là màu sắc trên các sản phẩm. Khi gốm chín được đưa ra ngoài, người thợ sẽ dùng một loại nước làm từ trái thị rừng hoặc vỏ cây chùm dụ vảy lên mặt thân gốm để tạo hoa văn. Nhờ đó, gốm Chăm Bình Đức không chỉ có màu đỏ ngói tươi tắn mà còn thấp thoáng những vệt nâu đen lạ mắt trông như da báo trên thân gốm.

Bằng cách thủ công như vậy, người Chăm ở làng Gọ từ đời này sang đời sau, truyền nhau bí quyết sản xuất ra nồi, khạp, lu, chậu, mái, lò, khuôn bánh căn, ống nhổ trầu và bình nước gội đầu theo phong tục đạo Bà La Môn. Mỗi sản phẩm gốm đều được hình thành dưới những thao tác khéo léo của cả bàn tay, bàn chân và cặp mắt tinh anh của thợ gốm; bởi thế, mỗi chiếc lu, nồi đều ẩn chứa tính cách, tâm hồn của người thợ. Sản phẩm gốm Chăm mỏng, nhẹ, bền, giá cả phù hợp với túi tiền người nghèo nên được tiêu thụ nhiều nơi trong tỉnh Bình Thuận, lên cả Nam Tây Nguyên, vào cả Đông Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh.

Nét độc đáo, tinh tế của gốm Chăm còn nằm ở cách nung gốm thủ công ngoài trời, đơn giản mà giàu tính sáng tạo; không xây lò, đun than, quạt gió mà sản phẩm vẫn chín đều, không vỡ, không nứt, hiệu quả lại cao. Đây cũng là điều khiến các nghệ nhân gốm của Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines khâm phục.

Vốn chính sách - nguồn lực giữ “lửa” nghề

Dẫu độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa nhưng nghề gốm Chăm cũng đang lao đao theo sự biến đổi của thị trường và sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm công nghiệp khác.

Để bảo tồn nét văn hóa truyền thống này, năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa nghề gốm của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình nghề thủ công truyền thống. Chính quyền tỉnh Bình Thuận cũng coi đây là một trong những chiến lược phát triển du lịch địa phương nên đã dành nhiều quan tâm để bà con Chăm làng Gọ phát triển nghề.

Một trong những hỗ trợ đắc lực trong bảo tồn, phát triển nghề gốm Chăm phải kể đến chính sách tín dụng ưu đãi mà NHCSXH huyện Bắc Bình đang thực hiện. Nhờ nguồn vốn vay này, nhiều bà con đồng bào Chăm ở làng Gọ không chỉ thoát nghèo, sống được bằng nghề truyền thống mà còn bảo tồn được giá trị văn hóa Chăm đã có từ trăm năm trước.

Hộ vay Lâm Hùng Sổi ở thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp - một trong 20 hộ vẫn gắn bó với nghề gốm là một điển hình. Ông Sổi chia sẻ, cho dù hiện nay thế hệ trẻ nhiều người không còn mặn mà với nghề làm gốm nhưng trong mỗi gia đình người Chăm ở làng Gọ đều truyền nghề lại cho một thành viên để lưu truyền lại nét văn hóa cho thế hệ kế tiếp. “Bản thân tôi cũng được truyền nghề từ khi lên 10 - 11 tuổi. Đến nay, nghề thấm vào máu, không bỏ được. Vì thế, dù nghèo, tôi cũng nhất quyết không bỏ”, ông Sổi trầm ngâm.

Theo ông Sổi, nghề này cũng từng nhiều phen thăng trầm nhưng nay đang trên đà khởi sắc. Bằng chứng là sản phẩm nồi, khuôn bánh liên tục hết hàng. “Thật may cho chúng tôi, khi thị trường gốm phát triển trở lại, những hộ nghèo ở làng Gọ lại được sự hỗ trợ từ NHCSXH huyện Bắc Bình. Người nhiều thì 50 triệu đồng, ít cũng 20 - 30 triệu đồng làm vốn để mở rộng sản xuất. Nhờ thế, người nghèo như chúng tôi mới có cơ hội phát triển nghề, cải thiện cuộc sống và có thêm động lực truyền lửa nghề cho thế hệ sau”, bà Nguyễn Thị Minh, vợ ông Sổi tiếp lời.

Cũng giống ông Sổi, các hộ vay Bá Thị Chạm, Qua Hùng Dũng hay Đặng Lý Uyên Chi đều có chung niềm tự hào với nghề gốm Chăm của mình. Các hộ này cũng mong muốn có sự đồng hành, gắn bó mật thiết của NHCSXH trong việc hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi; giúp họ thêm nguồn lực để giữ nghề, mở mang và cải thiện cuộc sống bằng nghề.

Bài và ảnh Bình Nhi

Các tin bài khác