Chuyện những người ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng

29/06/2018
(VBSP News) Là mắt xích cuối cùng trong dây chuyền dẫn vốn, hơn ai hết những Tổ trưởng, Tổ phó Tổ tiết kiệm và vay vốn là người làng, người nước với những người dân trong làng bản, nắm bắt và hiểu được từng gia cảnh, từng khó khăn của thành viên. Để từ đó, cùng với việc tạo cơ hội cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn, họ cũng chính là người sự chia sẻ giúp đỡ cả về tinh thần và kinh tế đối với các thành viên đó... trở thành những trợ lực không thể thiếu trong công cụ giảm nghèo.
image001

Định kỳ hằng tháng, các tổ viên đến nhà Tổ trưởng nộp lãi tiền vay

Thực chứng cho thấy, Tổ tiết kiệm và vay vốn là nền tảng để nâng cao hiệu quả và chất lượng vốn tín dụng, tổ hoạt động tốt, tương trợ, phổ biến kinh nghiệm giúp người vay sử dụng vốn đúng mục đích, tạo thu nhập. Tổ cũng là nơi đề xuất những đối tượng thuộc diện vay có nhu cầu vay vốn đảm bảo thực hiện được mục tiêu công khai, dân chủ cũng là việc giám sát của cộng đồng trong việc vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, hạn chế tiêu cực phát sinh trong việc sử dụng nguồn lực của Nhà nước, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu giảm nghèo và an sinh xã hội.

“Có lẽ đến nay mới có dịp để tôi nói nên những cảm nhận rất thật về cái nghề được coi là “Ăn cơm nhà mà lo chuyện thiên hạ”, bà Thiên Thị Nên - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xã Phước Ninh, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) kể về cái nghề làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của mình sau 15 năm đồng hành cùng NHCSXH.

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất thừa nắng gió, hạn hán mất mùa quanh năm, cuộc đời bà cũng là cảnh đời chung của bao người dân nghèo khốn khó vùng này. Chính bởi vậy, ngày bà nhận chức Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của NHCSXH hơn 15 năm trước cũng vì suy nghĩ và trăn trở muốn chính cuộc đời mình cũng như bà con trong thôn vượt qua nghèo, đói. Thế nhưng, từ mong muốn đến hiện thực không dễ. Các thành viên trong tổ đều sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, làm thuê, làm mướn. Biết là cuộc sống mình khó khăn song họ rất e ngại khi nói đến vay mượn dù là Chính phủ hỗ trợ, có lãi suất thấp. Nhiều hộ sợ sử dụng vốn không hiệu quả, không trả được nợ gốc và lãi cho ngân hàng.

Phải làm sao vận động hộ gia đình nghèo trong thôn tích cực tham gia vào Tổ tiết kiệm và vay vốn, giúp bà con tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, hiểu được cách làm ăn và sử dụng đồng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, luôn là câu hỏi thôi thúc trong chị. Để rồi như “mưa dần thấm đất, sự vận động, tuyên truyền mỗi ngày của chị đã giúp các hộ nghèo trong thôn đã dần hiểu được những lợi ích mà nguồn vốn ưu đãi mang lại. Hằng tháng, chị đều tổ chức sinh hoạt tổ và từ lâu đã đi vào nề nếp. Qua cuộc họp, trao đổi với các thành viên trong tổ có thể theo dõi hoạt động chung của tổ, quá trình sử dụng vốn vay của từng thành viên và đưa ra những nhận xét để các tổ viên rút kinh nghiệm, tránh tình trạng sử dụng vốn vay sai mục đích, không có hiệu quả, để nợ, lãi tồn đọng. Dòng vốn được bình xét ưu tiên cho những hộ còn khó khăn đang cần vốn để đầu tư phát triển SXKD cần ưu tiên, tạo điều kiện cho vay với nguồn vốn cao nhất. Thành viên có vốn rồi, chị lại càng sát sao quan tâm tư vấn hướng sản xuất phát triển kinh tế, không bỏ mặc thành viên trong tổ tự tìm hướng đi. Đến khi hộ vay gặp khó khăn hoặc xảy ra rủi ro trong quá trình sử dụng vốn, cùng với việc gần gũi, động viên, chị kịp thời báo cáo để cấp trên có hướng khắc phục và giúp đỡ. Chị còn khuyến khích tổ viên của mình tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật gieo trồng, chăn nuôi, đẩy mạnh áp dụng KHKT vào sản xuất do các ngành chức năng của huyện tổ chức để các thành viên chọn cho mình những mô hình phát triển kinh tế phù hợp. Thành viên tham gia sinh hoạt tổ vì thế ngày càng nhiều. Đến giữa năm 2017, số lượt tổ viên tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn do chị làm Tổ trưởng là 102 lượt tổ viên, được NHCSXH cho vay vốn với tổng số tiền 3.245 triệu đồng. Hiện nay, Tổ tiết kiệm và vay vốn do chị quản lý là 58 hộ, với số tiền vay là 1.645 triệu đồng.

Những Bằng khen ghi nhận thành tích trong công cuộc giảm nghèo tại địa phương của chị có đủ từ của UBND xã, UBND huyện đến NHCSXH. Song, với chị cái quý giá nhất là niềm vui từng ngày chứng kiến cuộc sống ấm no của các thành viên trong tổ. Trong 15 năm qua, trong Tổ tiết kiệm và vay vốn của chị đã có 95 lượt hội viên được vay vốn ưu đãi, phát triển kinh tế; trong số đó đã có 35 hộ thoát nghèo bền vững, trở thành hộ khá.

Điển hình như gia đình bà Đàng Thị Kim Lý trước đây rất nghèo không có nhà cửa, ruộng đất nhờ vay vốn hộ nghèo 15 triệu đồng và 5 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn về đầu tư mua bò vỗ béo, cứ bò lớn bà bán và mua lại bò nhỏ để tiếp tục vỗ bèo. Cứ thế mà sau 9 năm vay vốn, đến nay hộ bà Lý đã xây được nhà cửa khang trang, mua thêm được 3 sào ruộng và còn có 2 con bò, 1 con heo nái và hiện nay bà Lý đã thoát hẳn nghèo. Ngoài bà Lý, trong tổ còn nhiều hộ cũng nhờ vay vốn hộ nghèo mà đến nay cũng đã thoát nghèo, kinh tế gia đình khá giả như hộ bà Đàng Thị Xuân vay 15 triệu đồng vốn hộ nghèo về mua 2 con bò, đến nay gia đình bà Xuân đã có đàn bò 6 con và còn mua thêm được 2 sào đất để trồng cỏ cho bò ăn…

Không chỉ 100% hộ vay đều tự giác mang tiền nộp lãi và tiết kiệm đến tận nhà Tổ trưởng, các hộ thành viên còn hiểu và tạo thói quen tích lũy tiền hằng tháng để dành dụm tiền trả nợ gốc định kỳ và đến hạn, ngoài ra còn tạo được nguồn vốn xoay vòng cho các tổ viên khác. Đến nay đã có 100% tổ viên trong tổ tham gia gửi tiền tiết kiệm.

image002

Tại mỗi buổi giao dịch định kỳ hằng tháng, NHCSXH phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành họp giao ban với các tổ chức hội, đoàn thể và các Tổ trưởng Tổ tiết và vay vốn

“Làm Tổ trưởng có nhiều vất vả, nhiều khi nản chí, nhưng nó như cái nghiệp đã ngấm vào xương máu, chẳng thể nào rời xa được. Chỉ mong rằng bằng sự nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm của mình, tôi sẽ cố gắng giúp được nhiều hộ, đặc biệt là những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên thoát nghèo và được bà con tin yêu, quý mến hơn nữa. Bản thân cũng sẽ hoàn thành trách nhiệm được bà con tin tưởng giao phó”, bà Nên tâm sự.

Những tấm gương như bà Nên không phải là hiếm bởi thành công của mô hình tín dụng chính sách trong 15 năm qua. Cùng với những trọng trách và quyền lợi mà chính quyền và NHCSXH đặt lên vai họ lớn dần trong 15 năm qua và thực tiễn hoạt động thêm một lần nữa thực chứng một cách tiếp cận người nghèo và đối tượng chính sách hiệu quả của NHCSXH.

Khắc phục những điểm yểu của Tổ tiết kiệm và vay vốn giai đoạn 1995 - 2002 của Ngân hàng phục vụ người nghèo (NHNg), cùng với việc tiếp nhận toàn bộ 229 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn với 2,76 triệu hộ nghèo vay vốn, tổng dư nợ đạt 7.022 tỷ đồng từ NHNg giúp hoạt động cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác không bị gián đoạn, NHCSXH đã đặt mục tiêu phải củng cố và phát triển nội dung hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Trên tinh thần hướng đến một mô hình tổ đáp ứng yêu cầu quản lý tín dụng chính sách có quy mô ngày càng lớn và chất lượng cao hơn, ngày 27/7/2003 HĐQT NHCSXH đã ban hành Quyết định số 783/QĐ-HĐQT về quy chế tổ chức và hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn (gọi tắt là Quy chế 783). Trong đó quy định Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động độc lập với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác. NHCSXH ký hợp đồng ủy nhiệm với các Tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ không được thu nợ gốc, có thể được ủy nhiệm thu lãi, nếu có đủ điều kiện và có tín nhiệm, hoạt động của tổ được NHCSXH trả phí hoa hồng tính trên số lãi thực thu. Tổ tiết kiệm và vay vốn được NHCSXH hướng dẫn mở sổ sách, ghi chép theo dõi nợ vay, kết quả trả nợ, trả lãi của từng thành viên trong tổ.

Thay vào đó NHCSXH thực hiện quản lý cho vay, thu nợ trực tiếp đến người vay tại các xã, phường, thị trấn. Hằng tháng, NHCSXH giao dịch tại Điểm giao dịch tại xã có sự chứng kiến của Tổ tiết kiệm và vay vốn, các tổ chức chính trị - xã hội được ủy thác quản lý giám sát Tổ tiết kiệm và vay vốn. Ngân hàng tổ chức hạch toán, theo dõi đến từng người vay, thực hiện công khai các chính sách tín dụng, công khai danh sách người vay, đảm bảo sự giám sát của chính quyền cấp xã và cộng đồng xã hội.

Trong 10 năm đầu NHCSXH hoạt động, Quy chế 783 đã đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tuy nhiên, để phù hợp với sự phát triển lớn mạnh, hiện đại hóa của NHCSXH, ngày 05/3/2013, HĐQT NHCSXH đã ban hành Quyết định số 15/QĐ-HĐQT về việc ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn (gọi tắt là Quy chế số 15).

Quy chế số 15 ra đời đã bổ sung đối tượng phục vụ của NHCSXH không chỉ có “hộ nghèo” mà thêm “hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác”. Đồng thời hủy bỏ hình thức tiết kiệm ban đầu dẫn đến sự hiểu nhầm đây là tiết kiệm bắt buộc người vay phải gửi tiền tiết kiệm ban đầu thì mới được vay vốn NHCSXH. Trách nhiệm liên đới của tổ viên trong việc trả nợ vay ngân hàng được hủy bỏ, thay vào đó là cùng giám sát nhau trong việc vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ ngân hàng. NHCSXH cũng quy định cụ thể tiêu chuẩn, nhiệm vụ của từng thành viên trong Ban quản lý tổ và quy định cụ thể Ban quản lý tổ gồm có Tổ trưởng và một Tổ phó. Đáng nói là việc bổ sung vai trò, trách nhiệm, giám sát của Trưởng thôn trong việc thành lập tổ, thay đổi Ban quản lý tổ, tham gia quản lý vốn tín dụng, từ việc nhận vốn, tham dự các phiên họp bình xét cho vay, kiểm tra, giám sát hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn đến việc tham gia xử lý thu hồi các khoản nợ quá hạn, nợ khó đòi. Việc thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn theo cấp thôn đã giúp cho việc quản lý nguồn vốn được tốt, hộ vay thuận lợi hơn trong việc bình xét hộ vay vốn và thuận tiện cho việc sinh hoạt định kỳ theo quy ước hoạt động của tổ; đồng thời rất thuận lợi cho việc kiểm tra giám sát, công khai dân chủ trong thôn, hạn chế tình trạng chiếm dụng nợ gốc, nợ lãi của thành viên trong tổ hoặc hộ vay ké.

Cùng với việc tổ chức thành công mạng lưới các Tổ tiết kiệm và vay vốn đến từng thôn, ấp, bản, làng, phum, sóc, tổ dân phố,… áp dụng phương thức giải ngân trực tiếp đến từng người vay vốn, tổ chức giao dịch tại Điểm giao dịch xã nên trong 15 năm qua, NHCSXH đã chuyển tải trên 433.245 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách của Nhà nước đến tận tay người thụ hưởng một cách nhanh chóng, thông suốt, đảm bảo công khai, dân chủ.

NHCSXH đã có sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện rà soát và củng cố Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đến nay cơ bản đã khắc phục được các vấn đề tồn tại về hoạt động của tổ khi nhận bàn giao, phần lớn các tổ đã đi vào hoạt động có nề nếp, hiệu quả theo hướng dẫn của NHCSXH. Tính đến hết năm 2017 NHCSXH phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội quản lý là 185.238 Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại thôn, ấp, bản, làng; trong đó 88,8% số tổ được xếp loại tốt, 8,7% xếp loại khá, 1,4% xếp loại trung bình và 1,1% xếp loại yếu.

Đặc biệt với việc hoàn thiện cơ chế về quản lý, hoạt động tiền gửi của Tổ tiết kiệm và vay vốn, từ tháng 3/2009 việc gửi tiền thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn tiếp tục được thực hiện từng bước tạo cho người nghèo có ý thức dành tiền tiết kiệm, đồng thời tạo thêm nguồn vốn để mở rộng cho vay trên địa bàn, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại địa phương. Đến hết quý I/2018, số dư tiền gửi tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt trên 7.396 tỷ đồng, tăng trên 7.334 tỷ đồng so với năm 2002, bình quân một tổ có số dư tiền gửi là hơn 40 triệu đồng. Số Tổ tiết kiệm và vay vốn có số dư tiền gửi đạt 99,8% tổng số Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Nhằm tăng cường quản lý và chuyển tải vốn tín dụng chính sách, khuyến khích sự tương trợ giúp đỡ người nghèo và đối tượng chính sách xã hội từ chính cộng đồng, trong giai đoạn tới, Lãnh đạo NHCSXH cho biết sẽ tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn. NHCSXH cũng đã có kế hoạch hoàn thành việc kiện toàn quy mô tổ theo cụm dân cư liền kề nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tổ, giảm chi phí vốn, góp phần hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần nâng cao hiệu ứng các chương trình tín dụng của Chính phủ mà NHCSXH đang và sẽ thực hiện ủy thác trong tương lai.

Bài và ảnh Ngọc Việt

Các tin bài khác