“Chiếc cần” mưu sinh của người Arem
Cuộc lột xác ngoạn mục
Người Arem hay còn gọi là người Rục, người Chứt… sống tập trung ở vùng các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa và Bố Trạch (Quảng Bình). Sống sâu trong rừng già của dải Trường Sơn đã khiến tộc người Arem suy kiệt dần và đứng trước nguy cơ diệt vong. Năm 1956, 18 người Arem được phát hiện trong rừng Phong Nha - Kẻ Bàng. Lúc đó, họ đang sống một cuộc sống nguyên thủy.
Từ khi được phát hiện, với chính sách dân tộc của Ðảng và Nhà nước, người Arem đã được đặc biệt quan tâm. Dấu mốc quan trọng cho sự thay đổi ngoạn mục của người Arem là năm 2003. Khi đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Triết đã nhiều lần vào tận nơi tìm hiểu. Trở về TP Hồ Chí Minh, ông đã kêu gọi người dân thành phố đóng góp và cùng với các ngành dựng bản cho người Arem. Ðể đồng bào thuận tiện trong cuộc sống, có chỗ giao lưu, dự án tái lập bản Arem hay còn gọi là lập xã Tân Trạch đã chọn km 39 trên đường Quyết Thắng làm nơi tái định cư của người Arem. Hơn 40 mái nhà truyền thống chắc chắn được dựng lên, mỗi căn trị giá 15 triệu đồng (kèm 5 triệu đồng làm vốn); một chương trình cán bộ “3 cùng” vào rừng ăn, ở, huy động, kêu gọi và di dân về. Xã Tân Trạch - bản của người Arem chính thức có tên từ đó.
Có bản, con đường kết nối vào Tân Trạch cũng được đầu tư. Giờ đây, thay vì mất nửa ngày vật vã đi qua đoạn đường 39km từ UBND huyện Bố Trạch để vào xã Tân Trạch dạo nào, nay chúng tôi chỉ cần vài tiếng đồng hồ. Xuyên qua các địa danh lịch sử như Hang Tám cô, Miếu y tá hay Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, con đường Quyết Thắng huyền diệu và linh thiêng đã đưa chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ở Tân Trạch, giờ không còn bóng dáng của đời sống tự cung, tự cấp. Hàng quán đã được dựng lên, cùng với đó là tiếng huyên náo của các học trò người Arem vui chân đến lớp.
Xóa bỏ đói nghèo
Tân Trạch dẫu đã thay đổi một trời, một vực nhưng đời sống người dân nơi đây vẫn vô vàn khó khăn. Bởi thế, cùng với việc lập bản, di dân về nơi ở tập trung, chính quyền địa phương cùng các cấp ngành, trong đó có NHCSXH đã tìm mọi cách để ổn định đời sống cho người Arem.
Nhớ lại những ngày đầu “cõng vốn” lên bản người Arem, cán bộ NHCSXH huyện Lê Tuấn Sơn vẫn không khỏi rùng mình, ngao ngán. Ngày đó, NHCSXH là đơn vị duy nhất trên địa bàn cung cấp tín dụng đến với bà con xã Tân Trạch và đến nay, nguồn vốn ưu đãi là cầu nối duy nhất giúp bà con ở hai xã Tân Trạch và Thượng Trạch của huyện Bố Trạch hòa nhịp với hơi thở cuộc sống miền xuôi.
Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch Nguyễn Chí Sỹ cho biết thêm, cùng với cán bộ tín dụng của ngân hàng, chính quyền địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân cũng thường xuyên theo sát đồng bào để “cầm tay chỉ việc”; nói cho họ hiểu và làm theo, từ đó bà con tích lũy được vốn kiến thức để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Đến nay, so với thời điểm năm 2003, số hộ của bản đã tăng gần gấp đôi với 97 hộ, trong đó 91 hộ là đồng bào các DTTS. Nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ thông qua NHCSXH cũng đã đến được với 63 hộ gia đình trong bản để phát triển chăn nuôi, 20 hộ gia đình vay vốn làm nhà ở. Nhiều hộ gia đình từ đó cũng có điều kiện mở rộng sản xuất, trang trải cuộc sống.
Điển hình như gia đình anh Đinh Cất, được vay 5 triệu đồng vốn ưu đãi hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn và 30 triệu đồng hộ nghèo để chăn nuôi và trồng rừng hiệu quả. Ông Đinh Pin cũng từ nhờ vay 4,5 triệu đồng chương trình Cho vay hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn để chăn nuôi năm 2004, đến nay, ông đã có một gia tài với 7 bò, đàn dê 15 con. Hộ ông Đinh Trặp vay 4,5 triệu đồng chương trình cho vay hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn để chăn nuôi bò, lợn, nay đã thoát nghèo, trở thành hộ khá của bản, mua được tivi.
Dòng vốn chính sách đã chạm tới những nhu cầu thiết thực, cấp bách của đồng bào; thắp lên khát vọng vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Đặc biệt, sự tận tụy của cán bộ địa phương, của những người làm tín dụng chính sách đã làm thay đổi ngoạn mục cách nghĩ, cách làm cho người Arem nói riêng và đồng bào DTTS ở Bố Trạch nói chung. Bởi thế, nói về nguồn vốn ưu đãi, người Arem đã ưu ái đặt tên cho nó là “chiếc cần” mưu sinh!
Tổng dư nợ của NHCSXH huyện Bố Trạch đến nay đạt trên 463 tỷ đồng, với 15 chương trình tín dụng, nợ quá hạn là 383 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,08% trên tổng dư nợ. Nguồn vốn ưu đãi đã giúp cho 79 nghìn lượt hộ được vay vốn; tạo việc làm cho 30 nghìn lao động, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 24% năm 2005 xuống còn 9,85% năm 2016 theo chuẩn mới và cơ bản không còn hộ đói. |
Bài và ảnh Tuấn Ngọc
Các tin bài khác
- » Bắc Hà đổi thay nhờ nguồn vốn chính sách
- » “Ba biết” ở Đồng Lâm
- » Người biết quản lý vốn vay ở Na Pắc Ngam
- » Mộ Đức phát huy hiệu quả nguồn vốn vay
- » Nâng cao hiệu quả chương trình tín dụng NS&VSMTNT
- » Điều chỉnh một số chính sách xây dựng cụm dân cư vùng ngập lũ ĐBSCL
- » Khảo sát hiệu quả tín dụng chính sách đối với đồng bào dân tộc Yên Bái
- » “Đòn bẩy” làm giàu của nhà nông dân đất quan họ
- » Động lực để thoát nghèo bền vững
- » Vốn tín dụng chính sách đã giúp đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng ổn định cuộc sống