Dưới những tán cao su

30/06/2018
(VBSP News) Ở huyện biên giới Tân Châu (Tây Ninh), có những cánh rừng cao su xanh tít tắp được người dân và cán bộ địa phương thân mật gọi “Rừng cao su chính sách”, bởi những cánh rừng đó được tạo nên từ vốn chính sách xã hội. Nhưng hơn hết, những đồng vốn nhỏ nhoi ấy, không chỉ đem đến nguồn sống cho nhiều hộ gia đình, mà góp phần tạo nên mối liên kết chặt chẽ chính quyền và nhân dân nơi phiên dậu Tổ quốc.
image001

Vốn chính sách góp phần tạo dựng nên những cánh rừng cao su mang lại thịnh vượng cho bà con xã Suối Ngô, huyện Tân Châu

Nhà bà Lâm Thị Thủy ở ấp 1 xã Suối Ngô nhìn ra một cách rừng cao su - những cây cao su đã cho thu hoạch, hứa hẹn tiềm lực kinh tế. Nhưng đó không phải là rừng cao su nhà bà Thủy, mà chỉ là nơi gia đình bà cạo mủ, nhặt lá thuê. “Trước nhà nghèo lắm, hoàn cảnh lại éo le. Hai con tôi phải nghỉ học sớm ở nhà giúp mẹ, nhưng ở vùng đất thời tiết khắc nghiệt đất đai ít ỏi này, việc làm cũng chẳng có mấy. Năm 2011 gia đình tôi vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay hộ nghèo của NHCSXH để mua bò về nuôi, lần hồi bò mẹ đẻ bò con, tích cóp được ít vốn, cũng thoát nghèo. Sau đó, năm 2015, gia đình tôi lại được vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ thoát nghèo để tiếp tục đầu tư chăn nuôi”, bà Thủy kể.

Ngoài 3 con bò tạo dựng từ tiền vốn chính sách, ngày ngày mẹ con bà Thủy đi cạo mủ nhặt lá cao su, cũng kiếm được tiền cơm qua ngày, nên mấy con bò đó thành “của để dành” của mẹ con bà. “Cũng mong tích cóp được ít nhiều, mua được ít rừng cao su, để kinh tế chủ động và vững vàng hơn”, bà Thủy tâm sự.

Rời nhà bà Thủy, cùng chúng tôi qua những con đường mịt bụi xuyên cánh rừng cao su, bà Trần Thị Minh - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Suối Ngô kể, mười mấy năm tham gia cùng NHCSXH huyện Tân Châu đưa vốn xuống người dân, bà đã chứng kiến từng ngày vốn chính sách ghi dấu ấn ở vùng biên giới này. “Chừng năm 2006 - 2007, khi bắt đầu triển khai cho vay chương trình hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn, cán bộ hội chúng tôi cùng cán bộ ngân hàng xuống tận nơi đi quán triệt chủ trương, kiểm tra từng dự án, đi đến tận rẫy gặp bà con. Đường đất xe cày nát, trời mưa trời nắng gì đi cũng vất vả, xe té lên té xuống. Rồi lúc đầu vốn chưa nhiều, chọn hộ cho vay đã vất, phải giải thích cho người dân còn vất hơn”, chị Minh nói.

Thế nên, giờ kể về hiệu quả đồng vốn chính sách, chị Minh mới hào hứng liệt kê hàng loạt hộ gia đình. Đó là gia đình anh Nguyễn Lê Hùng và chị Trần Thị Phương Sinh ở ấp 2 xã Suối Ngô vay 30 triệu đồng chương trình hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn để trồng cao su. “Hồi vợ chồng mới lấy nhau, thiếu lắm, nhà cửa không có, phải đi ở nhờ. Thấy đất ở đây hợp trồng cao su, nhưng vợ chồng muốn làm cũng không có tiền. Năm 2004, gia đình được vay 10 triệu đồng chương trình hộ nghèo, từ đó tạo lập những rẫy cao su đầu tiên. Năm 2008 thoát nghèo, sau đó gia đình xây được căn nhà gạch. Lần hồi gây dựng được 9ha cao su. Năm 2013 lại được vay tiền từ chương trình hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn để trồng mới thêm 3ha cao su nữa. Giờ có 12ha cao su, kinh tế vững chắc hơn nhiều rồi, vừa thuê thêm 2 nhân công vừa trực tiếp làm, thu nhập bình quân 6 triệu đồng/tháng/người”, anh Hùng khoe.

Tân Châu là huyện vùng sâu, biên giới có 11 xã và 1 thị trấn với tổng số 76 ấp, khu phố, trong đó có 4 xã thuộc vùng khó khăn. Trong số hơn 33,76 nghìn hộ dân với 126.514 nhân khẩu, có 14 DTTS đang sinh sống trên địa bàn với 1.972 hộ, chiếm 5,78% dân số toàn huyện. Tổng số hộ nghèo, cận nghèo trong toàn huyện là 2.191 hộ, chiếm 6,49%.

Qua 15 năm thực hiện, NHCSXH huyện Tân Châu đã tiến hành giải ngân cho vay được 13.572 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo. Mức dư nợ bình quân tăng từ 3 triệu đồng/hộ năm 2003 lên 21,8 triệu đồng/hộ năm 2017. NHCSXH đã tiến hành giải ngân được 3.234 lượt khách hàng vay vốn giải quyết việc làm, giải ngân được 6.772 lượt hộ vay vốn hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn, cho 5.671 lượt hộ, khách hàng vay vốn chương trình HSSV, giải quyết cho 10.472 hộ gia đình vay vốn xây dựng, sửa chữa các công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn,… Sự ra đời của NHCSXH đã góp phần ngăn chặn được tệ nạn cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, là một trong những công cụ đòn bẩy kinh tế quan trọng để kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Sau 15 năm hoạt động, NHCSXH huyện Tân Châu đã từng bước củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động. “Nhờ công tác tuyên truyền mạnh về chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, sự quản lý của các cấp chính quyền địa phương, các đơn vị nhận ủy thác cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội có liên quan đã tạo bước đột phá về nhận thức của người nghèo, thay đổi cách nhìn, cách sống, có chí hướng làm ăn, ổn định cuộc sống. Từ đó, tạo dựng được nề nếp vay - trả sòng phẳng, thực hiện đúng theo hợp đồng vay vốn, từng bước thể hiện được ý chí vươn lên thoát nghèo bền vững”, ông Trương Hoàng Sơn - Giám đốc NHCSXH huyện Tân Châu chia sẻ.

Từ những kết quả đạt được nêu trên, chất lượng hoạt động tín dụng của NHCSXH huyện Tân Châu luôn đạt ở mức cao, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Bài và ảnh Trần Việt Bách

Các tin bài khác