Động lực để thoát nghèo bền vững
Trước đây, ở xóm Cha, xã Tòng Đậu, huyện Mai Châu, bà con trong xóm đều “cám cảnh” cho hoàn cảnh gia đình ông Ngần Văn Siêu bởi gia đình có 5 nhân khẩu chỉ trông chờ vào 1.800m2 cấy lúa. Dù có chăm chỉ làm ăn nhưng cái nghèo cứ quanh quẩn. Từ diện thiếu đói, đến nay, nhà ông Siêu đã có bát ăn, bát để. Khoản tiền 20 triệu đồng được vay từ NHCSXH, ông Siêu đầu tư nuôi bò. Nhờ chăm chỉ, chịu khó, đồng vốn chính sách đã giúp gia đình ông thoát khỏi đói nghèo.
Trường hợp của ông Siêu chỉ là một trong hơn 17 nghìn hộ cận nghèo trong toàn tỉnh được vay vốn và đã phát huy hiệu quả vốn chính sách. Chương trình cho vay hộ cận nghèo ngay từ khi mới triển khai đã nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh Hòa Bình. Thời gian qua, nhờ nguồn vốn từ NHCSXH đã góp phần không nhỏ trong giảm nghèo ở địa phương, giúp người dân ổn định cuộc sống. Hằng năm, UBND các xã đều phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể rà soát các hộ nằm trong diện được vay vốn để lập danh sách đề nghị NHCSXH huyện cho vay. Việc xét duyệt các tiêu chuẩn vay vốn được công khai, minh bạch, góp phần tạo sự đoàn kết, thống nhất trong từng tổ cũng như tăng cường trách nhiệm giữa các thành viên.
Trong hoạt động ủy thác, các Tổ tiết kiệm và vay vốn luôn coi trọng công tác kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay. Tổ trưởng cùng các thành viên có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc sử dụng nguồn vốn. Các tổ còn tư vấn, hướng dẫn các hộ gia đình cách làm ăn hiệu quả. Qua rà soát, khách hàng đều sử dụng đúng mục đích và bước đầu phát huy hiệu quả. Công tác triển khai cho vay được tiến hành chặt chẽ, NHCSXH tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị điều tra, khảo sát số hộ cận nghèo trên địa bàn, nắm bắt nhu cầu vay của người dân để xây dựng kế hoạch tín dụng phù hợp. Ngân hàng cũng tích cực tham mưu với chính quyền địa phương phân bổ chỉ tiêu, điều chuyển vốn giữa 2 chương trình cho vay hộ nghèo và hộ cận nghèo để đảm bảo nguồn vốn tín dụng trên địa bàn tỉnh; thường xuyên phối hợp với UBND các xã, tổ chức hội, đoàn thể củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động giao dịch tại xã; đảm bảo giải ngân, thu nợ, thu lãi tại Điểm giao dịch xã, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân.
Từ đầu năm đến nay, doanh số cho vay toàn tỉnh Hòa Bình đạt trên 118 tỷ đồng với 3.683 lượt khách hàng vay vốn, đưa tổng dư nợ chương trình tín dụng hộ cận nghèo đạt trên 501 tỷ đồng với 17.564 hộ còn dư nợ.
Ông Vũ Đình Đoài - Giám đốc NHCSXH tỉnh Hòa Bình cho biết: Cho hộ cận nghèo vay vốn không chỉ người dân phấn khởi mà cán bộ cũng yên tâm vì có thêm cơ sở cho việc giảm nghèo bền vững hơn. Bởi ranh giới giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo rất mong manh. Do đó, không ít hộ nghèo sau khi vay vốn của NHCSXH đã thoát nghèo. Chính vì thế, chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ cận nghèo đã thực sự trở thành nguồn lực “tiếp sức” cho rất nhiều hộ cận nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ổn định và thoát hẳn nguy cơ tái nghèo.
Theo kết quả điều tra đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, đến nay toàn tỉnh Hòa Bình còn 31.657 hộ cận nghèo, chiếm 14,88%. Để đồng vốn chính sách phát huy hiệu quả, trong thời gian tới, NHCSXH tỉnh tiếp tục phối hợp cùng các Sở, ngành hướng dẫn hộ vay cách làm kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp với địa phương và nhu cầu thị trường. Các hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn cần tích cực kiểm tra, giám sát hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn; kịp thời bình xét những hộ khó khăn có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Có như vậy, nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ mới phát huy hiệu quả, giúp hộ cận nghèo ổn định cuộc sống.
Theo Đinh Thắng Báo Hòa Bình
Các tin bài khác
- » Đại hội Công đoàn Ngân hàng Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2018 - 2023
- » Tọa đàm về phương pháp nghiên cứu khoa học
- » Chương trình Cặp lá yêu thương tại xứ Lạng - Vì sẻ chia là hạnh phúc
- » Tín dụng chính sách giúp đồng bào Khmer phát triển kinh tế
- » Cập nhật kiến thức cho người quản lý vốn chính sách
- » Tiếp sức để thoát nghèo ở Kon Rẫy
- » “Cánh tay” nối dài giúp đưa vốn đến người nghèo
- » “Đòn bẩy” mới từ tín dụng chính sách
- » Cần lắm sự sẻ chia với hộ nghèo
- » Lợi ích kép từ việc gửi tiền tiết kiệm