Khẳng định vị thế đô thị động lực
Không dừng lại kết quả này, TP Đà Nẵng ra quyết định nâng mức chuẩn thu nhập hộ nghèo cao hơn mức quy định chung của cả nước (Cụ thể mức chuẩn hộ nghèo mới ở Đà Nẵng là 1,3 triệu đồng/người/tháng, trong khi đó chuẩn hộ nghèo ở thành thị cả nước là 900 nghìn đồng/người/tháng). Cùng với đó, quận Hải Châu cũng đã đề ra nhiều chính sách đột phá trong thực hiện Đề án giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, trong đó tập trung triển khai Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Ông Võ Văn Thương - Bí thư Quận ủy Hải Châu cho biết: “Việc đưa Chỉ thị mới của Đảng về tín dụng chính sách xã hội vào cuộc sống và nâng chuẩn hộ nghèo của thành phố được xem là khâu đột phá trong thực hiện chính sách giảm nghèo, đòi hỏi phải tập trung huy động mọi nguồn lực, trong đó lấy nguồn vốn tín dụng chính sách làm chủ lực vì mục tiêu thoát nghèo. Chính sự chuyển biến về nhận thức và hành động đó đã giúp công tác giảm nghèo đảm bảo thực chất hơn, không chạy theo thành tích”.
Qua ghi nhận thực tế, thời điểm Ban Bí thư TW Đảng ban hành Chỉ thị 40 về tín dụng chính sách xã hội cũng là lúc thành phố quyết định nâng chuẩn hộ nghèo. Theo đó, cấp ủy, chính quyền quận Hải Châu đã kịp thời đề ra kế hoạch hành động; chỉ đạo các đơn vị, MTTQ, các hội, đoàn thể các cấp phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trên địa bàn chấp hành nghiêm, hiệu quả trong việc đưa vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng được thụ hưởng, nhất là hộ nghèo theo chuẩn mới, nhằm tạo tiếp cơ hội cho bà con chủ động SXKD, thoát nghèo bền vững.
Cùng với đó, quận Hải Châu đã ủy thác nguồn vốn sang NHCSXH để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tính đến nay, sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 40, quận Hải Châu là đơn vị có nguồn vốn ủy thác sang NHCSXH cao nhất cho các đối tượng chính sách vay với 7.588 triệu đồng.
Mặt khác, công tác tuyên truyền các chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước liên quan đến tín dụng ưu đãi, chương trình giảm nghèo và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được quan tâm với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách.
Do chấp hành nghiêm và thực hiện tốt Chỉ thị mới của Đảng về tín dụng chính sách số hộ nghèo hằng năm ở quận Hải Châu giảm đến 20%, 3.334 lao động có việc làm thu nhập ổn định, gần 15.000 hộ được vay vốn ưu đãi thuận lợi, bình quân mỗi hộ vay khoảng 25 triệu đồng chủ động đầu tư SXKD, thoát nghèo bền vững, chất lượng cuộc sống được nâng cao.
Giám đốc NHCSXH TP Đà Nẵng Đoàn Ngọc Chung thông tin, nét nổi bật trong quá trình thực hiện Chỉ thị của Đảng về tín dụng chính sách xã hội và Quyết định nâng chuẩn hộ nghèo của TP Đà Nẵng nói chung và quận Hải Châu nói riêng đã triển khai bài bản từ công tác khảo sát đến đối thoại với hộ nghèo để từ đó có phương án hỗ trợ vay vốn. Điều quan trọng là đã nâng cao, phát huy được vai trò, vị trí của 282 Tổ tiết kiệm và vay vốn và Ban quản lý tổ là những “cánh tay nối dài” vững chắc nhất trong hành trình đưa nguồn vốn đến với người nghèo phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Đơn cử như gia đình bà Bùi Thị Thảo ở phường Hòa Thuận Đông là một trong những hộ vay, sử dụng hiệu quả đồng vốn vay. Bà Thảo cho biết, mấy năm nay, nhờ nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ NHCSXH, gia đình bà vươn lên ổn định cuộc sống. 10 năm trước, chồng mất, bà Thảo một mình nuôi 2 con ăn học và mẹ già yếu. Được địa phương giới thiệu, bà Thảo tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn, được bình xét vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách để mua thêm máy móc, thiết bị và chủ động lấy hàng về may. “Ngoài may vá, những ngày rằm và mồng một âm lịch, tôi còn làm thêm các loại bánh chay để bán, kiếm thêm tiền, từ đó có điều kiện giúp gia đình có thêm thu nhập hay trả nợ gốc và lãi đúng hạn cho ngân hàng. Quan trọng là mình sử dụng hiệu quả đồng vốn vay giúp cho việc phát triển kinh tế gia đình và tạo được niềm tin của Tổ tiết kiệm và vay vốn với NHCSXH và với tổ chức hội”, bà Thảo nói.
Cũng là hộ sử dụng vốn vay hiệu quả, chị Ngô Thị Thúy Minh ở phường Thạch Thang từ diện hộ nghèo của thành phố, không có nhà cửa đã vươn lên thoát nghèo. Trước đây, chồng thường đau ốm, sức khỏe yếu nhưng chị Minh phải nuôi một mẹ già yếu và 5 con nhỏ, không có vốn làm ăn nên gia đình hết sức khó khăn. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi 20 triệu đồng hộ nghèo, chị Minh mở quán bún trên đường Lê Lai, có tiền lo cho 5 người con ăn học, đồng thời hằng tháng trả lãi và gốc đầy đủ cho NHCSXH.
Để có được những kết quả tích cực đó, Ban Thường vụ, Thường trực quận ủy Hải Châu đã chủ động bám sát chủ trương của TW, thành phố, kịp thời xây dựng kế hoạch, triển khai công tác điều tra nhu cầu vay từ tổ dân phố, phường, quận. Cách làm của quận là thường xuyên chỉ đạo hoạt động NHCSXH quận và 13 phường trên địa bàn quản lý vốn vay chính sách; phân công thành viên làm đầu mối theo dõi việc kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách của từng phường. Từ các hoạt động của Ban đại diện HĐQT và các thành viên Ban đại diện quận được phân công từng phường đã tạo mối liên hệ chặt chẽ, thúc đẩy hoạt động tín dụng chính sách phát huy hiệu quả.
Sau 3 năm triển khai Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, quận Hải Châu đã tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn; qua đó, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách để SXKD, cải thiện đời sống, góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.
Với những giải pháp năng động, đúng hướng, quận Hải Châu sẽ tạo ra những đột phá mới trong phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội trong thời gian tới, tiếp tục khẳng định vị thế một đô thị động lực trung tâm của thành phố năng động như Đà Nẵng.
Bài và ảnh Đông Dư
Các tin bài khác
- » Hiệu quả từ việc đưa Chỉ thị 40 vào cuộc sống ở Quảng Ninh
- » Nông dân Cần Thơ phát huy hiệu quả nguồn vốn vay
- » Cho vay tín dụng vùng khó khăn: Tác động kép ở Lộc Bình
- » Tín dụng chính sách tiếp sức cho vùng khó khăn
- » Nông dân Hải Hà thoát nghèo từ nguồn vốn vay ưu đãi
- » “Chiếc cần” mưu sinh của người Arem
- » Bắc Hà đổi thay nhờ nguồn vốn chính sách
- » “Ba biết” ở Đồng Lâm
- » Người biết quản lý vốn vay ở Na Pắc Ngam
- » Mộ Đức phát huy hiệu quả nguồn vốn vay