Tạo đà giúp nông dân khởi nghiệp, làm giàu

04/06/2018
(VBSP News) Nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện Bảo Thắng (Lào Cai) không chỉ giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu, mà còn là nguồn lực để các Hợp tác xã tiếp cận, qua đó mạnh dạn đầu tư vào mô hình nông nghiệp.
image001

Tiếp cận nguồn vốn của NHCSXH, người dân đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Thoát nghèo bền vững

Thôn Làng Đào 2, xã Trì Quang cách trung tâm huyện Bảo Thắng chưa đầy chục cây số nhưng chỉ vài năm trước, đời sống của người dân vô cùng khó khăn, trong đó 100% là hộ đồng bào DTTS, có đến 32 hộ nghèo (chiếm 44%) và 19 hộ cận nghèo (chiếm 26%). Từ những ngày đầu được tiếp cận với nguồn vốn của NHCSXH, thôn đã thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn dưới sự quản lý trực tiếp của Hội Phụ nữ xã Trì Quang. Trong quá trình hoạt động, thôn đã đề ra quy ước hoạt động tổ đúng quy định, phù hợp với thực tiễn, phong tục tập quán của bà con nên một số hộ đã mạnh dạn vay vốn làm ăn.

Gia đình ông Trần Ngọc Đại, là hộ nghèo năm 2011, được vay 30 triệu đồng của NHCSXH. Ông mua 1 con trâu sinh sản, còn lại đầu tư trồng thêm 1ha quế. Sau 3 năm, nhờ cần cù, chịu khó, gia đình ông đã thu được một khoản kha khá, trả được hết nợ ngân hàng và còn dư tiền tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất.

Thấy được hiệu quả kinh tế của gia đình ông Đại, ông Nguyễn Văn Liệu là hộ nghèo năm 2013, cũng mạnh dạn vay 30 triệu đồng mua trâu sinh sản, chỉ sau 1 năm, trâu mẹ đẻ trâu con, hiện gia đình ông Liệu đã trả được nợ ngân hàng và lãi ra được một cặp nghé.

Ông Đặng Văn Quỳnh - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Làng Đào 2 chia sẻ: “Trong những năm qua, tổ đã không ngừng gia tăng về quy mô dư nợ cũng như số lượng tổ viên. Từ năm 2003 đến nay, trong thôn đã có hơn 120 lượt hộ tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn để sinh hoạt và vay vốn. Hiện nay, tổ có 59 hội viên, trong đó có 51 hộ còn dư nợ với tổng dư nợ trên 2 tỷ đồng. Đến nay, tổ không có nợ quá hạn phát sinh, không có lãi tồn, số dư tiền gửi tiết kiệm 50 triệu đồng; các thành viên luôn hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong SXKD cũng như trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Qua 15 năm, nguồn vốn cho vay đã giúp hàng chục hộ trong thôn thoát nghèo bền vững”.

Thúc đẩy phát triển nhiều mô hình nông nghiệp mới

Ông Phạm Tiến Lữ - Chủ nhiệm Hợp tác xã xã Bản Cầm, không dấu được niềm tự hào khi khoe với chúng tôi mô hình trồng sả. Có thể nói, đây là điển hình cho việc lựa chọn cây trồng phù hợp với địa thế canh tác trên đất dốc. Ngoài nguồn vốn tự có của 26 thành viên Hợp tác xã, năm 2018, Hợp tác xã được vay thêm 350 triệu đồng nguồn vốn vay tạo việc làm từ nguồn ngân sách tỉnh thông qua NHCSXH huyện Bảo Thắng để trồng 2ha sả Java. Với giá thu mua từ doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm là 1.800 đồng/kg lá sả tươi, trừ chi phí, thu lãi khoảng 150 triệu đồng/ha. Cũng được tiếp cận nguồn vốn này, Hợp tác xã xã Gia Phú lại mạnh dạn chọn hướng canh tác mới: nông nghiệp công nghệ cao. Với 2ha trồng dưa lê, dưa chuột, cà chua sạch, Hợp tác xã Gia Phú đã đầu tư nguồn vốn tương đối lớn, trên 2 tỷ đồng. Được tiếp sức thêm từ NHCSXH 300 triệu đồng, các thành viên trong Hợp tác xã mạnh dạn thử nghiệm vụ dưa lê vân lưới của Nhật Bản trên diện tích gần 2.000m2. Đến nay, mới chỉ gần đến ngày thu hoạch nhưng sản phẩm đã được nhiều cơ sở hoa quả sạch trên địa bàn bao tiêu toàn bộ, ước  thu 750 triệu đồng/vụ.

Từ hiệu quả đồng vốn, đến nay tổng dư nợ các chương trình tín tại huyện Bảo Thắng đạt trên 400 tỷ đồng. Chất lượng tín dụng cơ bản đạt yêu cầu, với tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm chiếm 0,048% tổng dư nợ. Ông Phan Thanh Sơn - Giám đốc NHCSXH huyện Bảo Thắng, cho biết: “Việc triển khai thực hiện huy động tiền gửi của các tổ chức, cá nhân tại Điểm giao dịch xã theo lãi suất thị trường đã có chuyển biến tích cực, đến nay số dư đạt trên 2,5 tỷ đồng.

Theo Nguyên Hoa Báo KTNT

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác