Sáng tươi vùng cao từ vốn tín dụng chính sách

22/06/2018
(VBSP News) Trở lại Yên Bái sau một quãng thời gian dài, đi trên những con đường đèo ngoằn ngoèo, cheo leo bên bản làng người Mông sống giữa mây mù và gió mới cảm nhận cuộc sống có nhiều đổi thay của đồng bào nơi đây. Những gam màu của lúa, của ngô, của cây sơn tra, của chè, của rừng keo lá chàm... của hy vọng được phủ xanh trên non cao. Việc phát triển kinh tế theo hướng nhiều cây, con đã được đồng bào áp dụng trong giảm nghèo bền vững. Nhờ các nguồn lực đầu tư, trong đó nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp đồng bào nghèo nơi đây có cơ hội phát triển kinh tế, giải quyết việc làm tại chỗ, đem lại thu nhập ổn định đời sống cho người dân.
1

Cán bộ NHCSXH huyện Mù Cang Chải chia sẻ thông tin cho bà con xã Hồ Bốn về các chương trình tín dụng tại NHCSXH

Theo Giám đốc NHCSXH tỉnh Yên Bái, Nguyễn Thanh Hải cho biết: “Những năm qua, được Đảng bộ, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm tới công tác giảm nghèo. Cùng với việc tập trung ưu tiên đầu tư các nguồn lực, trong đó có kênh tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng để thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới trên toàn tỉnh, nhất là ở huyện nghèo và vùng đồng bào DTTS. Nhờ đó, khắp bản xa, xóm vắng khởi sắc, đời sống của người Mông, Dao, Thái, Tày, Nùng… đã được nâng lên”.

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là huyện Mù Cang Chải vốn nổi danh “3 nhất” của Yên Bái: Đó là nơi xa nhất, cách tỉnh lỵ chừng 150km; cao nhất bởi nằm bên đèo Khau Phạ, một trong tứ đại đèo của Tây Bắc có độ cao trên 1.000m so với mặt biển; và nghèo nhất vì thuộc tốp 64 huyện nghèo của nhất nước. Ngoài ra trừ mỗi thị trấn huyện, còn lại tất cả 13 xã đều thuộc vùng đặc biệt khó khăn với 6.649/11218 là hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 59,27% vào thời điểm năm 2010.

Chính vì vậy, việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách ở vùng rẻo cao có tỷ lệ hộ đồng bào DTTS 99%, trong chủ yếu người Mông chiếm 91% dân số là vấn đề không hề đơn giản, thuận lợi đối với NHCSXH.

Vượt lên mọi khó khăn, thách thức, và bám sát sự chỉ đạo của ngân hàng cấp trên, chương trình giảm nghèo bền vững của huyện, NHCSXH huyện Mù Cang Chải đã tập trung tranh thủ huy động mọi nguồn vốn, phối hợp nhịp nhàng với các cấp chính quyền, đoàn thể và tích cực xây dựng củng cố hệ thống Điểm giao dịch xã, mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn tại thôn, bản, khối phố, nỗ lực chuyển tải 220 tỷ đồng của 12 chương trình tín dụng chính sách về khắp vùng sâu, vùng xa, đến từng hộ nghèo, từng gia đình đồng bào dân tộc Mông, Thái để đầu tư chuyển dịch cơ cấu  cây trồng, vật nuôi, phát triển vùng sản xuất nông sản hàng hóa, cải thiện cuộc sống.

Anh Mùa Chù Vàng ở bản Rào Xa, xã Kim Nọi kể rằng: đồng bào Mông lâu nay chỉ quen làm nương rẫy theo lối cổ xưa “chọc lỗ, tra hạt”, nên cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, đói cơm lạt muối. Nhờ đồng vốn vay ưu đãi của Chính phủ mà cuộc đời sáng sủa lên rồi. Gia đình tôi được tiếp cận nguồn vốn 8 triệu đồng cách đây 5 năm và mới đây còn được vay tiếp 30 triệu đồng của chương trình tín dụng hộ nghèo để chăn nuôi, trồng chè. Hiện trong chuồng có 4 con trâu, 3 con bò sắp đẻ ra bê, trên đồi lên xanh mấy nghìn cây chè cành mới vào vụ thu hái được cả tấn búp tươi. Có tiền, ngôi nhà ở được tu sửa, vững chắc, thoáng mát cùng với xe máy, ti vi, bể chứa nước sinh hoạt cũng được sắm đầy đủ.

Ngoài gia đình Mùa Chù Vàng, tại xã Kim Nọi còn có hàng trăm hộ đồng bào dân tộc Mông khác nhờ nguồn vốn chính sách vươn lên thoát cảnh nghèo, làm ăn khấm khá như gia đình chị Mùa Thị Luyến ngày nay đã chăm sóc tốt 1ha cây sơn tra, nuôi đàn lợn thịt 12 con, hộ ông Sùng Chứ Cớ hiện có 6 bò sinh sản, 6 trâu, đàn lợn 30 con, 2ha cây sơn tra, 2 đồi chè, 01 xưởng sản xuất chè với 04 lò sấy với công suất 5 tạ chè búp tươi/ngày đem lại thu cả trăm triệu đồng/năm.

2

Gia đình anh Sùng Chứ Cớ (giữa, tay cầm sổ màu xanh) ở thôn Pú Cang, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải được NHCSXH cho vay vốn ưu đãi hộ nghèo đã đầu tư trồng chè và làm lò sấy với năng suất 5 tạ chè búp tươi/ngày góp phần đem lại thu nhập khá cho gia đình

Chúng tôi về xã Dế Xú Phình giữa mùa thu hoạch ngô, bản làng của người Mông đổi thay đến ngỡ ngàng, những mái nhà tranh tre tạm bợ hồi nào được thay bằng những ngôi nhà vững chãi. Triền đồi xanh bát ngát của lúa ngô, rừng keo lá chàm, vườn cam quýt, báo hiệu sự no đủ, tươi vui… Ông Hảng Ông Xay ở bản Phìn Hồ hồ hởi nói: “Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và NHCSXH huyện, gia đình tôi được vay tới 3 lần vốn ưu đãi rất thuận lợi từ chương trình vay vốn không phải trả lãi dành riêng cho đồng bào DTTS đến 50 triệu đồng với lãi suất ưu đãi, nên vợ chồng con cái ai cũng vui vẻ, chăm chỉ lao động chăm sóc đàn bò, vườn rau xanh, quyết tâm tạo ra cuộc sống ấm no”.

Bà Sa Thị Ngần - Bí thư Đảng ủy xã Dế Xú Phình cho biết: “Các chương trình tín dụng chính sách đối với đồng bào DTTS như là một “luồng gió mới” làm thay đổi diện mạo của xã khó khăn vùng cao chúng tôi. Thông qua nguồn vốn vay từ NHCSXH huyện Mù Cang Chải, đến nay xã Dế Xú Phình đã có dư nợ 25 tỷ đồng. Cũng từ nguồn vốn này, các hộ gia đình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo của xã, hiện tại còn có 10,6%”.

3

Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách đầu tư, gia đình chị Sa Thị Tân (ngoài cùng bên phải) ở thôn Ba Khe 3, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn có điều kiện phát triển kinh tế, xây dựng mô hình kinh tế bền vững có hiệu quả kinh tế cao

Chia tay vùng quê “3 nhất” Mù Cang Chải, chúng tôi xuôi về Văn Chấn, 1 trong những huyện rộng nhất của tỉnh Yên Bái có đông đồng bào DTTS sinh sống và nhiều thôn xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Được biết hằng năm bình quân NHCSXH huyện Văn Chấn tạo điều kiện thuận lợi cho khoảng 8.000 hộ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Tính đến hết tháng 5/2018 tổng dư nợ vốn tín dụng chính sách trên địa bàn là 489 tỷ đồng với 16.950 hộ dang dư nợ, nguồn vốn tập trung ưu tiên đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa và đa phần số khách hàng vay vốn chính sách là hộ gia đình đồng bào DTTS. Đơn cử gia chị Sa Thị Tân, người Tày thôn Ba Khe 3, xã Cát Thịnh đã sử dụng đồng vốn vay chính sách từ năm 2007 xây dựng ao nuôi, mua giống mở rộng diện tích thả ba ba. Nhờ biết tính toán lại làm theo kỹ thuật nên việc nuôi con đặc sản thu kết quả, gia đình đã trả hết nợ cũ, lại được tạo cơ hội vay tiếp 30 triệu đồng từ chương trình SXKD vùng khó khăn. Nhờ nguồn vốn chính sách đã góp phần giúp kinh tế gia đình chị khá giả, với 500 mét vuông ao nuôi từ 400 - 500 con ba ba, thu lãi hằng năm hơn 900 triệu đồng cùng một cơ sở sản xuất gạch ngói và 3ha cam trĩu quả.

Từ nguồn vốn chính sách, ngày nay, vùng cao Mù Cang Chải, Trạm Tấu đã xích gần lại với miền xuôi, không còn xa nhất, cao nhất, nghèo nhất nữa. Và các xã vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS đặc biệt khó khăn ở các huyện Văn Chấn, Văn Yên, Yên Bình… đã chuyển đổi từ trồng lúa nương kém hiệu quả sang cây trồng khác hiệu quả hơn, hình thành vùng ngô, vùng chè, vùng cây ăn quả đặc sản hàng hóa. Cuộc sống người Mông, Dao, Thái, Mường, Tày, Nùng… cũng vơi đi nhọc nhằn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 13 chương trình tín dụng được triển khai. Bên cạnh các chương trình cho vay phát triển sản xuất (như hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn), các chương trình cho vay như nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, giải quyết việc, xuất khẩu lao động ngày càng mở rộng để phục vụ thêm nhiều đối tượng… thì nhóm các chương trình cho vay tạo sinh kế cho người DTTS gắn với trồng trọt, chăn nuôi, phục vụ chuyển đổi nghề cho người thiếu đất sản xuất cũng được đặc biệt quan tâm, giúp hộ đồng bào DTTS và các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn phát triển sản xuất, nâng cao cuộc sống.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Yên Bái, Nguyễn Thanh Hải thông tin: “Hiện tổng dư nợ của đơn vị đạt 2.635 tỷ đồng với trên 85 nghìn khách hàng, trong đó dư nợ của hộ đồng bào DTTS là trên 1.650 tỷ đồng, chiếm 63% tổng dư nợ, với số khách hàng DTTS là 55.202 hộ, chiếm 64% số hộ vay vốn, dư nợ bình quân 28 triệu đồng/hộ.

Nổi bật nhất trong hoạt động tín dụng chính sách dành cho đồng bào DTTS là do làm tốt công tác tuyên truyền vận động, thường xuyên kiểm tra giám sát cùng sự vào cuộc của các cấp chính quyền, đoàn thể, các ban, ngành, của cả Trưởng bản những người có uy tín ở vùng đồng bào DTTS trong việc giúp đỡ đồng bào cách thức sử dụng vốn đúng mục đích vào phát triển SXKD, chuyển biến tích cực, ý thức nộp lãi, trả nợ theo quy định, thực hành gửi tiền tiết kiệm hằng tháng đều đặn tạo nên cảnh quan nông thôn miền núi thêm sáng tươi và nguồn vốn tín dụng chính sách thực sự phát huy hiệu quả”.

Bài và ảnh Đông Dư - Lương Xuân

Các tin bài khác