Lợi ích kép từ việc gửi tiền tiết kiệm
Năm 2009, NHCSXH huyện Bến Lức bắt đầu huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn. Phó Giám đốc NHCSXH huyện Bến Lức Phạm Văn Kiệt cho biết: “Thời gian đầu, việc triển khai gặp nhiều khó khăn vì các tổ viên nghĩ, gửi tiết kiệm phải có số tiền lớn, trong khi họ là người nghèo, đối tượng chính sách, cuộc sống còn nhiều khó khăn, thu nhập không ổn định nên ngại tham gia. Cán bộ ngân hàng cùng các hội, đoàn thể và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tích cực tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và lợi ích của việc tham gia gửi tiết kiệm thông qua tổ. Từ đó, các tổ viên hiểu và đồng ý tham gia”.
Qua 9 năm triển khai thực hiện, trên địa bàn huyện có 234/234 Tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng số dư tiền gửi trên 16 tỷ đồng, bình quân 69 triệu đồng/tổ; có 9.824/10.025 tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn (chiếm 98% tổng số tổ viên) tham gia gửi tiết kiệm thông qua tổ, trong đó có 7.143/10.025 tổ viên (chiếm 71%) thường xuyên gửi tiết kiệm hằng tháng. Bà Đặng Thị Phim ngụ ở ấp 2, xã An Thạnh tâm sự: “Năm 2010, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, được vay 10 triệu đồng từ NHCSXH để nuôi heo. Năm 2017, gia đình tôi thoát nghèo và tiếp tục được vay vốn theo chương trình hộ mới thoát nghèo để trồng 5.000m2 chanh. Vì số tiền vay rất lớn nên tôi lo lắng không đủ khả năng trả cho NHCSXH khi đến thời hạn hoàn vốn. Nhưng nhờ gửi tiết kiệm 300 nghìn đồng/tháng, gia đình tôi tích góp được một số tiền để khi đến hạn hoàn trả vốn vay, không phải lo toan”.
Việc gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn không chỉ giúp các đối tượng được hưởng chính sách tín dụng giảm bớt áp lực khi đến hạn hoàn trả vốn vay mà còn giúp nhiều người tích góp được một khoản tiền tiếp tục mở rộng, phát triển kinh tế. Bà Phạm Thị Tuyết Nhung ngụ ở ấp 2, xã An Thạnh chia sẻ: “Nhờ NHCSXH cho vay 50 triệu đồng, tôi mới có điều kiện thuê đất trồng chanh. Hằng tháng, sau khi trừ chi phí sản xuất và chi tiêu trong gia đình, số tiền còn lại tôi gửi Tổ tiết kiệm và vay vốn. Vì vậy, khi đến hạn trả nợ, không những có tiền trả nợ mà tôi còn dư một khoản tiếp tục đầu tư trồng chanh”.
Ông Phạm Văn Kiệt cho biết thêm: “Việc huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn mang lại lợi ích kép cho cả đôi bên. Ngân hàng có thêm nguồn vốn, thêm nhiều người nghèo, đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước để SXKD, cải thiện cuộc sống; khách hàng có tiền tiết kiệm tích góp để trả nợ và dự phòng rủi ro”.
Việc huy động tiền gửi thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn giúp người nghèo, đối tượng chính sách tích góp, tạo lập nguồn vốn, thực hiện tốt kế hoạch trả nợ, có thêm vốn để mở rộng phát triển SXKD và vươn lên thoát nghèo bền vững.
Theo Lê Ngọc Báo Long An
Các tin bài khác
- » Thoát nghèo từ vốn vay chính sách
- » Dấu ấn đồng vốn chính sách ở Văn Lãng
- » Đồng bào DTTS huyện Lộc Bình thoát nghèo từ nguồn vốn ưu đãi
- » Tạo đà giúp nông dân khởi nghiệp, làm giàu
- » Vốn tín dụng ưu đãi góp phần xây dựng nông thôn mới ở Nam Đàn
- » “Bà đỡ” của người nghèo ở huyện Krông Pa
- » Huyện nông thôn mới Kim Bảng
- » Cầu nối tín dụng cho người nghèo
- » Sử dụng vốn ưu đãi giảm nghèo hiệu quả ở Trà Vinh
- » Nâng cao hơn nữa hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn tại tỉnh Cà Mau