“Ba biết” ở Đồng Lâm

19/06/2018
(VBSP News) Đồng Lâm là một trong 3 xã vùng cao, thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh). Cả xã có trên 2.500 nhân khẩu với hơn 98% là đồng bào dân tộc Dao. Đời sống của bà con ở đây thuần tuý dựa vào phát triển nông, lâm nghiệp. “Từ chỗ xa lạ với tín dụng chính sách, đến nay, thông qua việc vay vốn tại Điểm giao dịch xã, người dân đã quen dần “ba biết” với hoạt động tài chính: biết vay, biết trả, biết gửi tiết kiệm...”, ông Bàn Ngọc Hương - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Đồng Lâm cho biết.

Hiện nay, nguồn vốn của NHCSXHcho vay trên địa bàn xã là 23,8 tỷ đồng với hơn 600 hộ vay, cao thứ 2 trong huyện, nhưng không có nợ quá hạn phát sinh. Đời sống của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo đã đầu tư vào trồng rừng, chăn nuôi hiệu quả, nhất là mô hình trồng keo, chăn nuôi gia súc. Chỉ nói riêng năm 2017, xã Đồng Lâm đã trồng được hơn 130ha keo, khai thác keo nguyên liệu được hơn 120ha với khối lượng hơn 3.600m3. Xã phấn đấu năm 2018 này, trồng 230ha rừng, khai thác gỗ rừng trồng đạt 5.20m3 gắn với mục tiêu độ che phủ rừng. Đối với nhiều hộ dân ở Đồng Lâm, cây keo hiện vẫn là cây mang lại giá trị kinh tế tốt nhất, giúp họ từng bước thoát nghèo.

Ông Bàn Sinh Khoa ở thôn Đồng Trà là một trong 2 hộ nhận hỗ trợ nuôi trâu thương phẩm tập trung trong xây dựng nông thôn mới, cho biết: Năm 2015, từ chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất nuôi trâu thương phẩm, gia đình tôi đã mạnh dạn vay gần 200 triệu đồng mua 20 con trâu giống về chăn thả. Đến nay, sau gần 1 năm, đàn trâu đã sinh sản thêm 7 con và đang phát triển rất tốt. Nhờ đàn trâu này mà gia đình tôi có thêm việc làm để nâng cao thu nhập. “Vui nhất là vài năm gần đây, những con đường trong xã kết nối với nhau được nâng cấp, xây mới không chỉ giúp giao thông phục vụ đi lại, sản xuất thuận lợi, mà đầu ra sản phẩm nông nghiệp của gia đình tôi và những hộ trong xóm dễ dàng giao thương được với các thương lái hơn. Từ đầu năm đến nay, gia đình tôi xuất bán được 4 con nghé, thu lợi gần 50 triệu đồng”, ông Khoa phấn khởi nói.

Ông Bàn Ngọc Hương - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã cho biết: Nếu hộ nghèo không tự ý thức vươn lên thì không ai có thể làm hộ, làm thay. Do đó, năm qua, xã Đồng Lâm đã tích hợp các nguồn lực từ chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Xã cũng tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực vay vốn phát triển sản xuất. Nhờ đó, năm 2017, xã Đồng Lâm đã giảm được 61 hộ nghèo, 16 hộ cận nghèo, hiện chỉ còn 104 hộ nghèo và 143 hộ cận nghèo.

Song song với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, việc cho vay vốn phát triển sản xuất, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhân dân tiếp cận nguồn vốn NHCSXH cũng được xã đặc biệt chú trọng. Trên cơ sở họp dân thống nhất lựa chọn mô hình và bình xét, xã ưu tiên đầu tư cho những hộ có khả năng thoát nghèo, có sức lao động. Đặc biệt là vân động nhân dân đối ứng trên 1 tỷ đồng để thực hiện 64 mô hình chăn nuôi: trâu, gà, lợn. Hiệu quả bước đầu của các mô hình sản xuất đã giúp người dân Đồng Lâm phát triển kinh tế hộ gia đình và thúc đẩy giảm nghèo bền vững.

Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện

Các tin bài khác