Sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi
Gia đình ông Phạm Minh Tú ở ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba là hộ dân tộc Châu-Ro, thuộc diện khó khăn của huyện Châu Đức. Trước đây, gia đình ông Tú quanh năm vất vả làm nương rẫy mà cái nghèo, cái đói vẫn cứ đeo bám. Năm 2014, gia đình ông Tú được NHCSXH huyện cho vay 30 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi dê và bò. Nhờ chăm chỉ học hỏi kinh nghiệm trong chăn nuôi, việc nuôi dê của gia đình ông Tú ngày càng phát triển. Hiện gia đình ông Tú luôn duy trì ổn định đàn dê hơn 100 con và 2 con bò. Trong 3 năm gần đây, mỗi năm ông Tú xuất bán 3 lứa dê, sau khi trừ chi phí giống, công chăm sóc và thức ăn, còn thu lãi từ 40 - 50 triệu đồng/lứa. “Trước đây, gia đình tôi làm rẫy rất vất vả, khó khăn. Được cán bộ xã, huyện động viên nên tôi vay vốn mua dê, bò phát triển kinh tế. Mỗi năm tôi xuất bán khoảng 150 con dê, thu lãi gần 150 triệu đồng. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình đã dần ổn định”, ông Phạm Minh Tú bày tỏ.
Bà Phạm Thị Hồng Vân - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba cho biết, trong những năm qua, nguồn vốn vay từ NHCSXH là một trong những kênh vốn quan trọng trong việc hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các hộ có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế. Tổ có 31 hộ, hầu hết là người dân tộc Châu-Ro, đời sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, nên tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo vẫn còn cao. Thời gian qua, với nguồn vốn vay của NHCSXH, nhiều hộ nghèo và hộ cận nghèo ở ấp Bình Mỹ mới có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất và chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vươn lên ổn định cuộc sống.
Nguồn vốn vay không chỉ góp phần giảm nghèo, mà còn giúp cho nhiều hộ dân đầu tư các mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao, làm giàu chính đáng. Đơn cử như hộ gia đình ông Nguyễn Thanh Chức ở thôn 1, xã Suối Rao là một điển hình sản xuất giỏi. Trước đây, cuộc sống gia đình ông Chức hết sức khó khăn do việc trồng lúa vất vả, mùa nắng thì ruộng khô hạn, mùa mưa ngập úng, năng suất lúa thấp, thu nhập không ổn định. Năm 2014, ông Chức được vay 50 triệu đồng của NHCSXH và 50 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, đầu tư nuôi các loại cá nước ngọt như cá chép, trê, trắm, rô phi… Nhờ tổ chức nuôi cá đúng kỹ thuật, mỗi năm xuất bán hơn 10 tấn cá, gia đình ông Chức thu lãi hơn 250 triệu đồng mỗi năm.
Thời gian qua, chính sách cho vay vốn ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Châu Đức được triển khai kịp thời, đúng đối tượng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, tạo việc làm ổn định, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống của người dân địa phương. Trong quá trình thực hiện giải ngân vốn, NHCSXH huyện đã phối hợp tốt với các tổ chức hội, đoàn thể địa phương, các Tổ tiết kiệm và vay vốn tiến hành các bước bình xét, thẩm định chặt chẽ để đưa đồng vốn ưu đãi đến đúng đối tượng được thụ hưởng. “Hiện nay, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng của NHCSXH trên địa bàn huyện đạt gần 350 tỷ đồng với 12.610 hộ vay vốn. Tỷ lệ nợ quá hạn luôn duy trì dưới 1% so với tổng dư nợ. Điều này cho thấy nguồn vốn vay được quản lý tốt, người vay phát huy hiệu quả sử dụng vốn”, ông Lương Văn Long - Giám đốc NHCSXH huyện Châu Đức cho hay.
Theo Phước Quý Báo BR-VT
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Góp phần cải thiện cuộc sống người dân
- » Quảng Bình tích cực huy động vốn
- » Hiệu quả từ nguồn vốn vay ưu đãi
- » “Cánh cửa” thoát nghèo của người dân
- » Chất lượng tín dụng tăng, thêm nhiều hộ nghèo hưởng lợi
- » Chất lượng tín dụng ngày càng đi vào chiều sâu
- » Thoát nghèo nhờ vay vốn tín dụng ưu đãi
- » Chương trình giải quyết việc làm tác động tích cực đến hộ SXKD tại TP Đà Lạt
- » Thanh Sơn thực hiện nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững
- » Đồng bào DTTS tại tỉnh Quảng Nam có cơ hội phát triển kinh tế